Xuyên đêm phẫu thuật nối lại bàn tay đứt lìa do bị tai nạn

GD&TĐ - Bàn tay bị đứt lìa, anh L.T.T. (ở huyện Tương Dương, Nghệ An) được các bác sĩ BV Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An phẫu thuật nối lại tay.

Ngày 2/6, thông tin từ Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình tỉnh Nghệ An cho biết, các y, bác sĩ vừa nối thành công bàn tay của nam thanh niên bị đứt lìa do tai nạn.

Theo đó, cách đây hơn 1 tuần, Khoa Cấp cứu của bệnh viện này tiếp nhận bệnh nhận L.T.T. (SN 2005, trú tại huyện Tương Dương, Nghệ An) nhập viện với vết thương đứt lìa ngang cổ tay trái do tai nạn.

Đáng nói là bệnh nhân được nhập viện sau 6 giờ đồng hồ xảy ra sự việc. Thời gian xảy ra tai nạn gây đứt lìa đã khá lâu, các bác sĩ xác định mỗi phút qua đi, cơ hội phục hồi bàn tay bệnh nhân sẽ rút ngắn lại.

Chính vì thế, bệnh nhân nhanh chóng được thực hiện các xét nghiệm cần thiết và hội chẩn liên khoa. Sau khi thăm khám, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật vi phẫu cấp cứu nối lại cổ tay đứt rời cho người bệnh.

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật vi phẫu nối bàn tay đứt rời cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật vi phẫu nối bàn tay đứt rời cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An

Ca phẫu thuật với diễn biến phức tạp, các bác sĩ đã phải rất tỉ mỉ nối mạch máu, gân, cơ và chạy đua với thời gian để cứu sống bàn tay của bệnh nhân. Ca mổ kết thúc vào lúc 2h sáng, đây cũng là lúc bàn tay bệnh nhân trở nên hồng ấm.

Bác sĩ Nguyễn Duy Quyết - Trưởng Khoa Chi trên, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An cho biết, việc khâu nối lại mạch máu, các dây thần kinh cho bệnh nhân là thao tác khó. Ngoài yêu cầu sự khéo léo, tập trung cao độ, ca mổ cũng cần rút ngắn thời gian để tái cấp máu cho bàn tay đứt rời sớm nhất có thể.

Quá trình hồi sức và chăm sóc hậu phẫu cho bệnh nhân được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng phác đồ. Một tuần sau phẫu thuật, bàn tay đứt rời đã thực sự được “hồi sinh” trên cổ tay tưởng như tàn phế của anh T.

Hiện, nam thanh niên này vẫn đang được tiếp tục theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa. Theo ghi nhận, tay của anh T. hiện đã hồng ấm trở lại và có thể tập vận động nhẹ.

Theo bác sĩ Quyết, trong thời gian tới, bệnh nhân T. còn phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại được gần như xưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

làm đầy má hóp bao nhiêu tiền giường gấp y tế phổ biến và được cấp phép lưu hànhTìm hiểu aura clinic tạo hình đầu mũi SBC Nasal