Xử trí khi trẻ nghịch dại

GD&TĐ - Cha mẹ nào cũng mong muốn con nhanh nhẹn, hoạt bát. Từ nhanh nhẹn sang nghịch ngợm và nghịch dại là khoảng cách mỏng manh đối với trẻ con.

Xử trí khi trẻ nghịch dại

Đặc biệt vào dịp hè, trẻ em ở nhà không được theo sát bảo vệ thì những trò nghịch dại có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra giải pháp hợp lí hạn chế trẻ nghịch dại.

Cảnh giác với muôn trò nghịch dại

Mới đây, câu chuyện về một bé trai 2 tuổi gặp tai nạn rơi vào tình trạng nguy kịch do bị bạn chọc cây sắt vào tai trong lúc chơi đùa đã khiến nhiều phụ huynh giật mình. Bên cạnh thương tổn ở tai, cháu còn bị nhiễm bệnh uốn ván do chưa tiêm phòng. Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM đã phải điều trị cho bệnh nhân nhí này bằng một chế độ chăm sóc đặc biệt…

Con mới nghỉ hè được mấy ngày mà chị Nam Hà (Công ty CP du lịch Sóng Xanh - Đắk Lắk) đã kêu trời vì những trò nghịch dại của con. Lần thì chúng rủ nhau trốn tìm rồi tè bậy trong tủ quần áo, lần thì chúng đố nhau chơi trò cầu trượt trên lan can cầu thang khiến mẹ giữa giờ làm phải chạy về đưa con đi khám vì “con chim” của thằng em bị trầy xước, sưng đau không đi tiểu được.

Trong nhà có rất nhiều vật nguy hiểm mà trẻ nhỏ dưới 2 tuổi cần phải tránh xa. Trẻ nhỏ phải được cách ly khỏi những nguy cơ tiềm ẩn, trẻ lớn hơn cần được giải thích, cảnh báo về sự nguy hiểm của các đồ vật này. Không chỉ cảnh báo trực tiếp với trẻ về sự nguy hiểm về độ nóng của lửa, sắc của dao kéo… mà nguy cơ gây ra những tai nạn thương tích cho trẻ tiềm ẩn ngay trong cả mảnh thẻ sim điện thoại, chiếc kim băng, lọ thuốc ho bằng thủy tinh trẻ uống dở… nếu người lớn không để tâm, lưu ý vứt bỏ hoặc cất gọn cẩn thận.

Xử trí khéo léo và hợp lý

Theo lời khuyên của các chuyên gia, thì khi gia đình có con nhỏ, không thể biến nhà ở thành một lô cốt tuyệt đối an toàn. Trẻ học hỏi và khôn lớn từ những trải nghiệm. Vì thế, vậy trước các trò nghịch ngợm của con, cha mẹ nên biết đến mức nào thì được, đến độ nào thì phải cấm và sử dụng biện pháp cứng rắn là giải thích cùng với trừng phạt.

Những trò nghịch dại của trẻ thường diễn ra bất ngờ, thiếu hoặc ngoài tầm quan sát của người lớn. Đừng bỏ mặc con trẻ chơi với nhau một mình, các con có thể bày ra những trò nguy hiểm. Ngay cả khi chơi trong phòng kín, trẻ vẫn có thể nghịch dại bằng việc nhảy từ trên cao xuống, nhét vật lạ vào mồm nhau, nhặt được cái gì nho nhỏ tự đút vào tai, vào mũi… Vì thế, rời mắt khỏi trẻ một vài phút có thể bạn sẽ hối hận cả đời.

Để dạy con bài học về bảo vệ thân thể, chị Bích Ngọc (Khu tập thể Nhạc viện - phố Hào Nam, Hà Nội) chia sẻ: “Hai thằng cu nhà mình thuộc dạng nghịch ngợm, hiếu động, sểnh mắt là gây chuyện ngay. Không thể chỉ khuyên bảo suông đừng thế này, đừng thế kia được vì chúng vâng dạ nghe đấy nhưng lại quên ngay. Để đề phòng con bị bỏng, vợ chồng mình chấp nhận dạy trẻ theo kiểu “trực quan sinh động”, bằng cách cầm tay con gí vào bàn là, vào bô xe máy khi vẫn còn hơi nóng. Với ổ điện, dây điện, phích cắm, vợ chồng mình cũng phải “giả vờ” làm động tác bị điện giật ngã lăn ra bất tỉnh….. để con hình dung được mức độ nguy hiểm đến tính mạng con người như thế nào.

Lần các cháu cầm sợi dây dù đùa nghịch choàng quấn vào cổ nhau hoặc xả cả chai sữa tắm ra nhà vệ sinh tạo bọt biển làm mẹ ngã bươu đầu, vợ chồng mình đã phải áp dụng hình phạt đích đáng để con không tái phạm. Dễ dàng, xuê xoa với con sẽ dẫn đứa trẻ đến những trò dại dột gây tai họa không thể lường được.

Thạc sĩ Nguyễn Kim Hiền (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) góp ý:

Với những trẻ liên tục nghịch dại, bố mẹ phải bỏ công tìm ra nguyên nhân. Đa số là do có sự khó chịu trong người. Thậm chí nghịch dại để thu hút sự chú ý. Gặp trường hợp này, phụ huynh không nên quát mắng, đe nẹt mà cần trò chuyện với con, đưa ra những câu hỏi gợi mở để trẻ được nói ra những suy nghĩ của mình hoặc gợi ý cho trẻ những trò chơi nhập vai để trẻ cảm nhận và hiểu được vấn đề thông qua cách giải quyết tình huống. Nếu nhiều lần bố mẹ đã thử mà vẫn chưa giúp được con ra khỏi tình trạng bực bội thì nên nhận lời tư vấn từ những nhà tâm lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ