Ấm tình ngày đầu Xuân trẩy hội Đền Hùng

GD&TĐ - Đền Hùng những ngày đầu Xuân vô cùng nhộn nhịp bởi lượng du khách đổ về. Giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang trầm tỏa, mỗi người sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng và thanh thản hơn bao giờ hết. 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Đi lễ đầu năm từ lâu là phong tục quen thuộc của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đối với tôi, đi lễ không chỉ là để ước nguyện mà còn là giây phút được hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại sau lưng những gánh nặng vất vả của cuộc sống mưu sinh thường ngày.

Tết 2019 năm nay, Đền Hùng không chỉ là nơi linh thiêng để tôi trẩy hội du Xuân mà là nơi lưu giữ trong trái tim tôi hình ảnh về một người bán hàng hiền lành và tốt bụng.

Tôi đến Đền Hùng một buổi sáng ngày Tết yên bình. Tiết trời trong lành, lối đi rợp bóng cây xanh mát mẻ quanh những bậc lên xuống... Hòa trong dòng người đang có mặt nơi đây, tôi dâng lên một nén hương thành kính để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của các vị vua Hùng. Chắp tay cầu chúc một năm mới an khang, may mắn và hạnh phúc sẽ đến với những người thân yêu. Tôi thấy lòng mình an nhiên đến kỳ lạ.

Leo lên mỗi đền, tôi đều dành thời gian quan sát cảnh vật xung quanh và cảm nhận hơi thở của ngày Xuân. Mỗi điểm đều có những dấu ấn riêng biệt để làm du khách phải đắm lòng. Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ đi lễ ngày đầu Xuân, tôi thấy nhựa sống của một năm mới đang hừng hực.

Sau khi leo từ Đền Hạ, Đền Trung rồi lên đến Đền Thượng hít hà không gian tĩnh mịnh đến ngọt ngào, tôi quay xuống Đền Giếng. Dòng người về trưa đến dâng lễ ngày càng đông đúc, già trẻ trai gái, và có cả du khách nước ngoài. Lúc này tôi đã thấm mệt nên ngồi trên một chiếc ghế đá cạnh hồ để nghỉ. Ngắm những chú cá vàng tung tăng bơi lội dưới dòng nước xanh ngắt, những rễ si rủ bóng xuống hồ tạo nên khung cảnh khá mộng mơ cho ngày Xuân.

Bọn trẻ con đi theo bố mẹ ríu rít chạy nhảy chỉ trỏ. Những người bán hàng cạnh hồ niềm nở mời chào mọi người mua bán. 

Tiếng chị bán bánh dày lảnh lót, tiếng những người bán vòng, bán khánh cũng đon đả không kém. Duy nhất, chỉ có một người bán con quay ngồi đối diện chiếc ghế tôi đang ngồi là im ắng. Chú trạc 50 tuổi, đôi tay thoăn thoắt làm con quay bằng gỗ biểu diễn trên nền gạch và thỉnh thoảng nhìn dòng người qua lại.

Bên cạnh chú là một chiếc nạng. Quả thật, công việc bán hàng của chú có vẻ đơn sơ và không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đã 30 phút trôi qua từ lúc tôi ngồi nghỉ, thỉnh thoảng mới có một hai đứa trẻ thích thú đứng xem con quay của chú và đòi bố mẹ mua cho.

Con quay của chú cũng có khá nhiều loại, giá tầm 10.000 – 20.000 đồng. Trời nắng, áo chú thấm ướt thế nhưng mỗi khi bán được hàng chú vui sướng trông thấy. Những giọn gió mát lành của vùng đất Tổ du dương thổi qua, tôi thấy khỏe khoắn hơn bao giờ hết, nhanh chóng tôi lại tiếp tục chặng đường đi lễ của mình.

Tôi di chuyển về khu vực phía Đền Mẫu. Đi được nửa đường tôi bỗng giật mình sực nhớ ra mình vừa để quên chiếc ví. Chắc nhẩm bản thân đã để quên trong lúc ngồi nghỉ cạnh hồ của khu vực đền Giếng, tôi hớt hải quay đầu chạy lại tìm. Lòng tôi đầy lo âu, thực sự với lượng khách trẩy hội đầu năm qua lại tấp nập như thế này thì khả năng khá cao tôi sẽ không thể tìm lại được tài sản.

Suy nghĩ đó khiến tôi run lên, tôi đã có rất nhiều giấy tờ quan trọng và một số tiền khá lớn để ở đó.

Thấy bóng dáng tôi từ xa đang vội vàng chạy đến, chú bán hàng ban nãy vội vàng vẫy tay và nở nụ cười rất tươi với tôi. Mồ hôi nhễ nhại, thở hổn hển chưa kịp hỏi thì chú đã lên tiếng:

“Cháu quay lại tìm ví phải không?”.

Tôi như cười ra nước mắt, hạnh phúc lắm, tôi gật đầu và nói:

“Vâng ạ”.

“Cháu đứng dậy đi một đoạn chú mới nhìn thấy chiếc ví. Đôi chân chú không thể chạy theo được nên chú ngồi đây để đợi cháu quay lại. Nếu cháu không quay lại chắc chú phải nhờ đài phát thanh của khu vực này để thông báo. May quá” – Chú nói.

“Cảm ơn chú ạ. Chú tốt quá” – Tôi nghẹn ngào.

Tôi ngồi xuống và hỏi chuyện chú:

“Đầu Xuân chú có bán được nhiều hàng không?”.

“Cả ngày chỉ bán được vài con thôi cháu ạ, bây giờ bọn trẻ con thích chơi điện thoại, xem tivi chứ mấy ai thích những trò chơi truyền thống này đâu. Chú gắn bó với công việc này vì một phần có thể tự gia công tạo ra sản phẩm để lấy công làm lãi và một phần muốn giữ gìn bản sắc của trò chơi này cháu ạ”.

Thực sự tôi cảm phục trước đôi tay khéo léo của chú. Chú có thể là một người thân thể không được lành lặn nhưng nghị lực vươn lên trong cuộc sống thì đáng để cho tôi học tập. Tôi bảo chú bán cho 10 chiếc con quay. Chú chọn cho tôi những chiếc thật đẹp, tôi rút tiền trả và không quên biếu thêm chú một chút để cảm ơn. 

“Không cháu ơi, chú không dám nhận đâu”.

“Chú nhận đi cho cháu vui ạ. Thực sự nếu hôm nay cháu không tìm lại được chiếc ví này thì cháu không biết phải làm sao nữa ạ”.

Hai người cứ đùn đẩy nhau, chú nói:

“Đây là một số tiền khá lớn, có khi cả tháng chú ngồi đây bán hàng cũng không kiếm ra được”.

Tôi cười đáp:

“Chú xứng đáng được nhận được số tiền này. Cháu khâm phục chú không chỉ vì nghị lực, sự chăm chỉ mà cả lòng tốt bụng ạ".

Mọi người qua lại đã bắt đầu chú ý đến câu chuyện của tôi và chú. Tất cả đều động viên chú nhận lấy số tiền này để trang trải thêm cho sinh hoạt hàng ngày. Cuối cùng chú mỉm cười gật đầu và cảm ơn tôi.

Tôi vẫy tay tạm biệt chú và tiếp tục chặng đường du Xuân của mình. Một cảm giác yên bình rộn rã trong lòng, tôi thấy thanh thản hơn bao giờ hết.

Hình ảnh những con người lao động thôn quê chân thật và ấm áp đã làm cho tôi thấy cuộc sống này thêm tươi đẹp biết bao. Những tia nắng nhảy múa trên những con đường quanh co khu vực Đền Hùng, tôi thấy sắc Xuân tràn ngập quanh đây…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ