Thanh toán học phí không dùng tiền mặt: Sẽ minh bạch tài chính?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thanh toán học phí theo phương thức không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục được đánh giá tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng ghi nhận những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ để chuyển đổi số trong giáo dục toàn diện hơn.

Áp lực “thu hộ” tiền học phục vụ cho giáo dục của học sinh sẽ không còn đặt trên vai giáo viên. Ảnh minh họa
Áp lực “thu hộ” tiền học phục vụ cho giáo dục của học sinh sẽ không còn đặt trên vai giáo viên. Ảnh minh họa

Hào hứng xen lẫn ngần ngại

Thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyễn Hãn (Hải Phòng) cho biết, các khoản đóng góp của 1.700 học sinh toàn trường đều thực hiện theo phương thức không dùng tiền mặt từ năm học 2021 - 2022. Sau 1 năm triển khai đến nay trên 90% phụ huynh thực hiện thành thục (trừ một số ít trường hợp “bất đắc dĩ” thu trực tiếp tại trường).

Thầy Quý đánh giá lợi ích mà phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mang lại trong nhà trường khá rõ nét. Đó là hạn chế được nhân lực do phụ huynh chuyển vào tài khoản, có sự giám sát từ ngân hàng, có chứng từ, lưu vết; khi sai sót có thể dễ dàng kiểm tra và điều chỉnh. Từ đó đảm bảo minh bạch công tác tài chính, hạn chế tiêu cực, giảm thiểu phát sinh và rủi ro tài chính.

“Từ khi triển khai tới nay đa số phụ huynh ủng hộ bởi đây là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, ngành Giáo dục với nhiều lợi ích. Mặt khác, phụ huynh cần sự công khai minh bạch việc sử dụng các khoản thu ra sao? vào việc gì? nhiều hơn là đóng tiền theo hình thức nào…”, thầy Quý khẳng định.

Tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), thực hiện thanh toán học phí theo phương thức không dùng tiền mặt diễn ra suôn sẻ suốt năm học vừa qua. Ban giám hiệu, phụ huynh đều đánh giá cao tính tiện dụng, minh bạch và tăng cường sự quản lý của phụ huynh tới các khoản đóng góp…

Bước sang năm thứ 2, trường có trên 90% phụ huynh tiếp tục thực hiện. Với một số ít phụ huynh gặp trở ngại, chưa theo được phương thức thanh toán này, một mặt nhà trường cùng phụ huynh tháo gỡ để có thể thay đổi hình thức thanh toán, cùng đó yêu cầu giáo viên thu hộ để đảm bảo việc thanh toán những khoản bắt buộc không gián đoạn, khó khăn.

Bày tỏ hài lòng với phương thức thanh toán học phí không dùng tiền mặt, chị Nguyễn Thanh Hà, phụ huynh HS Trường Marie Curie (Hà Nội) chia sẻ: Khi con học tiểu học, THCS, phụ huynh thường tranh thủ đóng học phí cho bộ phận thu trực tiếp tại trường. Cách thu này buộc phụ huynh phải xếp hàng, đóng theo ngày, giờ quy định, ghi biên lai bằng tay… khá mất thời gian.

“Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế chung nên tôi ủng hộ. Dù ở đâu vẫn có thể thực hiện được giao dịch, đúng thời gian quy định…”, chị Hà trao đổi.

Bên cạnh các trường, phụ huynh ở thành phố, vùng thuận lợi ủng hộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thì còn nhiều nhà trường, phụ huynh vùng nông thôn, nơi điều kiện kinh tế, dân trí… hạn chế lại nghi ngại và khó khăn triển khai.

Theo thầy Lê Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình), dù ngành Giáo dục, địa phương khuyến khích triển khai song còn nhiều rào cản khiến trường chưa thể thực hiện. Trước hết, học sinh, phụ huynh ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn vẫn nhận thức không cần thiết và chưa có thói quen sử dụng tài khoản ngân hàng để giao dịch. Vì vậy, triển khai khi chưa có sự chuẩn bị kỹ thì thất bại là khó tránh.

Chị Nguyễn Minh Tâm, phụ huynh học sinh Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) bày tỏ lo ngại nếu áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. “Các thành viên trong gia đình không dùng thẻ ngân hàng. Nếu nhà trường yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, tôi hoặc chồng sẽ phải mở tài khoản và sắm điện thoại thông minh. Đây là khoản chi phí tốn kém và việc làm quen với giao dịch chuyển tiền điện tử không dễ với tôi…”, chị Tâm nói.

Phụ huynh có thể chuyển khoản học phí mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: IT

Phụ huynh có thể chuyển khoản học phí mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: IT

Tạo đồng thuận từ kinh nghiệm thực tế

Trong quá trình học tập, mỗi học sinh đều phải đóng góp các khoản chi phí (học phí, học thêm, tiền gửi xe và các khoản phí khác). Do đó, nếu khuyến khích được phụ huynh, học sinh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt sẽ vô cùng thuận lợi, vừa đảm bảo công khai, minh bạch giữa nhà trường với phụ huynh, học sinh; giảm thiểu thời gian, công việc không tên cho giáo viên chủ nhiệm phải thu hộ, cầm tiền mặt sau đó nộp về nhà trường... Lợi ích không thể phủ nhận song để thực hiện được cần tháo gỡ nhiều rào cản.

Tại Trường THPT Trần Nguyễn Hãn, một số phụ huynh không có tài khoản. Vì vậy với trường hợp bất khả kháng nhà trường vẫn phải tạo điều kiện thu hộ, đóng hộ giúp phụ huynh thuận tiện trong việc đóng góp các khoản bắt buộc.

Muốn triển khai hiệu quả, thầy Nguyễn Minh Quý cho rằng, trước hết các trường cần thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh về vấn đề trên thông qua tuyên truyền, phổ biến quy định. Giúp phụ huynh thấy được thanh toán qua tài khoản minh bạch bởi có sự xác nhận của ngân hàng về ngày, giờ chuyển. Mặt khác, phụ huynh không cần đến trường đóng tiền, đỡ mất thời gian di chuyển, ảnh hưởng công việc.

Cùng đó, để phụ huynh hiểu và tiếp cận với phương thức thanh toán mới, nhà trường cần hướng dẫn các bước thực hiện rõ ràng, chặt chẽ để thống nhất cách làm. Mặt khác, công khai số tài khoản đóng góp với phụ huynh, học sinh tránh nhầm lẫn, mất thời gian tìm kiếm. Lắng nghe ý kiến phụ huynh về những tồn tại, ưu điểm… để tháo gỡ, rút kinh nghiệm.

Thầy Phạm Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) chia sẻ, yếu tố quan trọng để triển khai thuận lợi bởi đa số phụ huynh sử dụng dịch vụ ngân hàng và có hiểu biết cao về vấn đề trên. Ngoài ra, kế hoạch thu chi của nhà trường cần thông báo công khai đầu năm học, đầu học kỳ, tránh lắt nhắt để phụ huynh chủ động thực hiện giao dịch.

Đặc biệt, ngân hàng và nhà trường cần liên thông trong quá trình thực hiện. Ngoài tổ chức tư vấn, giải đáp, tháo gỡ khó khăn cho phụ huynh khi triển khai cần thông báo, cập nhật tình hình thu, gửi danh sách phụ huynh đã đóng và chưa đóng đúng thời gian để nhà trường nhắc nhở. Tránh tình trạng thông tin một chiều, nhà trường đi sau tháo gỡ tồn đọng...

Ở góc độ khác, thầy Huy và nhiều quản lý trường học phản ánh hiện chưa có sự đồng bộ, liên thông giữa các ngân hàng khiến phụ huynh không có nhiều lựa chọn. Mặt khác, bộ phận kế toán một số trường chưa thành thạo công nghệ dẫn đến việc thông báo thông tin về lệnh chuyển tiền để khớp với danh sách học sinh các lớp chưa tự động, vẫn do cán bộ nhập và chốt lại thủ công... vẫn tốn thời gian, nhân lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang Hải cân nhắc tiếp tục xuất ngoại.

Quang Hải chuẩn bị xuất ngoại?

GD&TĐ - Quang Hải hiện đang nhận được sự quan tâm của một số câu lạc bộ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Thái Lan nên cân nhắc xuất ngoại thêm một lần nữa.