Bộ GD&ĐT trả lời kết quả thẩm định SGK lớp 1-CNGD của GS Hồ Ngọc Đại

Bộ GD&ĐT trả lời kết quả thẩm định SGK lớp 1 - CNGD
Bộ GD&ĐT trả lời kết quả thẩm định SGK lớp 1 - CNGD

Trước đó, ngày 24/9/2019 Bộ GD&ĐT đã nhận được thư của PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào đã đại diện tập thể cán bộ Trung tâm Công nghệ giáo dục thuộc NXB Giáo dục Việt Nam nêu ý kiến về kết quả thẩm định các bản mẫu SGK môn Tiếng Việt lớp 1, Toán lớp 1 do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên.

GS Hồ Ngọc Đại chủ biên SGK lớp 1-CNGD
 GS Hồ Ngọc Đại chủ biên SGK lớp 1-CNGD

Văn bản của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký gửi tới PGS.TSKH Nguyễn  Kế Hào nêu rõ:

Thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó nêu rõ: Sách giáo khoa là tài liệu triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân thực hiện công bằng, minh bạch và theo quy định của pháp luật.

Theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được quy định, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 28/12/2018, vì vậy sách giáo khoa do các Nhà xuất bản đề nghị thẩm định lần này phải được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.

Căn cứ Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/07/2017 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, thực hiện lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã thành lập các Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Các Hội đồng quốc gia được thành lập và hoạt động theo đúng quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT với tinh thần nghiêm túc, khách quan, khoa học, công bằng.

Đổi mới giáo dục đòi hỏi những bộ SGK chất lượng
Đổi mới giáo dục đòi hỏi những bộ SGK chất lượng

Văn bản cũng cho biết, trong lần thẩm định này, có 5 bộ sách của 9 môn học được các NXB có chức năng xuất bản sách giáo khoa đề nghị Bộ GD&ĐT thẩm định; trong đó các bản mẫu sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1, Toán lớp 1 do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên là một trong các bộ sách được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề nghị thẩm định.

Qua thẩm định vòng 1, có một số bản mẫu sách giáo khoa được xếp loại “Đạt nhưng cần sửa chữa” và có một số bản mẫu sách giáo khoa được xếp loại “Không đạt”. Tác giả của hầu hết các bản mẫu sách giáo khoa của 9 môn học đều đã tiếp thu chỉnh sửa, biên soạn lại theo ý kiến đánh giá của các Hội đồng để tiếp tục đề nghị thẩm định lại theo quy định.

Đối với bản mẫu sách “Tiếng Việt 1” và “Toán 1” do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và cộng sự đã được Bộ GD&ĐT mời đến nghe thông báo kết quả, đối thoại với từng Hội đồng thẩm định. Tại các buổi làm việc này, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và cộng sự đã nghe kết luận của các Hội đồng và không có ý kiến gì thêm.

Theo quy định Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT đối với các bản mẫu sách giáo khoa được đánh giá “Không đạt” (Điểm c, Khoản 6, Điều 20) “Nếu các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tiếp tục biên soạn sách giáo khoa thì bản mẫu sách giáo khoa phải được xây dựng lại để tổ chức thẩm định, như thẩm định lần đầu”; vì vậy tập thể tác giả bản mẫu sách “Tiếng Việt 1”, “Toán 1” do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện các bản mẫu sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT và đề nghị thẩm định lại theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT để sách có cơ  hội góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ