Ảnh minh hoạ |
Số liệu thống kê cho thấy, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày, gia tăng trung bình 12%/năm. Lượng chất thải rắn phát sinh ở khu vực đô thị là 0,7 kg/người/ngày; nông thôn 0,3 kg/người/ngày, trong đó cao nhất là TPHCM 1,3 kg/người/ngày; Hà Nội là 1 kg/người/ngày.
Tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các khu công nghiệp vào khoảng 7 triệu tấn/năm, chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc khoảng 800.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, trong khi lượng chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của Việt Nam tăng nhanh chóng thì hạ tầng tiếp nhận và xử lý lại đang bị lạc hậu và thiếu hụt nghiêm trọng.
Hiện có một số lượng lớn doanh nghiệp sản xuất ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lượng rác đang bị thải bỏ tràn lan ra môi trường.
Bên cạnh đó, phần lớn chất thải được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Cả nước đang tồn tại 660 bãi chôn lấp rác thải có diện tích trên 1ha, nhưng chỉ có 25% trong số này đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh. Hệ quả là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng.
Tại Diễn đàn công nghệ, thiết bị, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phù hợp điều kiện Việt Nam, tổ chức ngày 7/11, tại TPHCM, ông Huỳnh Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, cho biết: Cả nước mới chỉ có 35 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đang hoạt động. Ngoài một số cơ sở có quy mô, phần lớn công suất trung bình của các cơ sở chỉ đạt mức từ 100 - 200 tấn/ngày.
Công nghệ xử lý hiện nay là chôn lấp, ủ phân hữu cơ và đốt. Việc sử dụng công nghệ đốt còn rất hạn chế và phần lớn sử dụng công nghệ lạc hậu, công suất nhỏ, khí thải phát sinh chưa được kiểm soát chặt chẽ.
GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, đánh giá: Tỷ lệ thu gom rác ở Việt Nam mới đạt 70 - 80% tổng lượng thải, trong khi việc vận chuyển còn nhiều bất cập, hạn chế đã gây tác động tiêu cực đến môi trường đô thị và sức khỏe người dân.
Bà Lê Thu Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng), bổ sung: Phần lớn các bãi rác tạm, lộ thiên, không có lót đáy, không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác. Hiện tại nhiều bãi quá tải, không được che phủ bề mặt, không phun hóa chất khử mùi, diệt côn trùng. Có 132 bãi chôn lấp rác thải là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phải xử lý ô nhiễm triệt để đến năm 2020. Tuy nhiên tiến độ xử lý còn chậm.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng đối với việc xử lý rác ở Việt Nam là khâu phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện, một số nơi có áp dụng nhưng không tốt gây khó khăn cho việc xử lý. Chính vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh việc thực hiện phân loại rác tại nguồn nhằm tạo nền tảng cho việc tái xử lý, tái chế.
Song song đó, tạo cơ chế bình đẳng để các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường tự do cạnh tranh, chống độc quyền, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và giảm chi tiêu ngân sách.
Cần thiết tăng cường công tác kiểm soát hoạt động chuyển giao chất thải, kết hợp xử phạt thật nặng những chủ nguồn thải cố tình thải bỏ chất thải ra ngoài môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong hoạt động phân loại rác thải tại nguồn và bảo vệ môi trường. Sớm xây dựng các tiêu chí về thiết bị, công nghệ gắn với nhu cầu phát triển của nước ta hiện tại và trong thời gian tới.