Trước những bất ổn và rủi ro xảy ra trong cuộc sống từ xu hướng này, nhà chức trách đang tìm cách thay đổi để cải thiện tình hình.
Một cuộc khảo sát toàn quốc được tiến hành vào năm 2022 cho thấy: 40,3% trong số 20.000 người được hỏi “thấy cô đơn” ít nhất là thỉnh thoảng - tăng 3,9% so với năm 2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội của Nhật Bản vẫn được áp dụng.
Niềm vui khi ở một mình
Nữ diễn viên kiêm người mẫu Ellie Misumi, 26 tuổi, tình cờ tìm thấy niềm vui khi ở một mình và bắt đầu hành trình “solo katsu” - thuật ngữ mô tả việc một mình tham gia các hoạt động mà theo truyền thống được coi là giao lưu.
Trải nghiệm của Misumi phản ánh cuộc sống được mô tả trong bài luận nổi tiếng “Solo Katsu Joshi no Susume” (Khuyến nghị của một cô gái độc thân) của tác giả Mayumi Asai. Nó truyền cảm hứng cho một loạt phim truyền hình cùng tên.
Loạt phim này làm nổi bật cuộc sống của một nhân viên công ty thích các hoạt động như ăn một mình trong nhà hàng, tổ chức tiệc riêng và ở tại các nhà nghỉ tình yêu. Nó thu hút được một lượng người theo dõi cuồng nhiệt ở Nhật Bản trong suốt 4 năm hoạt động.
Rất có thể solo katsu gây được tiếng vang với công chúng do những hạn chế về quy mô nhóm trong thời kỳ đại dịch, điều này vô tình khuyến khích mọi người thử các hoạt động một mình. Khi làm vậy, họ có thể “thấy nó thú vị một cách đáng ngạc nhiên”, Asai nói.
Nền kinh tế cũng tạo điều kiện cho cách sống trên khi có nhiều sản phẩm và dịch vụ thân thiện với người độc thân hơn, xuất hiện trong các lĩnh vực du lịch, nhà ở và tài chính. Hình thức sống một mình cực đoan nhất được thể hiện bởi một nhóm được gọi là hikikomori hoặc những cá nhân tự giam mình trong nhà.
Năm ngoái, một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy gần 300.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở đã từ chối đến trường trong ít nhất 30 ngày. Theo Giáo sư Khoa Tâm thần xã hội và Sức khỏe tâm thần Tamaki Saito tại Đại học Tsukuba, ước tính có khoảng 20% học sinh có khả năng thành những kẻ ẩn dật lâu dài do các quy định nghiêm ngặt về cách ăn mặc, ngoại hình ở trường.
Không muốn ai làm phiền
Tuy nhiên, sự cô lập tự áp đặt ở những người trẻ tuổi không chỉ do các quy tắc cứng nhắc của trường học. Theo Giám đốc Văn phòng Chính sách về Cô đơn và Cô lập Hideaki Matsugi (Nhật Bản), một “bước ngoặt” xảy ra khi những người trẻ tuổi tốt nghiệp, chuyển ra ở riêng và xa rời tình bạn ở trường. Dù có thể họ vẫn duy trì tình bạn, nhưng người bạn tâm giao thân thiết rất hiếm.
Seigo Miyazaki, 34 tuổi, cảm thấy rằng bạn bè của anh sẽ không hiểu được những khó khăn, ngay cả khi anh cố gắng giải thích. Mẹ anh mắc bệnh teo cơ đa hệ thống. Khi chị gái đi học đại học xa và cha bận rộn với công việc, anh là người chăm sóc mẹ từ năm 15 tuổi. Phần lớn do trách nhiệm chăm sóc mẹ của mình, anh đã hoãn việc học lên cao và cắt đứt liên lạc với những người bạn thời thơ ấu, kể cả bạn gái.
Điều này phản ánh một khía cạnh độc đáo của văn hóa Nhật Bản, nơi mọi người được dạy phải giữ mình. Theo Giáo sư xã hội học Mitsunori Ishida của Đại học Waseda, người trẻ tuổi có xu hướng tránh tham gia vào các nhóm, vì sợ những phức tạp của các tình huống xa lạ hoặc gánh nặng phải đối mặt với vấn đề tiềm ẩn.
Tránh làm phiền người khác là một chuẩn mực xã hội ngầm ở Nhật Bản. Do đó, khi mọi người cảm thấy có thể gây bất tiện, họ thường rút lui khỏi các vòng tròn xã hội, tránh tham gia sâu hơn.
Hôn nhân cũng không phải là phương thuốc chữa bách bệnh cho sự cô đơn, đặc biệt là đối với phụ nữ. Giáo sư Saito cho biết, nhiều phụ nữ Nhật Bản vẫn được kỳ vọng trở thành bà nội trợ sau khi kết hôn, hạn chế các tương tác xã hội bên ngoài.
Thoát khỏi vòng lặp của sự cô đơn
Vấn đề là, cảm giác cô đơn có thể leo thang thành các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần phân biệt giữa sự cô đơn tạm thời và cô đơn mãn tính, một tình trạng được đánh dấu bằng cảm giác cô lập dai dẳng và cảm giác không được thuộc về. Trợ lý Giáo sư về sức khỏe cộng đồng Roseline Yong tại Đại học Akita, cảnh báo: “Nó sẽ ăn mòn lòng tự trọng của bạn” và “đó là sự cô đơn sẽ giết chết bạn”.
Một nghiên cứu năm 2021 phát hiện, so với khó khăn kinh tế hoặc sự cô lập xã hội liên quan đến đại dịch, sự cô đơn có tác động mạnh hơn đến những ý nghĩ tự tử. Điều này cũng có thể tự duy trì và dẫn đến những hành vi hoặc suy nghĩ thúc đẩy sự cô lập hơn nữa, một chu kỳ mà các nhà tâm lý học gọi là vòng lặp cô đơn.
Trên hết, có một sự kỳ thị đối với việc tìm kiếm sự giúp đỡ cho các vấn đề sức khỏe tâm thần ở Nhật Bản. Bà Hayashi là một hikikomori hơn 2 thập kỷ trước, khi đường dây nóng hỗ trợ hầu như không tồn tại, chưa kể đến những người hiểu được hoàn cảnh của bà, do đó bà chưa bao giờ nghĩ đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ.
Sau khi bà đi khắp các phòng khám sức khỏe tâm thần ở độ tuổi 20, tình trạng thể chất và tinh thần của bà cuối cùng đã được cải thiện và cảm thấy mình không đơn độc.
Con đường phục hồi của những hikikomori ở Nhật Bản rất khó khăn, nhưng mọi thứ đang thay đổi. Bà Hayashi là một phần của sự thay đổi khi giúp lãnh đạo Hikikomori UX Kaigi - một nhóm hỗ trợ giúp mọi người kết nối và chia sẻ câu chuyện của mình.
Những tổ chức như Hikikomori UX Kaigi cho rằng, phù hợp với mục tiêu đã nêu của chính phủ là tạo ra một xã hội nơi sự hỗ trợ và cộng đồng dễ dàng tiếp cận. Ngày 1/4, Nhật Bản ban hành luật coi “sự cô đơn và cô lập” là vấn đề xã hội, yêu cầu chính quyền địa phương thành lập các nhóm hỗ trợ cho những người có nhu cầu.
Một số người ở khu vực thành thị đã tự giải quyết vấn đề bằng cách trở về quê hương ở nông thôn. Vùng nông thôn có thể mang lại cảm giác thân thuộc hơn và khiến họ có cảm giác “như ở nhà”.