Là địa bàn rộng lớn, nơi sinh sống của nhiều hệ dân tộc thiểu số, xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong có tới 3 trường tiểu học. Trong đó, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có tới 4 điểm trường: Mường Lống, Nậm Tột, Huồi Xái, Huồi Mới với 100% học sinh là người Mông.
Học sinh điểm trường lẻ Huồi Mới hát Quốc ca
Suốt 40 năm qua, đến nay trường vẫn chỉ toàn thầy giáo. Do các bản đều ở nơi “cùng trời cuối đất”, giao thông hiểm trở, điều kiện vất vả nên các cô giáo không thể nào ở lại cắm bản được.
Đối với thầy và trò điểm bản Huồi Mới, năm học 2020 – 2021 có rất nhiều cái đầu tiên. Đây năm hoàn thành sáp nhập học sinh từ 2 bản Huồi Mới 1 – Huồi Mới 2 làm một, với 86 học sinh đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 5. Sau hàng chục năm thầy trò dạy học trong lớp tạm bằng gỗ, hoặc lắp ghép thì năm học này, điểm trường Huồi Mới đưa vào sử dụng 5 phòng học bằng bê tông kiên cố. Đây cũng là năm học đầu tiên, lễ khai giảng được chính thức tổ chức ở điểm trường lẻ. Những năm trước, các thầy ra trường chính khai giảng, sau đó trở về điểm lẻ chỉ tổ chức ngày hội đến trường cho học sinh.
Bởi vậy, không thể nói hết niềm vui, háo hức của cả thầy và trò ở trên đỉnh Pha Cà Tún này. Buổi sáng, trên con đường mòn và khúc khuỷu, bóng những đứa trẻ Mông thấp thoáng bên cái mái nhà lợp bằng gỗ pơ mu. Các em ríu rít đến trường, cùng các thầy chuẩn bị cho lễ khai giảng.
Tấm bạt in chữ Lễ khai giảng năm học mới 2020 – 2021 được các thầy đặt in và chở từ ngoài thị trấn Tri Lễ, cách gần 50km đưa vào Huồi Mới và treo lên. 4 bộ bàn ghế được học trò xúm vào khiêng ra đặt ngoài sân, vẫn còn nền đất nhưng được san bằng phẳng, rộng rãi. Khách mời của lễ khai giảng có một cán bộ xã sáng sớm vượt núi chạy xe máy vào Huồi Mới, có 2 chiến sĩ bộ đội biên phòng và trưởng bản.
Vậy là xong công tác chuẩn bị, không sân khấu rực rỡ, không loa đài. Thầy nói chay, trò hát chay. Lời hát Quốc ca, Đội ca của những đứa trẻ Mông còn hơi ngọng, nhưng đầy xúc động. Lá cờ Tổ quốc tung bay trong nắng sớm vừa tràn qua đỉnh núi.
Thầy Thò Bá Sinh – Phó hiệu trưởng nhà trường, cũng là người bản địa chia sẻ: “Toàn điểm trường có 86 học sinh, trong đó có 15 cháu năm nay bước vào lớp 1. Lễ khai giảng vắng 3 học sinh, những em này theo bố mẹ đi rẫy tận trong sâu, không có sóng liên lạc. Bố mẹ 3 em nhờ người nhắn ra cho các thầy xin muộn, vài hôm nữa gặt xong lúa thì đưa con về. Dù sao, ở mọt điểm trường lẻ, học sinh đi khai giảng gần như đầy đủ thế này đã rất mừng”.
Nhiều năm về trước, điểm trường lẻ thành lập ở Huồi Mới chỉ có 3 lớp từ lớp 1 đến lớp 3, hầy giáo người xuôi vượt núi lên dạy chữ. Học sinh mới được huy động đến lớp, học chữ. Trong đó, nhiều đứa trẻ người Mông năm xưa đã đi học, lớn lên, rồi quay về chính bản làng mình dạy học như thầy Thò Bá Sinh, thầy Lỳ Bá Cự…
Buổi lễ khai giảng ngắn gọn, thầy cô, bộ đội biên phòng và cán bộ xã, bản không có một bài phát biểu nào. Chỉ có lời dặn dò, chia sẻ chân thành nhất vừa bằng tiếng Việt, vừa phiên dịch sang tiếng Mông, động viên các em học sinh cố gắng chăm ngoan, đi học đầy đủ và học tốt.
Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong, Nghệ An) năm nay có 335 học sinh đều là người Mông. Trong đó trường chính tại bản Mường Lống có 100 em, điểm Huồi Xái có 103 em, điểm Nậm Tột cso 43 em và điểm Huồi Mới có 86 em. Toàn trường có 22 lớp trong đó có 3 lớp ghép với 33 cán bộ, giáo viên.