Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” vừa được phê duyệt theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 đưa ra mục tiêu chung đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn…
Nhu cầu cao
Đánh giá về nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn, PGS.TS Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho biết: “Kỹ sư Việt Nam chỉ giỏi trong công đoạn thiết kế, thiếu kỹ sư trưởng, có khả năng thiết kế hoàn chỉnh một con chip”. Hiện nay, các công ty thiết kế vi mạch tại Việt Nam chủ yếu tuyển dụng nguồn lực về kiểm tra và thiết kế vật lý vi mạch.
Thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử là 3 công đoạn chính trong chuỗi cung ứng bán dẫn tại Việt Nam. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 40 công ty đảm nhận phần thiết kế. Dự kiến năm 2030 có khoảng 100 công ty với nhu cầu nhân lực dự kiến là 15.000 kỹ sư. Khâu sản xuất chưa có công ty nào. Khâu đóng gói, kiểm tra hiện có 3 nhà máy với số lượng lao động khoảng 7.800 kỹ sư. Dự kiến năm 2030, có khoảng 12 nhà máy tại Việt Nam, cần khoảng 30.000 kỹ sư.
Khâu đóng gói - kiểm thử “Assembly, testing and packaging” (ATP) vi mạch bán dẫn đóng vai trò quan trọng để đảm bảo sản phẩm bán dẫn cuối cùng được hoạt động đúng theo đặt hàng ban đầu. Những năm gần đây, các doanh nghiệp ATP có xu thế dịch chuyển sang triển khai cơ sở sản xuất tại các nước Đông Nam Á.
Năm 2006, chỉ có Tập đoàn Intel của Hoa Kỳ đặt nhà máy tại TP Hồ Chí Minh và chủ yếu thực hiện khâu ATP của các bộ vi xử lý với đội ngũ chuyên môn hơn 2.000 kỹ sư. Sau đó, một số doanh nghiệp bán dẫn khác như Onsemi, Hana Micron Vietnam, Amkor Vietnam đã xây dựng nhà máy tại Việt Nam để thực hiện các khâu ATP với tổng số nhân lực hơn 6.000 người.
Thế chân kiềng đào tạo nhân lực
Thời điểm trước khi các trường mở ngành đào tạo liên quan đến vi điện tử - thiết kế vi mạch thì những kỹ sư tốt nghiệp ngành điện - điện Tử - viễn thông, điều khiển tự động cơ bản đáp ứng được yêu cầu công đoạn đóng gói và kiểm tra vi mạch, có thể cần thêm đào tạo từ doanh nghiệp. Đại học Bách khoa Hà Nội đã có chương trình đào tạo liên quan chế tạo bán dẫn. Một số trường đại học khác đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo, phòng thí nghiệm để đào tạo nguồn lực.
Tháng 8/2024, khóa học kéo dài gần 4 tháng của chương trình Thiết kế Vật lý Vi mạch VLSI cơ bản do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) phối hợp với Tập đoàn FPT, tổ chức Tresemi từ thung lũng Silicon và tập đoàn Cadense phối hợp tổ chức. Khóa học tổ chức tại 3 điểm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với sự tham gia của khoảng 70 học viên gồm cả sinh viên và giảng viên nguồn các trường đại học. Sau khóa học này, nhiều khóa đào tạo ngắn hạn tiếp tục được mở, đáp ứng nhu cầu nhân lực trước mắt.
Trong trao đổi với Đại học Đà Nẵng, chuyên gia về chíp bán dẫn Philip Hoàng - quản lý kỹ thuật cao cấp tại Skyworks Solutions, sáng lập viên tổ chức Tresemi cho biết: Kết quả bước đầu triển khai khóa đào tạo ngắn hạn rất tốt. Đơn cử có học viên tốt nghiệp được doanh nghiệp uy tín như FPT đánh giá cao, có đủ kiến thức, kỹ năng chuyên sâu để làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Do vậy, thông qua các hoạt động thực tiễn này cũng như thời gian tới, hai bên có thể tiếp tục phối hợp tổ chức các khoá bồi dưỡng ngắn hạn và tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ học bổng cho sinh viên…
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, ngoài tuyển sinh, đào tạo ngành vi mạch bán dẫn ở 3 trường đại học thành viên từ năm 2024, các trường đã chủ động mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho giảng viên nguồn và sinh viên/học viên ngành gần để đáp ứng nhu cầu trước mắt. Bên cạnh đó, Đại học Đà Nẵng tập trung thúc đẩy trao đổi giảng viên, sinh viên, tạo điều kiện, cơ hội cho sinh viên thực tập, trải nghiệm ở nước ngoài và sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu.
TP Đà Nẵng dự kiến chi gần 900 tỷ đồng để phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, có các chương trình, dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho người học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, AI.
Người học được cho vay số tiền bằng học phí nộp cho cơ sở đào tạo với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội thành phố. Được miễn 100% số tiền nợ gốc và lãi tiền vay cần phải trả nếu sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng và làm việc ít nhất 3 năm tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn thành phố.
TS Nguyễn Linh Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng cho biết, đơn vị dành học bổng toàn phần, học bổng “Thử thách UTE” cho sinh viên xuất sắc trong ngành bán dẫn, đặc biệt những em nghiên cứu sâu về thiết kế vi mạch, công nghệ chất bán dẫn và các lĩnh vực khác liên quan. Trường cũng miễn giảm học phí cho sinh viên ngành bán dẫn, đặc biệt người học có hoàn cảnh khó khăn…
Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã trao đổi hợp tác với đại diện Tập đoàn Marvell trong đào tạo, cung cấp nhân lực lĩnh vực bán dẫn. Hai bên đã trao đổi các nội dung hợp tác dự kiến như: Doanh nghiệp tham gia vào hoạt động “Capstone project”; hỗ trợ sinh viên thực tập và thực hiện đồ án tốt nghiệp; hỗ trợ thiết bị phục vụ đào tạo cho lĩnh vực bán dẫn; nhà trường cung cấp nhân lực và doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp...
Trước đó, nhà trường đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác với nhiều công ty lĩnh vực thiết kế vi mạch. Đây là điều kiện thuận lợi để đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn có chất lượng, cung cấp cho nhu cầu của thị trường thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Gia Như - Hiệu trưởng Trường Khoa học máy tính, Đại học Duy Tân khẳng định: “Yêu cầu và nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đối mặt với nhiều thách thức mới. Tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh: AI, IoT, Blockchain. Các doanh nghiệp đòi hỏi nhu cầu nhân lực đa dạng nhưng lại cần chuyên môn hoá sâu, khả năng thích ứng cao. Những kỹ năng cần thiết của người lao động cũng phải thay đổi phù hợp, kịp thời, mới đáp ứng sự phân công lao động toàn cầu”.