Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ vui mừng với sự thành công của Hội nghị Trung ương 8, khóa XII, trong đó có việc Trung ương Đảng thống nhất rất cao giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp Quốc hội tới đây.
Cử tri Lê Đức Hạnh, phường Kim Mã (quận Ba Đình) cho rằng, Hội nghị Trung ương vừa qua mang ý nghĩa lịch sử và kỳ vọng thời gian tới đất nước sẽ phát triển nhanh, bền vững hơn khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp nhận cương vị người đứng đầu Nhà nước.
“Ban Chấp hành Trung ương đã tin tưởng giới thiệu đồng chí là người đủ đức, tài, đúng người, đúng việc, xứng đáng vào vị trí rất quan trọng. Nhân dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ và mong Tổng Bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng, nhân dân được lâu hơn, nhiều hơn”, ông Hạnh bày tỏ.
Nêu ý kiến về tình hình phòng, chống tham nhũng, Cử tri Hạnh cho biết, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, công cuộc phòng chống tham nhũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên với tình hình tham nhũng lãng phí hiện nay thì việc thu hồi tài sản còn rất khiêm tốn, việc xem xét xử lý các vụ tham nhũng còn rất chậm,…
Như Tổng Bí thư đã từng nói “Lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy”, còn cử tri mong muốn lò đã nóng thì sắt thép cũng phải cháy. Cử tri tuyệt đối tin tưởng và đồng tình, ủng hộ công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, vì vậy, đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để đem lại nhiều kết quả trong phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, các cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất ban hành quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng...
Cùng với đó, nhiều cử tri đã đề cập đến những vấn đề dân sinh bức xúc như nạn tắc đường, tai nạn giao thông ngày càng tăng; việc đào tạo giáo viên còn nơi thừa nơi thiếu, nạn bạo hành học đường; tình trạng quá tải bệnh nhân, thuốc kém chất lượng, thuốc giả vẫn diễn ra gây hoang mang cho người dân,…
Trong phần phát biểu giải đáp một số ý kiến của cử tri liên quan đến các công việc thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã chia sẻ thêm thông tin về việc Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. “Đến nay do điều kiện khách quan, thực tiễn đòi hỏi, phù hợp với quá trình cải cách thể chế của đất nước. Điều này, có lợi cho Đảng, cho đất nước, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là có lợi cho quá trình đối ngoại của nước ta”, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung nói.
Sau khi lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao các ý kiến rất sâu sắc, đa dạng, chuẩn bị công phu. Thay mặt đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư xin tiếp thu tất cả các ý kiến và sẽ báo cáo nghiêm túc với Quốc hội.
Về vấn đề nhân sự, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Trung ương đã có Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Riêng với vấn đề cử tri quan tâm về việc Trung ương nhất trí giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn các đồng chí, cử tri đã đồng tình.
Về vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được thảo luận rất kỹ qua 2 kỳ họp và đến kỳ họp thứ ba tới đây hy vọng sẽ được thông qua. Cơ bản vấn đề nêu trong dự thảo luật được thống nhất là kê khai tài sản và kiểm soát, xử lý vụ án tham nhũng. Trước hết về kê khai, công khai, kiểm soát tài sản.
“Đây là vấn đề khó thật vì nó “thiên biến vạn hóa”, nhiều biến tướng, cái khó nữa là liên quan đến Luật khác về quyền cá nhân, quyền công dân về bí mật tài sản. Do đó cần xử lý hợp lý”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Còn xử lý các vụ án tham nhũng có chậm không? Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, thực tế vừa qua việc xử lý các vụ án tham nhũng đã khắc phục rất nhiều, đưa vụ nào ra đều làm đến nơi đến chốn và công khai.
“Tuy nhiên, các cử tri cũng cần thông cảm là các vụ án đưa ra cần có quá trình xem xét, điều tra, làm rõ vấn đề, phải trình tự qua các khâu, các bước,…phải có chứng cứ, có sức thuyết phục để chứng minh có phạm tội hay không, tội nặng hay nhẹ để đưa ra xét xử”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần xử thế nào phải cho mọi người tâm phục khẩu phục, rất nghiêm khắc nhưng cũng phải rất nhân văn. Ta xử không phải cốt thật nặng mới là nghiêm, mà để răn đe, ngăn ngừa để không xảy ra nữa mới là tốt, “chống” cũng là để “xây”, mục đích của ta là “xây” cho tốt để đỡ phải “chống”.