Theo các chuyên gia về giáo dục nghề nghiệp, 2 nguyên nhân cơ bản gây thất nghiệp là thiếu hụt chỗ làm và sự không phù hợp giữa cơ cấu đào tạo và nhu cầu nhân lực.
Ra trường 3 năm vẫn thất nghiệp
Nhiều bạn trẻ sau khi ra trường không xác định được nhu cầu và năng lực của bản thân, “đứng núi này trông núi nọ” nên mãi vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với mình. Anh L.T.T. (31 tuổi, tỉnh Lâm Đồng) tốt nghiệp loại khá ngành công nghệ thông tin một trường cao đẳng nghề tại TPHCM.
Anh T. nghĩ rằng sau 3 năm học có thể có một công việc với mức lương ổn định để phụ giúp gia đình. Nhưng sau nhiều năm anh T. vẫn chật vật vì không xác định được nhu cầu của bản thân và doanh nghiệp tuyển dụng.
“Sự bất đồng về quan điểm nghề nghiệp, mức lương, chế độ đãi ngộ khiến một người đầy nhiệt huyết bỗng nản chí, 2 tháng tôi lại nhảy việc một lần. Mãi 3 năm sau, khi cảm thấy quá mệt mỏi, nhà lại có vườn nên tôi quyết định về quê trồng rau, nuôi cá. Tôi chỉ thấy tiếc vì nếu thời gian học, trường có tổ chức kết nối các đơn vị doanh nghiệp nhiều hơn sẽ giúp chúng tôi định hướng và không phải loay hoay mãi sau khi ra trường”, anh T. chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ, chị P.T.M.L. (25 tuổi, Hà Tĩnh) ra trường 3 năm, nhưng tới thời điểm hiện tại, chị L. vẫn muốn “nhảy việc”. Chị L. tốt nghiệp ngành văn học, nhưng lại rẽ hướng qua làm truyền thông theo định hướng của gia đình. Dù biết bản thân có thể cố gắng, cũng là điều gia đình mong muốn nên 3 năm nay, đã nhiều lần chị muốn nghỉ việc để mở một tiệm bánh nhỏ, nhưng vẫn chưa dám.
“Với mức lương hiện tại, tôi vẫn chưa thể tự nuôi bản thân mà phải dựa vào chị gái. Giờ nghỉ việc thì cha mẹ buồn, chị gái không chu cấp, cũng chẳng thực hiện được ước mơ của mình. Nói chung, bản thân tôi cũng không xác định được là bây giờ mình thích gì và muốn làm gì để có thể có một tương lai tốt sau này”, chị L. tâm sự.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhận định, nguyên nhân thất nghiệp cốt lõi do vấn đề đào tạo nghề, kỹ năng nghề, dự báo nhu cầu, phân bổ nguồn nhân lực và các chính sách thu hút, sử dụng lao động còn mất cân đối, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế kinh tế - xã hội.
Chúng ta cần những chiến lược, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh tương lai việc làm. Song song đó, việc phát triển kỹ năng và học tập suốt đời là một trong những trụ cột chính.
Ngoài ra, chú trọng dự đoán nhu cầu kỹ năng (cho hiện tại và tương lai) - hướng tới phương pháp tiếp cận theo ngành; tăng cường phát triển các kỹ năng cốt lõi cho người lao động; rà soát và cải tiến hệ thống và chính sách về học tập suốt đời để thúc đẩy cách tiếp cận giáo dục nghề nghiệp theo vòng đời; tăng cường học tập tại nơi làm việc, đặc biệt là học nghề/học việc tại doanh nghiệp.
Tích cực gắn kết, tổ chức đào tạo, tái đào tạo
Tại Việt Nam, vấn đề thất nghiệp được nhiều cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia phân tích, đánh giá rút ra được một số nguyên nhân chủ quan và khách quan. Từ đó, nếu giữa nhà trường và doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ sẽ giúp sinh viên, học sinh hiểu được thị trường lao động, có sự lựa chọn phù hợp hơn cho việc làm, phấn đấu để ổn định cho công việc lâu dài. Tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên sau ra trường sẽ giảm đáng kể.
Theo chuyên gia dự báo nhân lực, các trường đào tạo nghề (đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề) cần tích cực gắn kết với doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo, tái đào tạo cho người lao động được thực hành, thực tập, trải nghiệm và học hỏi. Điều này sẽ giúp sinh viên, học sinh hiểu được thị trường lao động, có sự lựa chọn phù hợp hơn cho việc làm, phấn đấu ổn định công việc lâu dài hơn.
Qua đào tạo nghề sẽ góp phần hình thành, tăng cường chất lượng hoạt động của các trung tâm, câu lạc bộ quan hệ doanh nghiệp, các trường đào tạo nghề… để làm tốt vai trò cầu nối giữa đào tạo và sử dụng lao động, giúp khôi phục thị trường lao động. Việc đưa các chương trình phát triển giáo dục và một số các loại hình khoa học - công nghệ nhằm nâng cao cơ sở vật chất, đồ dùng, thực hành, nghiên cứu giúp sinh viên, học sinh có cơ hội học tập tốt hơn.
Theo chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn, việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả là giải pháp nhằm tăng cường gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo. Việc này giúp phát triển nhân lực cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và trình độ khoa học - công nghệ cao, có kỹ năng nghề và giải quyết việc làm cho người học.
Do đó, các chương trình đào tạo có tính chuyên môn cao trong lĩnh vực nhất định sẽ đáp ứng được tính liên ngành (công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng, kiến thức chuyên ngành) và các kỹ năng khác, như: Khả năng suy nghĩ hệ thống, khả năng tổng hợp, khả năng liên kết giữa thế giới thực và ảo, khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác liên ngành.
“Với điều kiện phát triển không ngừng của xã hội, việc đòi hỏi kiến thức về công nghệ thay đổi rất nhanh, cần trang bị cách thức tự học và ý thức học tập suốt đời càng quan trọng hơn kiến thức của chương trình đào tạo.
Thực tế, trong bối cảnh hiện nay, khi các ngành nghề thay đổi rất nhanh, người học cần xác định tinh thần sẵn sàng thích nghi trong các bối cảnh mới, hiện đại, chuyên nghiệp… để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh lao động, linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo báo cáo thị trường lao động quý III/2023 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong quý III tập trung vào nhóm lao động có mức lương 10 - 15 triệu đồng (cần gần 24.000 chỗ làm việc, chiếm gần 34,3%).
Đứng thứ 2 là nhóm lao động có mức lương 15 - 20 triệu đồng với nhu cầu hơn 18.500 chỗ làm việc, chiếm gần 26,5%.
Thứ 3 là nhóm lao động có mức lương 5 - 10 triệu đồng với nhu cầu gần 15.700 chỗ làm việc, chiếm hơn 22,4%. Thứ 4 là nhóm lao động cao cấp có mức lương trên 20 triệu đồng với hơn 10.300 chỗ làm việc, chiếm gần 14,8%.
Nhu cầu ít nhất thuộc nhóm lao động phổ thông, có mức lương dưới 5 triệu đồng với gần 1.500 chỗ làm việc, chiếm khoảng 2%.