Đây là dịp để quảng bá tiềm năng ngành rau, củ, quả Việt Nam, xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư vào chuỗi giá trị ngành rau, củ, quả đến đối tác thương mại, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Nhiều tiềm năng với rau, củ, quả Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Năm nay, lần đầu tiên ngành rau quả Việt Nam đạt mức tăng trưởng 45% so với năm 2016, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,4 - 3,5 tỷ USD, lớn hơn nhiều tổng kim ngạch xuất khẩu gạo mặc dù diện tích trồng chỉ bằng 40%. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành rau quả. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ mới bằng 1% thị phần rau quả thế giới. Lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại. Trong đó 2 lĩnh vực yếu là chế biến và tổ chức thị trường. Điều đó đòi hỏi phải tái cơ cấu.
Nông sản là một trong những lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Giai đoạn 2011-2016, giá trị hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu có tỷ lệ tăng bình quân 12,7%/năm. Nếu như năm 2011, Việt Nam có 19 thị trường xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD thì đến năm 2016 đã lên hơn 30 thị trường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tính hết tháng 11/2017, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 33,14 tỷ USD, tăng tới 13,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong năm 2017, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam có thể đạt 36 tỷ USD, với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD. Đây là những con số kỷ lục và đáng mừng đối với ngành nông sản Việt Nam.
Tuy có nhiều tiềm năng như vậy nhưng xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau củ quả, vẫn còn đối mặt với nhiều trở ngại. Một trong những nguyên nhân khiến các mặt hàng nông sản Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước phát triển logistics. Theo các số liệu thống kê, Việt Nam là một trong những nước có chi phí logistics rất cao và chính điều này khiến nông sản Việt mất đi nhiều cơ hội xâm nhập vào thị trường nhiều nước. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016, Việt Nam đứng thứ 64/160 nước (năm 2014 xếp hạng 48) về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Có 4 điểm khiến chỉ số năng lực logistics (LPI) Việt Nam bị tụt hạng, đó là năng lực logistics, kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ và kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu…
Phát triển logistics phục vụ nông nghiệp - nông thôn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến các DN trong và ngoài nước ký kết hợp tác XK rau củ quả với UBND tỉnh Đồng Tháp |
Diễn đàn là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về những định hướng và giải pháp phát triển thị trường quốc tế cho ngành rau, củ, quả và tháo gỡ nút thắt logistics cho nông sản Việt Nam. Tại Diễn đàn, các diễn giả sẽ báo cáo xu hướng phát triển ngành rau, củ, quả và nhu cầu thị trường toàn cầu, cơ hội và những bước đi của Việt Nam để hội nhập, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất chế biến và xuất khẩu rau, củ, quả ra thị trường thế giới của nhà đầu tư trong nước. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ thống logistics trên thế giới và định hướng chiến lược cho Việt Nam và mô hình điểm phát triển logistics của ĐBSCL thực hiện tại Đồng Tháp.
Trong báo cáo “Thị trường Logistics Việt Nam 2017”, StoxPlus cũng đưa ra nhận định, ngành logistics Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, vị trí địa lý kéo dài hàng ngàn cây số trên trục Bắc - Nam, hoạt động thương mại sôi động với tổng giá trị giao dịch 350 tỷ đô la Mỹ vào năm 2016 là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng vận tải trong những năm tới. Tuy nhiên, rào cản lớn hiện nay là cơ sở hạ tầng kém phát triển, mạng lưới đường bộ quá tải, làm tăng nguy cơ chậm trễ và sự cố.
Với cách tiếp cận logistics là một thành tố quan trọng hỗ trợ gia tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển thị trường toàn cầu cho ngành rau củ quả Việt Nam, Diễn đàn sẽ tập hợp các nhà đầu tư, đối tác thương mại uy tín trong cả hai lĩnh vực cùng thảo luận tìm ra giải pháp phát triển ngành rau, củ, quả và hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp - nông thôn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết “Biên bản Ghi nhớ Hợp tác Xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng tại tỉnh Đồng Tháp” giữa 3 bên là UBND Tỉnh Đồng Tháp, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và liên danh 3 nhà đầu tư: Cty CP Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD), Cty CP Đầu tư và Phát triển Sunny World và Cty Cp Địa ốc Sài Gòn Gia Định.
Trong đó, liên danh 3 nhà đầu tư nói trên sẽ tài trợ cho hoạt động nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng tại tỉnh Đồng Tháp - mô hình điểm của ĐBSCL và đồng thời hỗ trợ trong việc xác định tổng vốn đầu tư dựa trên quy hoạch phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng tại Đồng Tháp. Cuối cùng, 3 đơn vị này sẽ xúc tiến đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án phát triển hạ tầng, đô thị, logistics trong nội dung hợp tác giữa các bên.
Ông Lê Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, nhận định: Đồng Tháp là địa phương có nhiều thế mạnh về nông sản như xoài, sen, lúa gạo, hoa, cá tra.. nhưng giá trị gia tăng chưa cao do thiếu chế biến sâu. Do đó, việc đầu tư một trung tâm chế biến sâu những mặt hàng nông sản của tỉnh với diện tích hàng trăm ha sẽ là giải pháp bền vững.
Xúc tiến thương mại vào chuỗi giá trị rau, củ, quả
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn |
Cũng trong khuôn khổ “Diễn đàn Phát triển thị trường cho ngành rau, củ, quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp - nông thôn” đã diễn ra các lễ ký kết hợp tác đầu tư, hợp đồng thương mại giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư với UBND tỉnh Đồng Tháp hơn 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Đồng Tháp có thế mạnh về nông nghiệp, nên luôn chú trọng mời gọi hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản và các lĩnh vực liên quan phục vụ nông nghiệp, như: Xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp; xây dựng trung tâm bảo quản, phân phối rau quả; xây dựng trung tâm cơ khí, chế tạo máy phục vụ nông nghiệp; xây dựng nhà máy chế biến trái cây; đưa nông sản vào hệ thống phân phối, tiêu thụ trong và ngoài nước. Chế biến nông sản và phụ phẩm nông nghiệp.
Kết luận chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: Ngành rau, củ, quả của Việt Nam có lợi thế rất lớn so với các nước trong khu vực. Trong năm 2017, ngành rau củ quả Việt Nam xuất khẩu hơn 36 tỷ USD, tăng trưởng rất mạnh so với sản xuất lúa và ngành dầu khí. Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Đồng Tháp, Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan trong việc phối hợp tổ chức diễn đàn bàn biện pháp cụ thể để tổ chức tốt hơn việc sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu rau củ quả ở Việt Nam. Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đã về dự, cùng thảo luận, ký kết các thỏa thuận hợp tác, góp ý các chủ trương, biện pháp cụ thể.
Thủ tướng cũng chỉ ra, trong khi nền kinh tế Việt Nam đứng ở tốp 50 thế giới về quy mô GDP thì giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 1% thế giới. Năng suất còn thấp. Chất lượng, hiệu quả còn nhiều vấn đề đặt ra. Thậm chí, tình trạng thị trường không ổn định còn diễn ra khá nhiều với việc “được mùa rớt giá”, “được giá mất mùa”. Công nghệ sinh học, đặc biệt là giống còn nhiều vấn đề. Thất thoát sau quy hoạch còn rất cao, trên 30%.
Thủ tướng nhấn mạnh: Dự báo nhu cầu rau quả thị trường trong nước và quốc tế rất lớn. Trong khi đó, thị trường là mục đích của sản xuất theo tín hiệu của thị trường, theo nhu cầu thị trường. Thị trường to lớn về rau củ quả có chất lượng, giá cả hợp lý cùng với tiềm năng to lớn của Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng là một điều kiện cần và đủ để chúng ta phát triển sản xuất. Thị trường trong nước với 100 triệu dân là cơ hội lớn khi mà, theo Thủ tướng, người dân có quyền được hưởng những thực phẩm tươi sạch, bảo đảm chất lượng.
Do đó, cần đón bắt, nắm chắc dự báo để tính toán tăng kim ngạch bình quân trên 20%/năm và giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực này vào năm 2020 đạt gần 5 tỷ USD. Chúng ta cần xác định chìa khóa của sự thành công đó chính là chất lượng và giá thành sản phẩm.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị tập trung làm một số việc, đó là làm tốt quy hoạch sản xuất gắn với thị trường, hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp dài hạn gắn với yêu cầu thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu. Cùng với đó là quy hoạch hạ tầng để thuận lợi hơn, phù hợp hơn, nhằm giảm chi phí vận chuyển gồm phát triển các dịch vụ logistics.
Hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư, bao gồm cả vùng nguyên liệu vào nhà máy chế biến, khuyến khích phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để làm sao giảm bớt tầng lớp trung gian. Đặc biệt là chính sách coi trọng doanh nghiệp, ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, trong đó có tổ hợp tác và hợp tác xã. Đừng để tình trạng nhà máy cứ sản xuất mà vùng nguyên liệu không có.
Tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức trong việc phát triển thị trường và sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để có sự bứt phá, bắt kịp trình độ khu vực của thế giới, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng và hiệu quả của ngành rau củ quả.
Cần cải thiện nhanh chóng hơn dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị ngành hàng rau củ quả nói riêng và nông sản nói chung. Không thể đi mãi lối mòn sản xuất manh mún, tự phát, chạy theo năng suất, chất lượng kém, xuất khẩu thô mà chúng ta cần có cách làm mới, bài bản hơn cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó có việc giảm chi phí vận tải, làm tốt nhất dịch vụ logistics, nâng cao tính kết nối hiệu quả giữa sản xuất và thị trường, giảm được các chi phí thương mại, hạ giá thành sản xuất.