Trong bối cảnh dân số có xu hướng già hóa ngày càng nhanh, việc giữ định kiến với những người cao tuổi, xếp họ vào nhóm đã “suy giảm thể chất, tinh thần và năng lực”, bắt buộc phải nghỉ ngơi sẽ làm hạn chế khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Thực tế, không hiếm những người từ 60 - 70 tuổi vẫn còn sức khỏe, lành nghề, có lợi thế về kinh nghiệm và các mối quan hệ…
Nỗi lo già hóa dân số
Theo số liệu thống kê của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2023, dân số Việt Nam có quy mô khoảng 100,3 triệu người, trong đó có hơn 16 triệu người cao tuổi.
Theo dự báo của Bộ Y tế, đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già” với hơn 21 triệu người cao tuổi, chiếm gần 20% tổng dân số. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi. Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề, trong đó có lao động cao tuổi.
Thực tế tình trạng dân số già hiện đang là nỗi lo chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Một trong những việc làm góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động do quá trình già hóa dân số là duy trì việc làm cho người về hưu, đang được khá nhiều nước thực hiện.
Nhật Bản ban hành Luật Ổn định việc làm cho người cao tuổi từ năm 1986. Điều này nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có thể tiếp tục làm việc lâu dài.
Năm 2021, Chính phủ Nhật Bản quy định các doanh nghiệp bắt buộc phải thuê nhân viên cho đến khi họ đủ 65 tuổi. Theo số liệu thống kê từ Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố năm 2021, tại quốc gia này có hơn 70% người trên 60 tuổi tham gia thị trường lao động.
Việc tận dụng nguồn nhân lực lao động lớn tuổi không chỉ là giải pháp lấp đầy khoảng trống thị trường lao động mà còn có lợi ích về mặt đào tạo, bởi những lao động này đã có kiến thức và kỹ năng chuyên môn dày dặn, có thể hỗ trợ đào tạo những người trẻ tuổi trong quá trình làm việc.
Không chỉ Nhật Bản mà ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, số lượng người nghỉ hưu tái gia nhập thị trường lao động tăng qua từng năm. Điển hình tại Mỹ, trong năm 2024, lực lượng lao động từ 65 tuổi trở lên ước tính là 13 triệu người, tăng 55% trong vòng thập niên 2014 - 2024. Ở Singapore, năm 2021 số người từ trên 60 tuổi tham gia thị trường lao động chiếm gần 33% tỷ lệ dân số.
Nhiều người cao tuổi mong muốn được làm việc
Theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay, rất nhiều người cao tuổi vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình.
Cùng với việc chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, những người đến độ tuổi nghỉ hưu vẫn mong muốn được tiếp tục đi làm. Mặt khác, hiện nay cũng có một bộ phận không nhỏ người cao tuổi không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống.
Dù có lương hưu, song hằng ngày, ông Trần Quang Thịnh (63 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn đi làm bảo vệ ca chiều cho cửa hàng tiện lợi gần nhà. Ông Thịnh chia sẻ, công việc này đem lại mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
“Trước đây, tôi làm nghề cơ khí. Đến tuổi nghỉ hưu thì tôi nghỉ thôi chứ thực tế, tôi cảm thấy bản thân mình vẫn khoẻ mạnh, vẫn muốn làm việc. Tuy nhiên ở tuổi này thì cũng chẳng công ty hay doanh nghiệp nào nhận tôi làm chuyên môn nữa. Ở nhà loanh quanh chơi mãi cũng chán, buồn chân tay nên tôi xin làm bảo vệ”, ông Thịnh cho biết.
Có thể thấy, đa số những người cao tuổi có nhu cầu làm việc đều không biết tìm việc gì, ở đâu. Công việc họ tìm được chủ yếu là bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già, chạy xe ôm,… Thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành vì vậy việc người cao tuổi có thể tìm được công việc phù hợp là không dễ dàng.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Hạnh Liên, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tại Việt Nam, xã hội có xu hướng xem người cao tuổi là đối tượng cần được nghỉ ngơi, được con cái chăm sóc, xã hội bảo trợ. Trong gia đình, người cao tuổi được con cái kính trọng, nuôi nấng để báo hiếu. Nếu để người cao tuổi phải “bươn chải kiếm sống”, con cái sẽ bị coi là bất hiếu và không thương cha mẹ.
Thực tế, không hiếm trường hợp ở độ tuổi 60 đến 75 tuổi, nhiều người vẫn khỏe mạnh, năng lực làm việc vẫn tốt, còn nhiều khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Họ mong muốn tìm kiếm việc làm cho “đỡ buồn” song bị con cháu phản đối quyết liệt vì sợ hàng xóm, họ hàng dị nghị.
Vì thế, trước hết xã hội cần thay đổi định kiến, suy nghĩ về việc người cao tuổi mà còn phải lao động là “vô phúc”, đáng thương hại. Mặc dù Việt Nam có truyền thống “kính lão đắc thọ”, tôn trọng người cao tuổi… nhưng trong quá trình hội nhập và phát triển, xã hội đã có nhiều sự thay đổi, cần tôn trọng sự lựa chọn của những người lớn tuổi.
Ở mỗi độ tuổi, người lao động lại có những lợi thế riêng. Đối với những người lao động trẻ, lợi thế của họ là sự nhanh nhẹn, có sức khoẻ và lòng nhiệt huyết. Người lao động cao tuổi cũng có những điểm mạnh riêng. Họ là lao động đã có tay nghề thành thạo; có bề dày kinh nghiệm nhờ đó có thể nắm bắt và xử lý công việc; có sự từng trải nên không còn nóng nảy bồng bột; có lợi thế về các mối quan hệ…