Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về một số chủ đề nghiên cứu khoa học giáo dục, chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng phục vụ phát triển ngành Giáo dục trong giai đoạn vừa qua.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc gửi lời cảm ơn tới các đại biểu, nhà khoa học, thầy cô giáo và sinh viên đã đến tham dự Hội thảo. Đây là lần thứ 2 Hội thảo được tổ chức và thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học với 178 bài viết.
Hội thảo thu hút 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. |
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao sự đóng góp của các nhà khoa học, trong đó có nhiều bài viết chất lượng tốt, chủ đề tập trung nghiên cứu các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, giải pháp đổi mới giáo dục phổ thông đáp ứng Chương trình GDPT 2018, phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho giáo viên phổ thông. Cùng với đó là đổi mới quản lý, quản trị nhà trường; hợp tác giáo dục đại học và doanh nghiệp; tự chủ đại học, các cơ chế chính sách phát triển giáo dục…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ mong muốn các cơ sở giáo dục, UBND các địa phương tiếp tục dành sự quan tâm đến nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học giáo dục nói riêng.
Tại buổi Hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức tổ chức quản lý ngày càng tăng. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đã và đang tạo ra sự cạnh tranh trong phát triển kinh tế ở nhiều cấp độ khác nhau trong nội bộ mỗi quốc gia và quốc tế. Vì vậy, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học là vấn đề cấp thiết của giáo dục nước nhà.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên. |
Cũng theo PGS.TS Hoàng Văn Hùng, trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình đại học cũng đang dần phải thay đổi từ mô hình đại học truyền thống - chuyên về đào tạo với mục tiêu đào tạo ra kỹ sư, cử nhân giỏi trở thành các trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra giá trị ngay trong trường đại học. Đây chính là xu hướng quan trọng trong tiến trình phát triển giáo dục đại học, được gọi là mô hình giáo dục đại học 4.0 hay mô hình đại học đổi mới sáng tạo.
Theo mô hình này, sự phát triển của các đại học có thể tạo ra ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ hơn tới cộng đồng và xã hội. Việc chủ động quản lý, ứng dụng và trực tiếp thương mại hóa các tài sản trí tuệ một cách hiệu quả ngay trong khuôn viên đại học sẽ giúp các đại học tạo ra giá trị kinh tế, tự chủ tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn tài trợ từ Chính phủ và các bên liên quan khác.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên trao đổi về chủ đề Nghiên cứu khoa học giáo dục trong bối cảnh mới. |
Ban Tổ chức Hội thảo cho biết đã nhận 178 bài viết của các nhà khoa học trong cả nước gửi về, trong đó có 57 bài viết đã được đăng trên chuyên san Khoa học Giáo dục, Tạp chí Khoa học và Công nghệ của Đại học Thái Nguyên và 103 bài báo cáo toàn văn được đưa vào Kỷ yếu toàn văn của Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 3 chủ đề chính là: Khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục mầm non; đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ đại học; Khoa học giáo dục với đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường.
Đặc biệt, Hội thảo còn tập trung đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục; làm rõ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, phát triển hệ thống đại học số đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.