Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; ông Phạm Minh Tấn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk; ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trao Quyết định thành lập phân hiệu trường Đại học Đông Á tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thành Tâm. |
Theo đó, phân hiệu Trường Đại học Đông Á tại tỉnh Đắk Lắk tọa lạc trên đường Phạm Hùng - thành phố Buôn Ma Thuột, được xây dựng trên tổng diện tích mặt bằng 10ha. Trường có 3 block nhà A, B, C đang vận hành với công năng 115 phòng học lý thuyết, 27 phòng thực hành chuyên môn, thư viện, hội trường lớn, khu thể thao đa năng cùng đầy đủ các phòng chức năng.
Phân hiệu trường Đại học Đông Á tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thành Tâm. |
Quy mô đào tạo năm đầu tiên trong giai đoạn 2022-2030 của phân hiệu sẽ gồm 6 ngành: Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành, Công nghệ thực phẩm, Điều dưỡng, Công nghệ thông tin. Đây đều là các ngành học phù hợp với xu hướng phát triển lâu dài tại vùng Tây Nguyên, và cũng là các ngành đào tạo thế mạnh trong quy mô 36 ngành thuộc 9 nhóm ngành của Đại học Đông Á.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và các đại biểu cắt Băng khánh thành phân hiệu trường Đại học Đông Á tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thành Tâm. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao việc thành lập phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Nguyên.
“Quan sát quá trình hoạt động của Trường Đại học Đông Á thời gian qua, Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự năng động trong tư duy chiến lược về cải tiến chất lượng đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên bằng các sản phẩm ứng dụng và tính khởi nghiệp cao”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đặc biệt ấn tượng với chiến lược xây dựng "định vị" chất lượng sinh viên nhà trường bằng những hợp tác chiến lược với các đối tác nước ngoài có uy tín, nhằm trang bị cho sinh viên có ưu thế về kỹ năng, chuyên môn, thái độ chuyên nghiệp và ngoại ngữ tốt để làm việc trong nước và quốc tế. Đây là một hướng đi mang tính khác biệt, cần được khuyến khích, nghiên cứu và nhân rộng.
TS. Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng Đại học Đông Á trao học bổng cho các em học sinh THPT vượt khó học giỏi tại Tây Nguyên. Ảnh: Thành Tâm. |
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng Đại học Đông Á chia sẻ: “Xã hội mong đợi đại học những nghiên cứu lý thuyết hàn lâm nhưng cũng mong đợi đại học giải quyết những nhu cầu cấp thiết. Vậy nên, đại học cùng lúc đầu tư các chương trình đào tạo dài hạn, cũng phải bằng nhiều phương thức, tổ chức hoặc đỡ đầu cho các chương trình đào tạo nghề nghiệp ngắn hạn theo hướng thực nghiệp, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết cho công cuộc phát triển khu vực.
Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk sẽ thúc đẩy đồng thời các ngành kinh tế, logistics, du lịch - dịch vụ, kỹ thuật, sức khỏe và ngôn ngữ. Thật thú vị khi có thể góp sức đào tạo những chủ nhân trên mảnh đất này vừa có nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ lữ hành - khách sạn vừa có năng lực giao tiếp các ngôn ngữ Anh, Nhật, Hàn, Trung… để mời gọi bạn bè quốc tế, để phát triển kinh tế du lịch trên vùng đất có nhiều sắc thái văn hóa này”.
Tại buổi lễ các đại biểu đã được nghe GS. Trần Văn Thọ (giáo sư danh dự, Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) chia sẻ góc nhìn về “Biến động kinh tế thế giới và phương hướng phát triển của Việt Nam”.
Ban tổ chức cũng đã trao học bổng khuyến học Hoa Anh Đào cho học sinh THPT vượt khó học giỏi tại Tây Nguyên. Tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển nông nghiệp và công nghệ thực phẩm Tây Nguyên”.