Nghề phù hợp cho người cao tuổi

GD&TĐ - Bộ LĐ-TB&XH dự kiến sẽ đề xuất sửa đổi Luật Người cao tuổi vào năm 2024. Một trong những nội dung sửa đổi là rút ngắn độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội.

Việt Nam cũng có thể nghiên cứu kiến nghị Chính phủ để dành một nghề phù hợp cho người cao tuổi làm việc. Ảnh minh họa
Việt Nam cũng có thể nghiên cứu kiến nghị Chính phủ để dành một nghề phù hợp cho người cao tuổi làm việc. Ảnh minh họa

Chỉ ra một số vấn đề về công tác người cao tuổi

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trong Văn kiện Đại hội Đảng, tư tưởng nhất quán về người cao tuổi là vừa bảo vệ, chăm sóc và phát huy. Đây là tư tưởng phù hợp đạo lý của người Việt. Người cao tuổi là lực lượng xã hội vô cùng quan trọng cả về số lượng và chất lượng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, người cao tuổi và công tác người cao tuổi Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng, gia đình đặc biệt quan tâm sâu sắc và đạt được những kết quả đáng mừng. Tuyệt đại bộ phận người cao tuổi được gia đình, dòng họ, xã hội trân trọng, chăm sóc, điều kiện vật chất ngày càng tốt hơn trước. Vì thế, tuổi thọ nâng lên nên sau nghỉ hưu, số lượng người còn sức khỏe, còn có thể cống hiến tăng lên.

Qua thực tiễn cho thấy, hệ thống pháp luật và chính sách pháp luật về người cao tuổi ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, đi vào cuộc sống tốt hơn. Mức trợ cấp cho người cao tuổi nâng lên từ 90 nghìn đồng/tháng nay là 360 nghìn đồng/tháng. Một số đối tượng mức trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng. Có nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi rất tốt cả về công lập và ngoài công lập.

Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam đi vào cuộc sống, chăm lo tốt hơn cho người cao tuổi. Cùng với đó, Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam phát huy được hiệu quả. Thời gian qua, công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và Hội Người cao tuổi cơ bản nhịp nhàng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề về công tác người cao tuổi. Đó là cần nhìn nhận người cao tuổi ở cả 3 vấn đề: Bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, đang đặt ra các xu hướng về người cao tuổi. Đó là xu hướng già hóa dân số rất nhanh. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Việt Nam cũng đã có những chính sách đón đầu xu hướng này bằng cách kéo dài tuổi nghỉ hưu cho người lao động.

Trước đây, gia đình sống theo mô hình tam, tứ, ngũ đại đồng đường nhưng nay tách ra thành nhiều gia đình riêng lẻ. Con cháu ra ở riêng nên số người cao tuổi sống đơn thân tăng lên. Cùng với đó, xuất hiện một số vụ bạo hành người cao tuổi gây bức xúc xã hội.

Những người làm công tác chăm sóc người cao tuổi và cơ quan quản lý Nhà nước còn phối hợp chưa tốt. Một số cấp ủy chính quyền, địa phương chưa thật sự quan tâm công tác người cao tuổi đúng mức.

Cần đảm bảo 100% người cao tuổi có bảo hiểm y tế

Theo ông Đào Ngọc Dung, cần sớm tổng kết và sửa đổi pháp luật để hệ thống pháp luật đồng bộ và đi vào cuộc sống hơn. Dự kiến, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi Luật Người cao tuổi vào năm 2024. Một trong những nội dung sửa đổi là rút ngắn độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội. Trong lúc chưa sửa luật có thể trình ngay vào Luật Bảo hiểm xã hội để thiết kế tầng thứ nhất bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng cho rằng, điều người già cần nhất là chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 5% người cao tuổi tương đương với hơn 500 nghìn người chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Vì vậy, phải vận dụng nhiều cách khác nhau để đảm bảo 100% người cao tuổi có bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh phát triển các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi. Bởi xu hướng số lượng người cao tuổi tăng lên, xu hướng gia đình hạt nhân đơn lẻ tăng lên.

Thậm chí, nhiều người già có con nhưng họ không muốn sống cùng con mà vào các trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc người cao tuổi. Ở đó họ có những người bạn để kết thân chuyện trò vui vẻ, cuối tuần con cháu đến thăm hoặc đến đón về nhà chơi.

Cùng với hệ thống các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi công lập đang nuôi dưỡng khoảng 10 nghìn người cao tuổi, cần tạo điều kiện để phát triển các trung tâm ngoài công lập. Do đó, nên kiến nghị Thủ tướng cho xây dựng 6 trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người cao tuổi tại 6 vùng kinh tế trọng điểm, trước mắt thí điểm xây dựng tại Bình Dương.

Theo Bộ trưởng, Chương trình Hành động quốc gia người cao tuổi cần chọn một vài nội dung chính làm điểm nhấn. Đặc biệt, cần suy nghĩ tìm cách giải quyết việc làm người cao tuổi phù hợp với sức khỏe, khả năng và nguyện vọng.

“Tạo việc làm cho người cao tuổi dựa trên sự phù hợp với sức khỏe, khả năng và nguyện vọng của người cao tuổi là điều cần thiết. Các nước phát triển như Nhật Bản, Đức còn có chương trình “Khởi nghiệp cho người cao tuổi”, dựa theo nhu cầu, sức khỏe và năng lực của họ. Việt Nam cũng có thể nghiên cứu kiến nghị Chính phủ để dành một nghề phù hợp cho người cao tuổi làm việc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng lấy ví dụ, ở Nhật Bản có chương trình hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp theo sức khỏe, năng lực. Nhật Bản còn dành riêng nghề lái taxi cho người cao tuổi.

Trước mắt, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đề nghị Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cần phối hợp để sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Bởi, có 3 đối tượng dễ bị bạo hành trong gia đình. Đó là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi. Vì thế, Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi cần tách 3 đối tượng này thành 3 chương khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.