Cả 175 Uỷ viên Trung ương tán thành giới thiệu Tổng Bí thư để bầu Chủ tịch nước

GD&TĐ - Chủ trì họp báo thông tin về kết quả hội nghị TƯ 8 chiều nay, 6/10, Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng Lê Quang Vĩnh cho biết, cả 175 uỷ viên chính thức Ban chấp hành TƯ Đảng dự hội nghị thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Chỉ một uỷ viên TƯ vắng mặt tại hội nghị lần này là ông Đinh Thế Huynh.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Bùi Trường Giang thông tin tại buổi họp báo
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Bùi Trường Giang thông tin tại buổi họp báo

Mở đầu họp báo, thông tin về kết quả hội nghị TƯ 8, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Bùi Trường Giang cho biết, kết thúc hội nghị, TƯ đã thông qua các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045, Nghị quyết về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, trước hết là uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban chấp hành TƯ Đảng.

Hội nghị cũng thống nhất thành lập 5 tiểu ban để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Cụ thể, đó là Tiểu ban văn kiện do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phuc làm Trưởng tiểu ban, Tiểu ban Điều lệ Đảng do Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính làm Trưởng tiểu ban, Tiểu ban nhân sự do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban, Tiểu ban Phục vụ đại hội do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm Trưởng tiểu ban.

TƯ cũng thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước vào kỳ họp Quốc hội thứ 6 tới.

Cũng về công tác nhân sự, TƯ quyết định thi hành bằng hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Trần Văn Minh - nguyên UỶ viên TƯ Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng; ông Nguyễn Bắc Son – nguyên uỷ viên TƯ Đảng, nguyên Bí thi Ban cán sự Đảng bộ Thông tin – truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông thời kỳ này.

Ngoài ra, công tác quan trọng khác, Ban chấp hành TƯ đã giải quyết và vào cáo công tác tài chính Đảng năm 2017.

 Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng Lê Quang Vĩnh

Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng Lê Quang Vĩnh

Trao đổi thêm xung quanh những câu hỏi đặt ra về việc TƯ giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng Lê Quang Vĩnh cho biết, việc biểu quyết trong Ban chấp hành TƯ về nội dung này chỉ thực hiện với các Uỷ viên chính thức Ban chấp hành TƯ, các Uỷ viên dự khuyết không có quyền tham gia việc này. Kết quả, 100% các Uỷ viên tham dự hội nghị, tức 175/175 Uỷ viên chính thức của Ban chấp hành TƯ khoá XII đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu đồng thời làm Chủ tịch nước.

Ông Vĩnh thông tin, ông Đinh Thế Huynh – Uỷ viên Bộ Chính trị là Uỷ viên Trưng ương Đảng duy nhất vắng mặt tại hội nghị lần thứ 8 này do đang phải điều trị bệnh.

Về công tác chuẩn bị để tới đây, hoạt động của Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, nếu được Quốc hội bầu, đạt hiệu quả cao, ông Lê Quang Vĩnh phân tích, việc tổ chức bộ máy giúp việc tới đây phải đảm bảo phù hợp với việc vận hành bộ máy của cả Đảng và cơ quan Chủ tịch nước.

“Việc này đã có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam, thực hiện qua hàng chục năm Bác Hồ là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Vậy nên việc phối hợp công tác giữa Văn phòng TƯ Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước sẽ không có gì đáng ngại” – Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng quả quyết.

Ông Vĩnh cũng nhấn mạnh, lâu nay, 4 văn phòng phục vụ (Văn phòng TƯ Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ) vẫn có quy chế phối hợp rất chặt chẽ để đảm bảo công việc phục vụ cho các lãnh đạo. Theo đó, việc vận hành của 2 Văn phòng TƯ Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước còn thuận lợi cho công việc chung.

Ông Vĩnh nhấn mạnh, TƯ không đặt vấn đề nhập 2 văn phòng vì thời Bác Hồ làm việc vẫn có 2 cơ quan giúp việc tồn tại riêng biệt trong hàng chục năm.

Văn phòng Ban chấp hành TƯ Đảng thì có nhiệm vụ giúp việc Ban chấp hành TƯ, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác tham mưu cho Ban chấp hành TƯ. Văn phòng TƯ Đảng phục vụ trực tiếp hoạt động của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà cụ thể là phục vụ Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư. Tổng Bí thư cũng có Văn phòng riêng gồm các thư ký và trợ lý.

Trong khi đó, Văn phòng Chủ tịch nước cũng là cơ quan độc lập để giúp việc Chủ tịch nước (1 chế định, tức 1 pháp nhân đồng thời cũng là 1 thể nhân) cũng như giúp việc Phó Chủ tịch nước. Vậy nên việc sát nhập Văn phòng TƯ Đảng với Văn phòng Chủ tịch nước là không đúng, không nên đặt ra.

Trả lời thêm câu hỏi, việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước có được tiếp tục duy trì trong các nhiệm kỳ tới hay chỉ áp dụng cho nhiệm kỳ này, trong bối cảnh Chủ tịch nước đương nhiệm qua đời, Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng Lê Quang Vĩnh phân tích các nguyên lý cơ bản.

Trước hết, theo ông Vĩnh, việc người đứng đầu Đảng cầm quyền thường đồng thời là nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu Chính phủ hoặc cả 2 không lạ. Đây là tập quán chính trị và thông lệ quốc tế được nhiều nước đang áp dụng chứ không chỉ Việt Nam. Vậy nên việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước cũng là việc tự nhiên, hợp ý Đảng lòng dân.

“Thực tế ở Việt Nam, thời Bác Hồ mấy chục năm cũng đã áp dụng thông lệ này, Bác là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Khi Bác Hồ “ra đi”, do điều kiện chính trị, lịch sử cụ thể chưa cho phép việc này tiêp tục” – ông Vĩnh giải thích.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.