Cần thiết phải xây dựng thương hiệu
Theo nhận định của giới chuyên gia, trong năm nay, gạo XK của Việt Nam sẽ tăng lên chủ yếu nhờ nhu cầu ở Đông Nam Á, nhất là tại Philippines. Và thực tế, nhu cầu nhập khẩu (NK) gạo từ Indonesia và Philippines được xem là yếu tố tích cực cho ngành gạo của Việt Nam ngay từ tháng đầu năm 2018.
Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu, nguồn cung gạo tại một số nước giảm, qua đó làm tăng nhu cầu NK gạo từ các thị trường tiêu thụ chính như: Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc…
Đặc biệt, trong năm 2017 vừa qua, việc mở rộng XK gạo tới các thị trường mới như: Bangladesh, Iraq… cũng góp phần đưa XK gạo của Việt Nam tăng mạnh vượt kỳ vọng.
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cơ cấu gạo XK tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, XK giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường XK.
Cụ thể, trong năm 2017, lượng gạo thơm XK tăng mạnh do Iraq đẩy mạnh NK với 30.000 tấn gạo thơm và Ả-rập Xê-út NK 18.780 tấn gạo thơm của Việt Nam. Tương tự, gạo lứt XK tăng là do Hàn Quốc đẩy mạnh NK với 12.000 tấn...
Chia sẻ với các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường gạo thế giới đang ngày càng cạnh tranh. Do vậy, cần phải tìm cách để gạo của Việt Nam nổi bật lên để cạnh tranh nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh.
Bởi hiện, mặt hàng lúa gạo của nước ta tuy trên cùng một cánh đồng, nhưng có nhiều giống lúa, thương lái mua về rồi trộn chung lại để sơ chế, sau đó bán cho DN chế biến để XK nên không thể truy gạo nguyên nguồn gốc được. Vì vậy, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có được loại gạo nào có thương hiệu mạnh…
Rất cần sự liên kết chặt chẽ
Các chuyên gia cho rằng, để làm được như trên đòi hỏi phải có sự liên kết rất chặt chẽ giữa DN và hợp tác xã trong ngành hàng lúa gạo. Bởi hiện nay mới chỉ có 1% DN ký hợp đồng với nông dân.
Tỷ lệ này cần phải tăng lên để sản phẩm lúa gạo khi đưa về tới cơ sở của DN chắc chắn bảo đảm có nguồn gốc và an toàn. Bởi hiện, dù giá gạo XK của Việt Nam cao hơn gạo của Thái Lan, nhưng chúng ta vẫn cần phải học hỏi kinh nghiệm (trong cả trồng trọt và kinh doanh…) từ quốc gia này.
Do những áp lực cạnh tranh và cơ hội thị trường đã giúp họ thực hiện chuyển đổi nhiều mặt trong ngành hàng lúa gạo và tạo ra những mặt hàng khác biệt, hay những sản phẩm lúa gạo có giá trị gia tăng cao hơn các nước trong khu vực.
Lẽ đương nhiên, cạnh tranh hiệu quả trên thị trường lúa gạo quốc tế còn tuỳ thuộc vào khả năng của nông dân và DN XK lúa gạo Việt Nam trong việc cung cấp sản phẩm gạo đáng tin cậy, chất lượng ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm, có chứng chỉ về việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững…
Trong chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo giữa DN và nông dân ở nước ta trước đến nay, vai trò và người thực hiện vẫn chính là DN. Chẳng hạn, DN đặt hàng để nông dân sản xuất. DN cung cấp vật tư đầu vụ, hướng dẫn nông dân quy trình canh tác sản xuất… và bao tiêu thu mua lúa tươi cho nông dân tại ruộng.
Ngoài ra, DN chịu trách nhiệm vận chuyển lúa từ ruộng về nhà máy, đầu tư lắp máy sấy để sấy lúa, làm kho chứa, bảo quản sau thu hoạch, cũng như máy xay xát chế biến, lau bóng, tách màu, đóng gói… Đặc biệt, DN còn phải chịu trách nhiệm tìm đầu ra cho sản phẩm...
Nói như thế để thấy vai trò, trách nhiệm của DN trong ngành lúa gạo là cực kỳ lớn. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ lại bấp bênh, không ổn định. Chưa kể, chính sách hỗ trợ để DN đầu tư vào ngành lúa gạo lại quá khiêm tốn, dù đây là lĩnh vực đầu tư luôn có nhiều rủi ro…