Tản văn:

Xuân trên Đồng Cao

GD&TĐ - Là người con xa quê, mỗi dịp Xuân về, tôi thích khám phá quê hương ở một địa chỉ mới. Năm nay, tôi chọn Đồng Cao, Sơn Động, Bắc Giang.

Xuân trên Đồng Cao

Tôi đến Đồng Cao khi trời nhá nhem tối. Vậy là lỡ mất hoàng hôn. Loay hoay tìm một homestay nhưng ở đây chỉ có ba ngôi nhà nhỏ của người bản địa. Tôi chợt nhớ đến bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” từng xem thời thơ ấu. Thì ra, ở chính quê hương mình cũng có “thước phim thảo nguyên” kinh điển mà bây giờ tôi mới biết. Tôi đánh bạo vào một ngôi nhà hỏi trọ. Thật may mắn khi tôi được chủ nhà tiếp đón nồng hậu. Đây là một gia đình người Dao trẻ. Họ có hai con nhỏ: Một trai, một gái.

Tối ấy, chúng tôi đã cùng ăn cơm. Hương vị cao nguyên quyện trong từng hạt gạo, lá rau. Tôi thích nhất món cải ngồng vừa như xào vì có mỡ, vừa như canh vì có nước chan cơm. Cải ngồng được trồng trước nhà, xanh mướt. Khi ăn có vị ngọt, vị nắng gió cao nguyên. Xong bữa tối, chúng tôi ngồi quanh bếp củi trò chuyện về phong tục, cuộc sống nơi đây. Tôi ngạc nhiên nghe kể mỗi nhà thịt một con lợn bản hơn tạ để ăn Tết. Thịt ba chỉ và thịt mông thường được cắt thành từng miếng dài, ướp muối rồi treo lên gác bếp dùng dần đến tháng Ba, tháng Tư… Tôi được thưởng thức thịt tươi trong bữa tối và thừa nhận trong đời không nhiều lần được ăn thịt lợn thơm ngon đến thế. Tôi háo hức nghe kể về lễ cấp sắc công nhận sự trưởng thành dành cho đàn ông người Dao. Chỉ khi nào thụ lễ cấp sắc, đàn ông người Dao mới được tham dự vào những nghi lễ quan trọng của gia đình hoặc cộng đồng. Từng câu chuyện gối lên nhau, lôi cuốn tôi. Họ ở đây suốt mùa, suốt tháng, suốt năm; thả trâu, nuôi ngựa, chăn dê. Giản dị, thanh bình, hạnh phúc…

Trước khi đi ngủ, tôi mở cửa dạo một quãng ra sườn cỏ trước nhà. Ồ, rất nhiều ngôi sao to nhỏ đan xen. Chúng lấp lánh, lấp lánh… trang trí cho nền trời đêm vẻ đẹp kì bí. Dù tịch liêu và lạnh thấu, tôi vẫn đứng đó trước sức hút của vẻ đẹp hoang sơ. Tôi nhớ đến hai câu thơ của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao”. Cảm nhận sự sâu sắc trong quan niệm của bậc tiền bối cao nhân. Chẳng phải ai cũng chọn lối sống an nhiên nên ngoài kia mới lao xao, ồn ào đến vậy. Ở đây, nội tâm thật thanh tịnh, thảnh thơi…

Hành trình ngày mới của tôi bắt đầu sau một đêm ngon giấc.

Tôi men theo đường mòn lên đồi. Những dải đồi thoai thoải phủ kín cỏ, nối tiếp, kênh nhau đến tận lưng trời. Trên thảm cỏ ngút ngàn là thạch trận sừng sững. Có dãy đá hình tháp nhọn đâm thẳng lên bầu trời. Có dãy đá hình băng tan san sát, lởm chởm. Có khối đá xếp chồng lên nhau thành hai, ba tầng. Rồi những tảng đá đơn, đá đôi, đá ba… như bà, như mẹ, như chồng vợ, chị em, người yêu, bạn bè… nằm rải rác quanh cao nguyên như ngóng trông, như tâm sự, như chơi đùa, như chăm chút cho nhau… hàng nghìn năm nay. Đường lên càng lúc càng gập ghềnh. Nhưng rồi bước chân tôi đã chạm nơi cao nhất. Thật đúng là: Cứ đi rồi sẽ đến. Toàn cảnh Đồng Cao hùng vĩ, vời vợi, mênh mông... Núi trập trùng núi, mây bồng bềnh mây, gió ào ạt gió...

Mặt trời như cái chiêng đồng đỏ ối, bắt đầu nhô lên. Tôi im phắc trước khoảnh khắc huyền diệu ấy… Hào quang từ vầng dương đem đến sự tươi mới, ấm áp và khởi đầu rực rỡ. Chạm vào tôi, hào quang chạm cả vào khát vọng hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn, trong lành. Tôi đưa tay về phía Mặt trời, hứng lấy những tia nắng tinh khôi. Cảm nhận luồng ấm ngấm vào từng mạch máu, tế bào và làm nóng hơn hoài bão, ước mơ. Hào quang dát ngọc trên những ngọn cỏ, dát vàng trên những cánh hoa. Khắp cao nguyên căng tràn sức sống. Cảm ơn cuộc đời cho tôi đủ duyên để có thể đến đây – một kì quan trên quê hương xứ Bắc.

Mặt trời đã chếch qua mấy ngọn núi. Tôi nghe vẳng tiếng mõ leng keng từ xa vọng lại. Thì ra là đàn dê của nhà chủ đón tiếp tôi tối qua. Những con dê béo núc vừa đi thong dong vừa gặm cỏ, chúng ngẩng mặt nhìn tôi nhưng không có vẻ sợ hãi. Ngược lại, chúng càng lúc càng tiến gần như dò hỏi: “Này, cô ở đâu đến đây?”. Một chú dê còn đánh bạo đến thám thính túi đồ ăn, nước uống mà tôi mang theo. Tôi ngồi xuống, thiết đãi chúng nào bánh, nào mứt, nào táo… Chúng vô tư ăn, chẳng ngại ngần gì. Hết đồ ăn của vị khách phương xa, chúng rủ nhau đi tiếp. Tôi vừa nhìn theo vừa nghêu ngao hát bài “Giấc mơ Chapi” của bác Trần Tiến: “Ở nơi ấy, tôi đã thấy trên ngọn núi cao, có hai người, chỉ có hai người yêu nhau. Họ đã sống, không mùa Đông, không mùa nắng mưa, có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau. Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi. Một mái tranh nghèo. Một nhà sàn yên vui. Ở nơi ấy họ đang sống cuộc sống yên bình…” .

Cuộc sống ở đây thực sự rất yên bình. Nó là một cảnh giới khác, thế giới khác với cuộc sống ồn ào, tấp nập ngoài kia. Tôi ngắm một lượt khung cảnh Đồng Cao trước khi xuống đồi vì nắng đã bắt đầu chói gắt. Trên đường xuống, tôi gặp một bà cụ đang lom khom nhặt rác. Qua trò chuyện, tôi biết bà bảy mươi lăm tuổi, thường cõng củi từ bản lên đây bán cho khách du lịch. Những khách cắm trại qua đêm sẽ cần củi để đun, để nướng đồ ăn hoặc sưởi ấm hoặc đốt lửa trại… Trời ơi, bảy mươi năm tuổi, mà bà còn khỏe thế, nhanh thế, minh mẫn thế. Tôi hỏi bà về hang Vua. Bà bảo, hang Vua ở mãi trong rừng. Thiêng lắm, linh lắm. Xưa có vị vua về hang lánh nạn. Ít người dám đi vì trong ấy từng có người vào mà không thấy trở ra. Chà chà! Tôi sẽ về luyện tinh thần để lần sau có thể…

Tạm biệt Đồng Cao, tôi tự hào về một thắng cảnh quê hương – bạt ngàn nắng, bạt ngàn gió, bạt ngàn cỏ, bạt ngàn đá, bạt ngàn say, bạt ngàn mê… Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã đặt chân đến đây. Vẻ đẹp của đá làm nảy lên những nốt nhạc đầu tiên: “Em thấy không? Đá đến từ đâu mà nhiều đến thế. Đá đứng, đá ngồi, đá về cặp đôi. Thảo nguyên lả lơi. Đá nường đá nõn. Em biết không? Đá đến từ đâu mà đẹp đến thế. Đá ơi là đá. Đi phượt mấy ngàn năm. Sơn Động có gì vui? Mà đá mải chơi, quyết không chịu về…” (Phiêu diêu Sơn Động).

Đồng Cao là thế, nếu bạn chưa từng, hãy ghé chân qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ