Xua đi giá lạnh ở trường vùng cao

GD&TĐ - Để đảm bảo an toàn, chống rét cho mùa Đông đang đến, nhiều trường học ở các tỉnh miền núi tăng cường kiểm tra hệ thống nóng lạnh, chăn ấm và kí túc.

Thầy trò Trường PTDTBT THCS Hồng Phong (Bình Gia, Lạng Sơn).
Thầy trò Trường PTDTBT THCS Hồng Phong (Bình Gia, Lạng Sơn).

Đặc biệt, những ngày thời tiết nhiệt độ xuống thấp, có sương muối, nhà trường lưu ý cán bộ y tế, giáo viên trực nội trú quan tâm đến sức khỏe của học sinh, linh động thời gian đón trò vào lớp. Việc làm này cũng góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại tiểu dự án 1 thuộc dự án 5 Chương trình MTQG với đồng bào DTTS và MN, nhằm củng cố và và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học (bao gồm cả các hoạt động dạy và học trực tuyến), nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú.

Không để học sinh bị rét

Hằng năm, ở xã Hồng Phong (Bình Gia, Lạng Sơn) mùa Đông thường đến sớm, kéo theo mưa và nhiệt độ môi trường xuống thấp, có thời điểm giảm xuống gần mức 00C. Nhiều hôm, vào sáng sớm có lớp băng tuyết mỏng trên mái nhà.

Vì vậy để đảm bảo học sinh đủ ấm, phòng tránh các dịch bệnh có thể dễ mắc do mùa Đông đến, Trường PTDTBT THCS Hồng Phong đã lắp đặt thiết bị đun nước, giữ nhiệt để học sinh có nước ấm uống hàng ngày. Ngoài ra, nhà trường còn bố trí khu vực cho học sinh đun nước nóng để tắm rửa, vệ sinh cá nhân.

Thầy Lê Minh Châu - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hồng Phong cho biết: “Trước mỗi mùa Đông, chúng tôi tăng cường kiểm tra chăn, màn, giường, chiếu của học sinh xem có đủ ấm không? Nếu những chiếc chăn nào cũ quá, không còn khả năng giữ ấm, nhà trường sẽ mua bổ sung. Trong những ngày rét đậm, tổ quản lý học sinh bán trú sẽ bố trí ngủ cùng phòng để kịp thời hỗ trợ các em. Bởi lẽ vào buổi đêm, nhiệt độ ở miền núi xuống thấp nhưng nhiều học sinh nhỏ tuổi dễ đạp chăn khi ngủ”.

Ngoài ra, Trường PTDTBT THCS Hồng Phong còn căn cứ vào nhiệt độ ngoài trời để điều chỉnh giờ vào lớp và nghỉ học cho học sinh; thông báo kịp thời tới học sinh và phụ huynh để đảm bảo sức khỏe của học sinh trong ngày rét đậm, rét hại cần mặc ấm cho học sinh khi đến trường…

Theo lãnh đạo nhà trường, là trường bán trú, nhưng nhiều học sinh ở nội trú tại ký túc xá của trường, vì vậy tổ quản lý học sinh bán trú thường xuyên hướng dẫn học sinh các kỹ năng ăn, ở và sinh hoạt tại nhà trường. Trong đó, giáo viên nhà trường hướng dẫn học sinh kỹ năng chăm sóc sức khỏe, đặc biệt vào những khi thời điểm rét đậm, rét hại. Giáo viên cũng nhắc nhở phụ huynh, học sinh trang bị các đồ dùng cá nhân để phòng, chống rét.

Tương tự, tại Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), thầy Phan Trường Giang - Hiệu trưởng trường, cho hay: “Với đặc thù là trường DTNT, khi mùa Đông đến, nhà trường đặc biệt chú trọng chế độ ăn của học sinh để đảm bảo học trò được ăn no, đủ chất dinh dưỡng nhằm chống chọi với cái lạnh. Bên cạnh đó, nhà trường còn lưu ý các cô nuôi nấu cơm vào sát giờ ăn của học sinh, để khi các em dùng bữa vẫn còn nóng”.

Ngoài việc có đầy đủ nước ấm cho học sinh uống và tắm rửa, nhà trường còn yêu cầu nhân viên y tế thường xuyên sát sao theo dõi sức khỏe cho học sinh để đề phòng các bệnh dễ lây nhiễm do nhiệt độ xuống thấp. Mùa Đông đến thời tiết rất khắc nghiệt trong khi học sinh Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Lâm Bình nhà rất xa trường. Vì vậy, mỗi tháng học sinh sẽ được về nhà một lần. Trước khi học sinh về, phụ huynh hoặc người thân phải đến đón để đảm bảo an toàn cũng như tránh các sự cố không đáng có xảy ra.

Thầy Triệu Quốc Hưng - Hiệu trưởng Trường PTDBT Tiểu học & THCS Liên Hội (Văn Quan, Lạng Sơn) đón học sinh đến nhà chăm sóc và nấu ăn trong thời gian tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh QH

Thầy Triệu Quốc Hưng - Hiệu trưởng Trường PTDBT Tiểu học & THCS Liên Hội (Văn Quan, Lạng Sơn) đón học sinh đến nhà chăm sóc và nấu ăn trong thời gian tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh QH

Sẵn sàng di chuyển học sinh

Để đảm bảo an toàn cho học sinh mùa mưa bão cũng như khi mùa Đông đến, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã chỉ đạo các trường theo dõi sát tình hình thời tiết từng ngày để kịp thời thông báo cho phụ huynh và cho học trò nghỉ học theo quy định khi nhiệt độ xuống thấp.

Phòng GD&ĐT huyện này cũng chỉ đạo các trường tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh mặc đủ ấm cho con em trước khi đến trường. Nhà trường, giáo viên thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe học sinh; cán bộ y tế trường học thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời đối với học sinh có biểu hiện cảm lạnh.

Ông Ngô Văn Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn) cho hay: “Thời tiết mùa Đông vùng núi phía Bắc rất lạnh, thường hay có sương muối, mây mù khiến cho nhiệt độ càng xuống thấp, các trường sử dụng bình ủ nước nóng cho học sinh uống để giữ ấm cơ thể.

Đối với các trường PTDTBT, các trường tổ chức ăn bán trú tăng cường khẩu phần ăn cho học sinh đảm bảo đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm chăn ấm, đệm nằm, đun nước nóng cho học sinh tắm rửa. Đồng thời, huy động các nhà hảo tâm tặng chăn, đệm, gối, quần áo cho học sinh. Đối với học sinh các trường bán trú có học sinh ở nội trú, khi mùa mưa bão đến, sẵn sàng tinh thần di chuyển học sinh đến vùng an toàn”.

“Hằng năm cứ đến mùa mưa bão, mùa Đông, Phòng GD&ĐT chúng tôi lại có văn bản hướng dẫn các đơn vị đảm bảo an toàn cho học sinh, đặc biệt là học sinh ở các vùng núi, đi học thường phải qua sông, qua suối.

Theo đó, mưa lũ không cho học trò về nhà, nếu trường nằm trong tâm lũ quét, nguy cơ sạt lỡ hoặc ngập lũ thì khẩn trường sơ tán, di chuyển học sinh đến vùng an toàn. Đối với học sinh bán trú, trước khi mùa Đông đến yêu cầu nhà trường kiểm tra lại phòng ký túc xá, chăn, màn để đảm bảo học sinh không bị lạnh. Mỗi bữa ăn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, thức ăn ấm nóng”, ông Phạm Việt Phúc - quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An chia sẻ.

“Các phòng ký túc của nhà trường đã được xây dựng và đưa vào sử dụng lâu năm nên trước mỗi năm học mới nhà trường đã rà soát, sửa chữa nhằm đảm bảo thoáng mát vào mùa Hè, ấm áp vào mùa Đông, không bị gió lùa, mưa dột trong suốt thời gian học sinh ở tại trường”, thầy Lê Minh Châu - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hồng Phong cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.