Những căn hộ siêu nhỏ, với kích thước không quá 30m2, đang là lựa chọn số một của người trẻ, người nhập cư hoặc người thu nhập thấp sinh sống tại các thành phố lớn trên thế giới. Dù mục đích sử dụng mỗi người khác nhau nhưng họ đều cảm thấy thoải mái trong không gian có diện tích hẹp.
Rào cản của người trẻ châu Á
Anh Kazuki Hirata, 31 tuổi, thuê một căn hộ chỉ vỏn vẹn 9m2 tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) với giá 83 nghìn yên/tháng. Anh ngủ chéo trên nệm và mở hé cửa nhà vệ sinh để không bị va đập đầu gối.
Căn hộ của Kazuki chỉ bằng một nửa căn hộ studio (căn hộ một phòng ngủ) thông thường tại Tokyo nhưng anh không ngại diện tích chật hẹp vì nó chỉ cách quán bar anh làm một quãng đi bộ ngắn. Công việc này thường kết thúc vào sáng sớm khi không có phương tiện công cộng. Ngoài ra, giá thuê chỉ chiếm 1/3 thu nhập của anh.
Kể từ khi chuyển vào sống, Kazuki mua thêm một số đồ nội thất nhưng không cảm thấy căn hộ “quá nhỏ”. Anh khá hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.
Giống như Kazuki, căn hộ của Mark Lorenzo Permalino ở Manila (Philippines), có diện tích 22m2, bằng khoảng 2 ô đậu xe. Người đàn ông 28 tuổi mơ ước trong 2 năm nữa có thể chuyển lên một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ ở Makati, trung tâm tài chính của Manila.
Tuy nhiên, chi phí là rào cản lớn nhất. Là chuyên gia công nghệ thông tin, Mark cho biết giá khởi điểm cho căn hộ một phòng ngủ tại những chung cư cao cấp như Chino Roces Avenue lên đến 12 triệu peso. Hiện nay, Mark vẫn đang bọc miếng xốp ở các góc nhọn quanh căn hộ để tránh va đầu vào.
Nghiên cứu của tổ chức Money Mind chỉ ra rằng khả năng chi trả nhà ở là rào cản đối với người trẻ tuổi ở châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, họ có xu hướng lựa chọn thuê những căn hộ có diện tích nhỏ hẹp ở trung tâm thành phố.
Theo dữ liệu từ công ty bất động sản Savills, trung bình giá thuê căn hộ từ 15 đến 30m2 tại 5 quận trung tâm Tokyo đã tăng gần 20% từ năm 2016 đến nay. Ông Tetsuya Kaneko - Giám đốc nghiên cứu và tư vấn Savills Nhật Bản cho biết, lạm phát khiến giá bất động sản tăng cao. Trong xu hướng này, những căn hộ có diện tích nhỏ là giải pháp để giữ giá thuê nhà ở mức phải chăng.
Lựa chọn hàng đầu
Đối với người trẻ, những căn hộ dạng hộp là phương án tiết kiệm hiệu quả. Không chỉ được giảm tiền thuê nhà, họ còn tiết kiệm tiền mua sắm hoặc cắt giảm chi phí không cần thiết. Vì không gian hạn chế, việc chi tiêu quá mức là không thực tế và nhu yếu phẩm là những đồ duy nhất nên dùng.
Với Kazuki, nhu cầu mua quần áo đã giảm đi vì không có chỗ chứa. Anh mặc đồng phục đi làm và cả trong ngày nghỉ. Việc dọn dẹp cũng trở nên dễ dàng. Anh dùng máy hút bụi cầm tay và khăn ướt để lau sàn. Ngoài tiết kiệm và tiện lợi, Kazuki thích “sự ấm cúng” mà căn hộ siêu nhỏ mang lại. “Tôi thích cảm giác được bao quanh bởi đồ vật. Điều này thật bình yên”, anh nói.
Suy nghĩ của Kazuki là cảm xúc chung của những người trẻ đang thuê các căn hộ dạng hộp hay dạng “ông bà”, vốn dành cho người già. Tập đoàn bất động sản như Spilytus cũng đang xây dựng các căn hộ siêu nhỏ ở những khu vực trung tâm Tokyo như Ebisu và Nekameguro để phục vụ tệp khách hàng là giới trẻ, thích sống ở những vị trí “đắc địa” với giá thuê hợp lý.
Tỷ lệ thuê nhà hộp của Spilytus đạt 99% với phần lớn khách hàng có độ tuổi dưới 30. Được thiết kế dành riêng cho người độc thân, những căn hộ này thường được thuê trong 2 năm. Như Kazuki, anh nói không có kế hoạch chuyển đi trừ khi kết hôn hoặc thay đổi công việc.
Tương tự ở trung tâm Manila, giá mỗi mét vuông đất cao gấp đôi khu vực ngoại ô. Giá căn hộ chung cư trung bình tại đây cao gấp 25 lần thu nhập trung bình hàng năm của một hộ gia đình.
Bà Marife Ballesteros - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines cho biết, giá nhà thấp nhất hiện nay ở trung tâm Manila là khoảng 4 đến 5 triệu peso. Để mua những căn hộ này, người dân cần thu nhập hàng tháng khoảng 95 nghìn peso. Tuy nhiên theo Khảo sát tiền lương theo nghề nghiệp năm 2022 của Cơ quan Thống kê Philippines, người dân trung bình có thu nhập là 18,4 nghìn peso.
Tuy nhiên, bà Marife bày tỏ lạc quan rằng người trẻ có thể kiếm tiền tốt hơn nhờ khả năng công nghệ và các cơ hội việc làm toàn cầu. Như Mark, anh vẫn rất lạc quan. Chàng trai trẻ đặt mục tiêu tiết kiệm nửa triệu peso và đã đi được 1/2 chặng đường. Anh đang làm công việc sáng tạo nội dung YouTube, đồng thời, học thêm về lập trình, chỉnh sửa video và thiết kế đồ họa để tăng thu nhập.
Trung tâm Manila là nơi Mark muốn gắn bó trong 20 năm tới. Đối với anh, sự tiện lợi và trải nghiệm cuộc sống thành thị xứng đáng với chi phí bỏ ra so với về quê ở Baguio.
Mô hình trở lại trên đất Mỹ
Những không gian ở nhỏ không còn xa lạ tại các thành phố đông dân châu Á, song nó còn phản ánh thực tế rằng người trẻ hiện nay trì hoãn kết hôn, ly hôn tăng, ít đẻ con và thích sống một mình. Xu hướng này đặc biệt ảnh hưởng đến cấu trúc xã hội vì trong tương lai, nó sẽ kéo theo tình trạng dân số già, giảm lao động trong độ tuổi cho phép và các nguy cơ khác.
Ở các quốc gia phương Tây, mô hình căn hộ siêu nhỏ cũng đang phổ biến nhưng vì những lý do khác như số lượng nhà ở khan hiếm, tỷ lệ người vô gia cư, người nhập cư tăng vọt.
Căn hộ một phòng của Barbara Peraza-Garcia và gia đình tại Seattle (Mỹ) chỉ vỏn vẹn 17m2, được sử dụng tối đa mục đích. Bình thường, căn phòng trải ra một tấm đệm hơi cho gia đình 4 người, gồm vợ chồng Barbara và các con 2 và 4 tuổi, ngủ.
Vào giờ ăn, tấm đệm được dựng lên để lấy chỗ ăn. Với gia đình 4 người, căn phòng này quá chật chội nhưng với những người nhập cư từ Venezuela đến Mỹ, căn hộ có giá 900 USD, rẻ hơn 550 USD so với một căn studio trung bình ở Seatlle là lựa chọn duy nhất.
Từng trải qua cảnh vô gia cư, anh Cheyenne Welbourne đã chuyển đến sống trong một căn hộ siêu nhỏ thuộc sở hữu của một tổ chức phi lợi nhuận ở trung tâm thành phố Portland (Mỹ). Căn phòng chỉ đủ kê một chiếc giường, một chiếc ghế, một chiếc TV bên một bồn rửa và nhà vệ sinh nhỏ. Thế nhưng với người phải trải qua một mùa Đông ngoài đường phố, căn hộ này quá hoàn hảo.
Anh mua sắm thêm đèn nhiều màu sắc, cây trồng và đồ trang trí nhỏ để lấp đầy căn nhà. “Tôi chỉ có một mình và chiếc balo. Căn nhà như vậy là quá đủ với tôi. Đó là một căn nhà đẹp, thoải mái”, anh Cheyenne nói.
Mô hình nhà ở cho người thu nhập thấp, lao động chân tay hoặc công nhân tạm thời rất phổ biến tại Mỹ vào đầu những năm 1990 nhưng chúng biến mất dần trong bối cảnh đất nước nỗ lực đổi mới đô thị. Các gia đình cũng có xu hướng chuyển ra ở ngoại ô để có không gian sống thoáng đãng, rộng rãi.
Tuy nhiên, mô hình này đang xuất hiện trở lại với tên gọi thời thượng là “căn hộ siêu nhỏ” do các thành phố đối mặt với tình trạng vô gia cư và nhập cư tăng cao. Bang Oregon là nơi đầu tiên thông qua dự luật mở cửa cho các căn hộ siêu nhỏ, theo sau là bang Washington.
Ông Dan Bertolet, Giám đốc cao cấp về nhà ở và đô thị tại trung tâm nghiên cứu Sightline Institute, cho biết: “Nếu bạn là người độc thân và muốn tìm một nơi ở giá rẻ thì đó là mức rẻ nhất mà bạn có thể tìm được mà không cần trợ cấp”.
Ý kiến trái chiều
Còn tại Australia, nơi 31% người dân đi thuê nhà, tình trạng thiếu nhà ở diễn ra đặc biệt nghiêm trọng. Chính phủ đang thắt chặt nguồn cung cho thuê nhà khiến giá nhà ở cho thuê tăng 40% kể từ năm 2020. Vì vậy, việc tìm nhà ở với giá hợp lý, phù hợp với điều kiện của người trẻ hoặc người thu nhập thấp là vô cùng khó khăn.
Ở Sydney, Rhod-Lee Mercado đang thuê một căn hộ 60m2 có 2 phòng ngủ, 1 phòng giặt, phòng tắm riêng và tủ đựng đồ. Qua miêu tả, căn hộ không nhỏ nhưng nó chỉ bằng 1/4 diện tích sàn trung bình của những ngôi nhà ở Australia, tương đương khoảng 240m2.
Đây là một dạng căn hộ “dành cho ông bà”, chỉ những căn nhà được thiết kế không gian sống liền kề, phù hợp với người cao tuổi không thể đi lại nhiều. Ngôi nhà cung cấp đầy đủ tiện nghi trong một không giản nhỏ. “Tiết kiệm tiền là lý do tôi lựa chọn dạng căn hộ này. Đây là lựa chọn thuê nhà rẻ hơn ở Sydney với tiện nghi đầy đủ, thoải mái”, Rhod-Lee nói.
Nhiều người chỉ trích rằng xu hướng thuê căn hộ siêu nhỏ phơi bày tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ tại thành thị cho lao động trẻ, lương thấp. Nhưng ông Keisuke Nakama - Chủ tịch công ty cho thuê Shanti Casa, lập luận mô hình này giúp người thuê tiết kiệm tài chính và chuẩn bị cho tương lai lâu dài.
“Nhiều người trẻ ngày nay không có nhiều tài sản, khác với thế hệ cũ. Vì vậy, những căn hộ này rất lý tưởng đối với họ. Chúng tôi muốn cung cấp nơi ở cho những người chuyển đến sống tại Tokyo và không đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà đắt đỏ ở thành phố. Hầu hết họ ở đây 2 – 3 năm, tiết kiệm được một chút tiền và chuyển đến sống ở nơi lớn hơn và lập gia đình”, ông Keisuke phân tích.
Còn GS Marisa Zapata - chuyên gia về quy hoạch sử dụng đất tại Đại học Portland State, Mỹ, cho biết các thành phố cần tập trung vào việc xây dựng nhà ở giá rẻ như căn hộ studio hoặc căn hộ một phòng ngủ.
Việc xuất hiện các căn hộ siêu nhỏ là hợp lí nhưng không nên phát triển mạnh vì chúng không đảm bảo người dân có cuộc sống thoải mái. Chưa kể, những không gian hẹp có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người ở.