Tất cả chỉ mới là giả thiết
Trump cho biết ông đang chờ đợi một báo cáo đầy đủ về những gì đã xảy ra (đối với Jamal Khashoggi) từ Ngoại trưởng Mike Pompeo, người mà ông đã gửi tới Riyadh (thủ đô của Ả-rập Xê-út) và Ankara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ) để gặp gỡ các quan chức về sự biến mất của nhà báo có tư tưởng đối lập với Riyadh. Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo dự kiến vào trưa 18/10 (tức nửa đêm 18, rạng sáng 19/10 theo giờ Việt Nam).
Thông tin được hé lộ từ các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ tin rằng Khashoggi, một nhà báo cộng tác với tờ Washington Post, người đã chỉ trích cách thức quản lý vương quốc theo hướng độc đoán của Thái tử Mohammed bin Salman, đã bị ám sát tại Lãnh sự quán Ả-rập Xê-út ở Istanbul vào ngày 2/10 và cơ thể của ông bị cắt nhỏ để phi tang. Ả-rập Xê-út đã phủ nhận những cáo buộc.
Các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ đã nói với Reuters rằng các nhà chức trách có một bản ghi âm cho thấy Khashoggi đã bị giết trong lãnh sự quán, khi đi cùng vị hôn thê tới đây để làm một số thủ tục đăng ký kết hôn. Vị hôn thê đứng ngoài đợi, còn ông một mình vào trong và đã không được nhìn thấy kể từ khi bước qua cánh cổng.
Yeni Safak, tờ báo ủng hộ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 17/10 đã công bố những gì họ nói là chi tiết từ các bản ghi âm, cho thấy các đặc vụ đến từ Ả-rập Xê-út đã tra tấn Khashoggi để yêu cầu đưa ra các thông tin họ cần. Khashoggi bị giết trong vòng vài phút và những kẻ tra tấn đã cắt đứt các ngón tay của ông trong khi thẩm vấn, tờ báo nói. Những sát thủ sau đó chặt đầu và chia nhỏ cơ thể nạn nhân, cũng theo thông tin từ tờ Yeni Safak.
Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn không chia sẻ với chính phủ Mỹ hoặc đồng minh châu Âu bằng chứng ghi âm hay video đồ họa về sự việc, theo khẳng định từ một số quan chức an ninh của Mỹ và châu Âu nói với Reuters. Cơ quan tình báo Mỹ và các đồng minh đã thu thập một số thông tin đáng tin cậy thông qua các nguồn và phương pháp riêng của họ, một phần xác nhận các báo cáo tin tức dựa trên rò rỉ các bản ghi âm - ít nhất bốn nguồn tin cho biết.
Một báo cáo từ New York Times trích dẫn một quan chức cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận các chi tiết được công bố bởi tờ Yeni Safak. Hai quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã liên lạc với Reuters từ chối xác nhận báo cáo.
Sự đánh đổi sẽ rất lớn
Tổng thống Donald Trump, người đã nhiều lần tuyên bố về mối quan hệ gần gũi với Ả-rập Xê-út và cá nhân Thái tử Mohammed bin Salman (năm nay 33 tuổi và nắm quyền điều hành vương quốc), cho biết Hoa Kỳ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp bất kỳ bằng chứng nào liên quan tới sự việc mà Ankara đang có, dù là âm thanh hoặc video.
Được hỏi trong một cuộc phỏng vấn của Fox Business Network mới đây, rằng nếu có những chứng cứ chắc chắn về việc đặc vụ do Thái tử Mohammed bin Salman cử đến đã ra tay thủ tiêu Khashoggi, Washington có thể từ bỏ mối quan hệ với Riyadh, ông Trump nói: “Tôi không muốn làm điều đó”.
Người đứng đầu Nhà Trắng đã nhắc lại hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Riyadh không tham gia vào sự biến mất của Khashoggi, cũng là một người có quốc tịch Hoa Kỳ sau khi rời khỏi Ả-rập Xê-út để tránh những mối đe dọa liên quan đến tính mạng, do những bài viết chỉ trích chính phủ của ông.
“Tôi muốn tìm hiểu những gì đã xảy ra, lỗi ở đâu, và chúng tôi có lẽ sẽ biết vào cuối tuần này” - Trump nói tiếp với các phóng viên - “Chúng tôi đã yêu cầu các bằng chứng, nếu nó tồn tại... Tôi không chắc chắn rằng nó (các bằng chứng) tồn tại, có lẽ không”.
Các cơ quan truyền thông Mỹ thì dẫn các nguồn tin cho rằng Riyadh, không sớm thì muộn, sẽ thừa nhận nhà báo Khashoggi đã bị giết hại trong một cuộc thẩm vấn sử dụng nhục hình tra tấn. Về việc này, ông Trump cũng thừa nhận (dù không đưa ra bằng chứng) rằng có sát thủ đứng sau sự việc và rằng những kẻ gây án có thể sẽ phải chịu trách nhiệm.
Liệu Mỹ và phương Tây có chấp nhận đánh mất mối quan hệ với Ả-rập Xê-út, một quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và cũng có tiếng nói quan trọng nhất trong thế giới Ả Rập, từ sự việc này? Ông Trump chắc chắn không muốn đánh mất sự ủng hộ tích cực từ Riyadh trong việc chống lại ảnh hưởng của Iran trong khu vực; chưa kể hàng chục tỷ đô la trong các giao dịch vũ khí tiềm năng giữa hai nước.
Còn các quốc gia phương Tây khác, mặc dù bày tỏ lo ngại về vụ việc, nhưng họ cũng đối mặt với một tình huống nhạy cảm tương tự trong các giao dịch của họ với nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới này.
Thổ Nhĩ Kỳ, dù rất tích cực điều tra sự việc và đã bật đèn cho truyền thông nhà nước “chĩa mũi dùi” vào Riyadh cũng như đích danh Thái tử Mohammed bin Salman, nhưng xét về toàn cục, Ankara cũng rất cần sự ủng hộ của Riyadh trong vấn đề Iran, Sirya hay chống khủng bố.
Một sự “tiến thoái lưỡng nan” cho rất nhiều bên và không loại trừ khả năng sự việc sẽ lặng lẽ “chìm xuồng” trong thời gian tới.