Xuất bản sách giảm, văn hóa đọc có xuống cấp?

GD&TĐ - Số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Thông tin&Truyền thông cho thấy việc xuất bản phẩm giảm, kéo theo nghi ngại về văn hóa đọc.

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương nói chuyện với các phạm nhân tại Lạng Sơn về lợi ích của việc đọc sách.

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương nói chuyện với các phạm nhân tại Lạng Sơn về lợi ích của việc đọc sách.

Giảm trên một nửa bản sách

Trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 diễn ra nhộn nhịp ở khắp các tỉnh – thành phố, thu hút nhiều giới tham gia.

Tuy nhiên, số liệu báo cáo xuất bản phẩm lại ngược chiều với những mong đợi khi giảm đến 28,8% về cuốn và giảm 51% về bản. Giảm số sách đồng nghĩa với việc độc giả giảm tiếp cận với văn hóa phẩm, kéo theo những hệ quả về văn hóa đọc và công tác khuyến đọc.

Đầu tháng 8/2023, tại Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2023, Bộ TT&TT công bố báo cáo về công tác xuất bản. Theo đó, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 14.968 cuốn với 176.830.566 bản (giảm 28,8% về cuốn và giảm 51% về bản).

Cụ thể, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 13.380 cuốn với 163.888.479 bản (giảm 30,5% về cuốn và giảm 53,9% về bản); Xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.111 xuất bản phẩm (giảm 2,8%); Xuất bản phẩm dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 477 xuất bản phẩm với 12.942.087 bản (giảm 24,9% về số xuất bản phẩm và tăng 115% về bản).

Cũng theo báo cáo, tuy ít về số lượng nhưng đã có nhiều xuất bản phẩm nội dung tốt, có giá trị nhân văn, mang tính thời sự, hấp dẫn về hình thức… phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bạn đọc ở tất cả loại sách, từ sách lý luận chính trị, sách kinh tế - xã hội, sách văn hóa - văn học, sách chủ quyền biển đảo, sách giáo dục - dạy nghề, sách khoa học - công nghệ đến các loại sách tri thức phổ thông - hướng nghiệp, sách thiếu nhi...

Theo chuyên gia khuyến đọc - dịch giả Nguyễn Quốc Vương, có thể thấy số lượng bản sách được in trong 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng một nửa so với 6 tháng đầu năm 2002. Bởi vậy, có thể tính theo công thức cũ, tức là lấy số bản sách in ra chia đều cho hơn 90 triệu dân, vậy mỗi người Việt Nam không đọc được 0,8 - 1 cuốn/năm như đã từng.

Ông Vương nhận định rằng, nếu đúng như số liệu báo cáo thì văn hóa đọc ở nước ta đang có chiều hướng đi xuống. Nói vậy không phải là bi quan mà là để tất cả những ai quan tâm đến văn hóa đọc phải suy ngẫm để cố gắng.

Theo giới chuyên gia, xuất bản phẩm 6 tháng đầu năm 2023 giảm đang chứng minh văn hóa đọc – đặc biệt ở giới trẻ có nhiều thay đổi. Ngày càng nhiều người bị phụ thuộc vào các phương tiện nghe nhìn hiện đại.

Đáng chú ý, theo một số khảo sát thì rất ít người trẻ ở Việt Nam tham gia mạng xã hội để thực hiện chức năng “nghe – nhìn” sách, mà đơn giản chỉ để “lướt mạng”, giải trí hoặc nói chuyện với bạn bè…

Mặc dù rất nhiều người tham gia các diễn đàn, hội chợ về sách nhưng số bản sách vẫn giảm trên 50% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Mặc dù rất nhiều người tham gia các diễn đàn, hội chợ về sách nhưng số bản sách vẫn giảm trên 50% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Đọc sách là con đường ngắn nhất để tìm kiếm tri thức

Trái ngược với ý kiến đó, nhiều người cho rằng văn hóa đọc ở Việt Nam chưa đến mức báo động.

Minh chứng là trong tháng 4/2023, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 diễn ra ở các địa phương đều thu hút nhiều giới tham gia, nhất là học sinh – sinh viên. Tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TPHCM còn diễn ra nhiều hội chợ về sách, người tham gia rất đông và việc mua bán sách cũng rất nhộn nhịp.

Để ngăn chặn văn hóa đọc đang có chiều hướng đi xuống, theo giới chuyên gia Việt Nam cần có chiến lược đồng bộ. Ví dụ cần miễn giảm thuế cho các sản phẩm văn hóa, tạo cơ chế mở cho các nhà xuất bản… Tuy nhiên, đây chưa phải những điều căn cốt, bởi thị trường sách cũng giống như các mặt hàng thông dụng – có cung thì có cầu, và ngược lại. Nếu độc giả không muốn mua sách, không có nhu cầu đọc sách, thì dù giảm đến trên 50% chưa chắc đã bán được.

Bởi vậy, theo ông Nguyễn Quốc Vương cần tiếp tục công tác khuyến đọc, giúp người dân và đặc biệt là người trẻ biết yêu mến sách cũng như những tác dụng tích cực từ đọc sách. Chỉ khi người đọc xem việc đọc sách là một thói quen và thậm chí là một sứ mệnh, một con đường ngắn nhất để tìm kiếm tri thức thì văn hóa đọc mới có cơ hội phát triển.

Ông Vương cho rằng, gia đình có trách nhiệm rất lớn trong việc hình thành thói quen đọc sách của con cái. Khi trẻ ở độ tuổi ấu thơ, trải nghiệm đọc sách đầu đời vô cùng quan trọng. Bởi thế một số quốc gia còn tạo ra các trang sách có mùi hương để thu hút trẻ.

“Trong khuyến đọc, hình thành thói quen đọc sách cho mỗi cá nhân là cực kì quan trọng. Hình thành thói quen đọc sách cũng giống như hình thành bất cứ một thói quen sinh hoạt nào như đi ngủ và thức dậy đúng giờ... đều cần tiến hành ngay từ khi trước 6 tuổi. Sau giai đoạn đó, tuy cơ hội vẫn còn nhưng sẽ hẹp đi rất nhiều và phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn”, ông Nguyễn Quốc Vương cho hay.

Ở các nước có tỉ lệ đọc sách cao, cha mẹ đều đọc sách cùng con để con hiểu giá trị của sách đối với đời sống. Thói quen và cũng là niềm vui này sẽ theo trẻ suốt cả cuộc đời. Nó sẽ là nền tảng cho việc học tập, sinh hoạt trong suốt cuộc đời mỗi người. Cha mẹ cũng nên xây dựng không gian văn hóa - không gian đọc sách, trao đổi với con về lợi ích của sách.

Ông Vương cho biết, dân số Việt Nam khoảng 96 triệu người với 26 triệu hộ gia đình. Giả sử 20 triệu gia đình có tủ sách ở trong nhà thì khi đó 20 triệu gia đình đọc sách sẽ tạo ra một sức mạnh và sự thay đổi vô cùng lớn.

Tuy nhiên đó chỉ là ví dụ giả tưởng, vì hiện nay số gia đình có tủ sách chẳng đáng là bao. Và còn hiện thực khác phũ phàng hơn, đó là dù gia đình có tủ sách nhưng việc đọc sách lại không được tiến hành.

“Văn hóa đọc là nền tảng của mọi nền tảng, do vậy nó là thứ được tạo dựng từ từ qua nhiều thế hệ qua hàng trăm năm. Nền tảng này của Việt Nam rất yếu. Ra khỏi trung tâm thành phố, việc nhìn thấy bóng dáng văn hóa đọc rất khó trừ phi đến các thư viện hoạt động tốt. Các thư viện cấp quận, huyện hầu như đã không còn hoạt động, hoặc không còn người đến”, dịch giả Nguyễn Quốc Vương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.