Xu hướng tất yếu số hóa hoạt động giao dịch trong trường học

GD&TĐ - Thời gian qua, nhiều trường đại học đẩy mạnh số hóa (giao dịch trực tuyến) các hoạt động thu chi tài chính.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM thực hiện giao dịch tại căng tin không tiền mặt.
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM thực hiện giao dịch tại căng tin không tiền mặt.

Bên cạnh đó các trường còn dần hướng đến việc đáp ứng nhu cầu thanh toán các tiện ích khác bằng mô hình thanh toán không tiền mặt.

Lĩnh vực tiềm năng

Giáo dục được các chuyên gia đánh giá là lĩnh vực tiềm năng để triển khai mô hình thanh toán không tiền mặt cũng như đẩy mạnh hoạt động số hóa, chuyển đổi số. Ở khối ĐH-CĐ…, hoạt động thu chi tài chính (học phí, chi phí học tập khác) đã triển khai hoàn toàn trực tuyến qua các app ứng dụng (nền tảng giao dịch trực tuyến) của nhiều ngân hàng và ví điện tử như Momo, ZaloPay, Vimo, Napas… Nhiều trường còn thực hiện thanh toán các tiện ích khác trong trường bằng mô hình thanh toán không tiền mặt.

Mới đây nhất, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) đưa vào sử dụng “Căng tin không tiền mặt”. Với việc hoàn thiện số hóa thanh toán các dịch vụ của căng tin, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) “phủ sóng” gần như đầy đủ mọi giao dịch về tài chính giữa người học với nhà trường mà không cần tiền mặt.

“Căng tin không tiền mặt” của Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) được ZaloPay hỗ trợ, xây dựng hệ thống đặt món trực tuyến qua tài khoản Zalo chính thức của căng tin, song song đó lắp đặt hệ thống máy POS (máy bán hàng chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến) để phục vụ cho việc đặt món tại chỗ. Có tổng cộng 11 máy POS được đặt ở các khu vực khác nhau trong khuôn viên trường, phục vụ cho 10 cửa hàng để sinh viên kết nối và giao dịch.

Đại diện phòng truyền thông nhà trường cho biết, khi sử dụng dịch vụ tại căng tin không tiền mặt, giảng viên và sinh viên có thể đến máy POS để chọn món, mở ZaloPay quét mã QR thanh toán và nhận hóa đơn; hoặc đặt món từ xa thông qua tài khoản Zalo chính thức của căng tin và thanh toán, sau đó đến máy POS quét QR để in hóa đơn, trong một giây.

Hai cách thanh toán nêu trên đều tiện dụng, giúp tiết kiệm tối đa thời gian so với phương pháp đặt món và đợi thanh toán truyền thống. Phương thức thanh toán này không chỉ giúp tiết kiệm nhân lực và giảm tải áp lực cho đội ngũ nhân viên căng tin trong giờ cao điểm mà các cửa hàng còn dễ dàng trong việc quản lý số lượng đơn mỗi ngày. Đồng thời tiết kiệm thời gian chờ đợi của khách hàng.

Trước đó, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) cũng ra mắt UEH Community Shop - trang giao dịch bán hàng trực tuyến các sản phẩm vì cộng đồng và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên, cựu sinh viên UEH, hay cổng thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ phục vụ người học.

TS Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH chia sẻ: “UEH Community Shop là nỗ lực tiếp theo của nhà trường trong hành trình số hóa, với phương châm đặt chất lượng lên hàng đầu, không chỉ trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu mà còn là các chương trình gia tăng giá trị, phục vụ cộng đồng UEHer nói riêng và xã hội nói chung theo chiến lược Hành động vì một tương lai bền vững - For a more sustainable future mà UEH đã và đang thực hiện”.

Cổng thanh toán trực tuyến của UEH cho phép sinh viên thực hiện mọi giao dịch nhanh chóng, tiện lợi.

Cổng thanh toán trực tuyến của UEH cho phép sinh viên thực hiện mọi giao dịch nhanh chóng, tiện lợi.

Đáp ứng xu hướng sống số

Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Công ty VISA công bố đầu tháng 6/2022 cho thấy rất rõ xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam tại các đô thị lớn hiện nay đang thay đổi. 65% người tiêu dùng Việt cho biết họ mang ít tiền mặt hơn từ khi các tiện ích số ngày một phát triển và thông dụng. Đặc biệt, có 32% người khẳng định sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch Covid-19. Khảo sát của Công ty VISA cho thấy, gần 76% người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng ít nhất một dịch vụ ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước trong 4 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 70% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng 48%, qua điện thoại di động tăng 97%; qua QR code tăng tương ứng 56,5% và 111,62%. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Đặc biệt, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong, quý I/2022 thanh toán qua kênh di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng xử lý 2,8 triệu giao dịch không dùng tiền mặt mỗi ngày với giá trị gần 21.000 tỷ đồng.

Nhìn nhận đây là xu hướng sống không thể khác trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho hay, từ nhiều năm nay, hầu như hoạt động tài chính của trường đều được thực hiện qua ngân hàng, kể cả học bổng cho sinh viên. Các cửa hàng tiện lợi, căng tin trong trường tuy vẫn chấp nhận giao dịch tiền mặt nhưng đồng thời trang bị máy POS (quét thẻ) và chấp nhận giao dịch trực tuyến.

“Thực tế, với bối cảnh chuyển đổi số và số hóa các hoạt động hàng ngày của đời sống đang trở thành thói quen của người dân đô thị thì việc thực hiện các hoạt động giao dịch thu chi qua ngân hàng, ví điện tử (không dùng tiền mặt) mang lại nhiều thuận lợi và an toàn cho người chi và nhận, giảm được nhiều thủ tục giấy tờ. Với sinh viên, việc giao dịch trực tuyến không chỉ giúp hạn chế rủi ro mất mát mà phụ huynh còn dễ dàng giám sát việc đóng học phí và các khoản tiền khác của con mình”, TS Thanh nói.

Tại Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, ngoại trừ khoản thưởng cho sinh viên, các hoạt động tài chính khác đều thực hiện qua ngân hàng, ví điện tử hoặc các app thanh toán trực tuyến. Nhờ đó mà không còn cảnh thiếu nhân sự thu ngân để thu và kiểm đếm vào mỗi kỳ thu học phí.

“Phụ huynh, sinh viên có thể chuyển học phí từ ngân hàng, ứng dụng ví điện tử hoặc máy quẹt thẻ. Thực tế, việc giao dịch không tiền mặt ngày càng được phụ huynh, sinh viên ưa chuộng bởi tính tiện lợi, nhanh gọn. Thanh toán qua ngân hàng, ví điện tử hay máy POS đều có chứng từ, lưu vết nên khi có sai sót dễ dàng kiểm tra và điều chỉnh thậm chí là yêu cầu hoàn tiền. Tiện lợi trên là cơ sở và nền tảng để giao dịch không tiền mặt ngày càng thông dụng”, ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nói.

Hiện, đa số trường từ mầm non cho tới THPT tại TPHCM đã triển khai mô hình thu học phí qua các nền tảng trực tuyến. Nhiều trường ngoài việc thu học phí đã triển khai hoạt động giao dịch các tiện ích trong nhà trường thông qua ví điện tử và thẻ học đường thông minh. Với thẻ học đường thông minh, học sinh ngoài việc điểm danh, còn sử dụng như thẻ thư viện, mua thức ăn, nước uống tại căng tin hoặc cửa hàng tiện lợi, đi xe buýt…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.