Chính vì thế năm nào Trường Tiểu học Võ Thị Sáu quận 7 – TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức Lễ hội mùa xuân vừa là nơi để học sinh hiểu được giá trị Tết cổ truyền, vừa là nơi các em tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức các gian hàng ẩm thực và chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Không gian làng quê trong ngôi trường ở phố
Mỗi lớp một gian hàng được trang trí theo phong cách khác nhau nhưng đa phần đều hướng đến các giá trị dân gian. Gian hàng được trang trí bởi những đôi tay tài hoa của phụ huynh và giáo viên.
Các vật liệu tuy đơn giản nhưng lại gắn liền với thiên nhiên như cổng lá dừa, vách nứa, mái lá, buồng dừa nước, cây chuối, bụi tre,... Tất cả gợi lên không gian làng quê Việt Nam.
Các món ăn dân dã đậm đà bản sắc Việt
Hầu hết các món ăn được bày bán ở các gian hàng đều do phụ huynh kì công chuẩn bị. "Chị thức từ hai giờ sáng để nấu món tàu hũ nước đường vì nấu sớm quá sẽ không ngon". "Chị nôn còn hơn cả học sinh nên không ngủ được gì cả"...
Nghe những câu nói như thế cảm giác vui đến lạ. Những món ăn do chính tay ba mẹ làm nên luôn đảm bảo về chất lượng và vệ sinh nào là bún chả, nem nướng, bánh bột lọc, bánh bèo, bánh nậm, chả giò, bánh khọt, tàu hũ, nước mía,...
Ngoài ra cũng không thiếu các món ăn đường phố, một nét riêng của ẩm thực Việt Nam: Xoài lắc, bánh tráng trộn, bánh trán nướng, xúc xích, cá viên chiên, trà sữa... Phụ huynh, giáo viên trong trang phục bà ba giản dị hòa cùng những chiếc áo dài xinh xắn, rực rỡ sắc màu của các em học sinh làm không khí Tết thêm rạo rực.
Thú vị trò chơi dân gian
Trò chơi dân gian được diễn ra song song với hoạt động ẩm thực. Các em lần đầu được đi cà kheo, trò chơi đòi hỏi sự nhịp nhàng giữa tay và chân để giữ thăng bằng cho cơ thể. Bước lên rồi lại ngã xuống nhưng các em không nản chí, nụ cười luôn xuất hiện trên môi.
Học sinh nam thích thú với trò kéo co thể hiện sức mạnh của mình. Dĩ nhiên đội thắng cuộc sẽ có phần quà nho nhỏ nên các em càng thêm hứng thú. Các em lớp nhỏ hơn có thể ngồi tô tranh cát và mang sản phẩm của mình về. Hoặc các bạn có thể ngồi tô tượng hoặc nặn gốm.
Sau khi làm đều có sản phẩm mang về nên các em rất thích vừa chơi vừa được quà. Chẳng những thế các em có thể đi xin chữ của ông đồ.
Đa số các em xin tên nhiều hơn là các câu đối ngày tết. Nặn tò he, làm cào cào bằng lá dừa là một trong những hoạt động không thể thiếu. Tuy nhiên để có những sản phẩm này các em phải chịu khó xếp hàng hơi lâu.
Còn một trò khá thú vị ở đây là bịt mắt bắt vịt. Trò này đòi hỏi các em phải can đảm lắm mới dám chơi vì chú vịt chạy nhanh rất khó bắt và đôi khi chúng còn mổ vào mình nữa.
Ngày hôm ấy các em được rời xa các thiết bị điện tử...
Tết sẻ chia
Ngoài hoạt động vui chơi và ăn uống, ý nghĩa thật sự của lễ hội này là tiền vé các em mua và tiền bán các gian hàng đều ủng hộ cho các em học sinh khó khăn ở trường để vui Tết.
Hiểu được ý nghĩa đó nên nhiều em tự tay làm các món ăn đến đem bán và ủng hộ hết số tiền bán được. Bên cạnh đó, nhiều em còn vẽ tranh bán đấu giá để ủng hộ. Các em biết rằng sự sẻ chia đó sẽ giúp cho bạn mình phần học bổng, món quà Tết đôi khi là vài bộ đồ mới và bao lì xì nho nhỏ. Món quà ấy sẽ giúp bạn mình đón một cái tết ấm áp hơn.