Xứ Huế da diết yêu thương trong trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường

GD&TĐ - Ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết nhiều vùng đất khác nhau, song người đọc vẫn ấn tượng nhất là những trang viết về Huế.

Sông Hương, cầu Trường Tiền ở Huế. Ảnh minh họa: INT.
Sông Hương, cầu Trường Tiền ở Huế. Ảnh minh họa: INT.

Huế của những ngôi nhà vườn xinh xắn, Huế của dòng sông Hương thơ mộng, Huế của lăng tẩm hoàng cung, của tiếng dạ tiếng thưa ngọt lịm… trở thành miền sâu thẳm da diết vọng âm trong tâm thức và trong tác phẩm văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Đi về trong dòng chảy cảm xúc

Xa Huế lâu ngày, nếu chưa về Huế được, bao giờ ông cũng đau đáu nỗi niềm. Nhớ có lần, ông nói với bạn thơ xứ Huế rằng, mình mà xa Huế lâu không chịu được mô. Chính tình cảm ấy thôi thúc ông viết về Huế, cảm hứng về vùng núi Ngự sông Hương cứ dạt dào tuôn chảy.

Điểm ra một số tác phẩm viết về Huế như “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu”, “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, “Hoa trái quanh tôi”, “Huế - di tích và con người”, “Ngọn núi ảo ảnh” và ngay cả tập sách cuối cùng mang tên “Lời tạ từ gửi một dòng sông” mà ông dành cho Huế… cũng đủ thấy Hoàng Phủ “ưu ái” vùng đất này đến nhường nào.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - người gần gũi với Hoàng Phủ Ngọc Tường - từng ví ông là kho tư liệu sống về Huế: “Ông thích tụ tập bạn bè, giao lưu. Ông nói chuyện duyên dáng, sâu sắc, giúp các bạn văn mở mang, có thêm nhiều thông tin về văn hóa, lịch sử, con người nơi đây”.

Mỗi nghệ sĩ thường có duyên với một vùng đất, một đề tài. Và chính cái tình yêu không thể cân, đong, đo, đếm đó “phả” vào trang văn, trang thơ, qua những kí họa khiến cho miền đất ấy được nhiều người biết đến, thấu hiểu và rung cảm mãnh liệt.

Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Huế đã đi về trong dòng chảy cảm xúc vừa mênh mang, vừa sâu đậm, da diết, khắc khoải. Cỏ cây, hoa lá; đất và người cố đô đã đi vào trang văn của ông mà làm nên nét riêng, giọng riêng, phong cách riêng, nói như tác giả Phạm Xuân Nguyên: “Đặc biệt, văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường đậm chất Huế: Từ phong cảnh, con người, đến lịch sử, văn hóa ở vùng đất này nên rất hấp dẫn”.

Gắn bó với Huế từ ngày ngày ấu thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường yêu lắm con đường Nguyễn Trường Tộ, nơi hằng ngày gia đình ông đi, về; yêu những ngọn núi dòng sông; yêu điệu hò, câu ca vương bóng thời gian… Nghĩa là yêu tất cả tâm hồn, diện mạo Huế.

Nhà văn Tô Hoài có lần chia sẻ: “Nếu có thể so sánh, thì tôi nghĩ rằng Sơn Nam thuộc đến ngóc ngách những sự tích xưa sau của Sài Gòn - Bến Nghé, tôi thì nhớ được ít nhiều tên phố, tên làng vùng Hà Nội. Hoàng Phủ Ngọc Tường thì trầm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời, sông nước của Huế”.

Trong gia tài văn chương mà Hoàng Phủ Ngọc Tường để lại cho đời, phải kể đến thể loại bút ký. Với hơn 10 tác phẩm bút ký đã khẳng định được hành trình lao động say mê, miệt mài, nghiêm túc của ông.

Gắn bó với Huế gần trọn cuộc đời nên những bài ký hay nhất của nhà văn lại là những bài viết về thiên nhiên, con người và văn hóa Huế.

Nét đặc sắc trong những tác phẩm ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí… Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm, tài hoa.

Cái duyên riêng ấy của ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường rất phù hợp khi viết về Huế. Chảy vào trang ký của ông là một xứ Huế cổ kính, trầm tư; một Huế dịu dàng, sâu đằm được đắp bồi phù sa văn hóa kinh kì tự ngàn xưa.

Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng: “Hình như khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế không bộc lộ cái ham muốn chế ngự thiên nhiên theo cách người Hy Lạp và người La Mã, mà chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hóa để có thể tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người, cả bên ngoài và bên trong”.

Trong bút kí Hoa trái quanh tôi, ông viết: “Mùa xuân lên vườn An Hiên, đầu óc tôi không còn muốn bận bịu gì, để buông mình giữa cuộc sống sôi động của cây cối.

Sau Tết trở đi, mọi cây lớn trong thành phố nối tiếp nhau rụng lá, thì chính trong khu vườn này, tôi mới cảm nhận hết cái sức sống kỳ diệu của “Người Mẹ Tạo Vật”. Từ mặt đất ướt lạnh và quạnh hiu kia, mùa Xuân chợt đánh thức dậy cả một thế giới lộng lẫy, rạo rực, như một khúc múa rối loạn xiêm áo.

Vườn An Hiên trồng nhiều hoa, mỗi thứ một ít (...) dân dã có các loại nhài, lý, thạch lựu, mặt trời, tường vi và các giống hồng bản địa; quý phái như các loại thổ lan và phong lan; và bên cạnh những khóm hồng hiện đại nhập giống từ các hãng vườn Gaujard và Meilland ở châu Âu, người ta còn có thể nhìn thấy một bụi hoa sim dại”.

Sự quan sát tinh nhạy đó xuất phát từ cái tình mà ông dành cho Huế. Hóa hồn mình vào mà viết, viết bằng tất cả sự thấu hiểu tâm hồn Huế và tình cảm thiêng liêng dành riêng cho vùng đất thơ này.

Đỉnh Bạch Mã và khu vực Vọng Hải Đài. Ảnh minh họa: INT.

Đỉnh Bạch Mã và khu vực Vọng Hải Đài. Ảnh minh họa: INT.

Những suy ngẫm sâu sắc, thâm trầm

Trong Huế, di tích và con người, Hoàng Phủ Ngọc Tường suy tư rằng: “Những thành phố văn hóa đều cúi nhìn quá khứ của mình trên những di tích. Chính là nhờ biết nhìn các di tích bằng đôi mắt chăm chú, con người có thể sống lại chuỗi thời gian xa xăm đầy những biến cố kỳ lạ đã dệt thành tấm vải vĩnh hằng của hiện hữu gọi là lịch sử; con người hưởng thụ được những hoa văn rực rỡ của trí tuệ - gọi là cái Đẹp; tiếp thu những kinh nghiệm sống quý báu mà những thế hệ xa xưa đã tạo nên, gọi là văn hóa”…

Những thành phố văn hóa mà ông nhắc đến có thành phố Huế xinh đẹp. Điều đó cho thấy, viết về Huế, bao giờ Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng thể hiện cái nhìn chăm chú, những suy ngẫm sâu sắc, thâm trầm; những kiến giải uyên bác, trí tuệ.

Trong số 14 bài tùy bút - bút ký của tập sách “Ngọn núi ảo ảnh” thì bài “Ngọn núi ảo ảnh” thật sự để lại tình cảm và ấn tượng sâu đậm trong nhiều bạn đọc. Viết về ngọn núi Bạch Mã (ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bằng giọng văn vừa lắng sâu vừa trang trọng.

Nhà thơ Hoàng Cát đọc “Ngọn núi ảo ảnh” đã có những cảm nhận sâu sắc: “Đối với tôi, những năm trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Thừa Thiên – Huế tôi đã nhiều lần được đi qua đỉnh núi Bạch Mã, trong đó có một lần đã vượt qua đỉnh chót vót của Bạch Mã thần tiên.

Do vậy, giờ đây đọc lại những trang tùy bút phóng sự - bút ký xen lẫn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tôi càng thấy bài viết của ông là hay vô cùng. Đúng, Tổ quốc ta có những tiềm năng về cái giàu, cái đẹp trời cho mà hiện nay ta chưa biết nâng niu và khai thác, đặng phục vụ cho con người.

Núi Bạch Mã không chỉ là một cảnh quan thiên nhiên ban tặng cho Thừa Thiên – Huế mà nó còn là niềm kiêu hãnh cho mọi người Việt Nam chân chính. Theo với biến thiên, thăng trầm và sóng gió của lịch sử “Ngọn núi ảo ảnh” cũng cùng chung chịu biết bao điều buồn vui cay đắng...

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thả hồn mình vào những trang văn xuôi cuồn cuộn chất trữ tình trong áng văn có thể nói là tuyệt bút này. Tôi tin rằng, ai đọc đến “Ngọn núi ảo ảnh” thì ít nhất cũng sẽ nảy sinh một khát khao: Một lần được đặt chân tới Bạch Mã, để mà ngắm, để mà yêu bằng cả tâm hồn và cảm giác, mảnh đất này của đất nước chúng ta”.

Nói đến tấm lòng, tình yêu dành trọn cho Huế của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phải kể đến tác phẩm bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, mà đặc biệt là bài bút kí xuất sắc “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” viết tại Huế, ngày 4/1/1981 được chọn đưa vào trong chương trình Ngữ văn 12 từ nhiều năm nay.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng tâm sự: “Trong việc đi lại hằng ngày, tôi có dịp tiếp xúc với sông Hương và thấy tận mắt những biến ảo trên từng đoạn của nó. Tất cả có thể vẽ thành một dòng sông nguyên vẹn nếu như chắp nối từng đoạn ấy với nhau.

Trước 1975, có một lần tôi tôi đứng nhìn sông Hương trên cầu Trường Tiền. Mặt sông Hương bằng phẳng, toả rộng ra và trôi vào bóng tối; có đôi chỗ phập phồng trong làn gió nhẹ như một tà áo lụa và cứ trùng trình như tâm trạng đi không đành trong tình yêu của con sông đối với kinh thành. Tất cả vẻ đẹp ấy cứ vang lên trong tâm hồn tôi thành một nốt nhạc của tình khúc...

Tôi chợt nảy ra một ý định tái hiện lại cái khoảnh khắc kỳ ảo ấy của sông Hương. Đó là một lời hứa với dòng sông mà chừng nào chưa thực hiện được thì lòng tôi vẫn băn khoăn, day dứt khôn nguôi”. Và có lẽ nhà văn đã thực hiện lời hứa với dòng sông mà ông vô cùng yêu quý này bằng bài bút kí đặc sắc “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

Nét đặc sắc của bài kí này là con sông Hương được nhà văn miêu tả, cảm nhận, khám phá trên nhiều phương diện, góc nhìn khác nhau: Địa lý, lịch sử, văn hóa… giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp phong phú nhiều mặt của dòng sông thuộc về một thành phố duy nhất này.

Dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương hiện lên sinh động với các đặc điểm, dáng điệu riêng, không thể nhầm lẫn với bất kì dòng sông nào chảy trong trang sách của biết bao văn nhân nghệ sĩ.

Bằng vốn hiểu biết sâu rộng, bằng tâm hồn nhạy cảm cộng với quá trình lao động chữ nghĩa nghiêm túc, Hoàng Phủ Ngọc Tường đem đến cho bạn đọc cái nhìn mê say trước vẻ đẹp cảnh sắc tự nhiên, văn hóa, lịch sử của một dòng sông chảy giữa lòng cố đô, trầm tích trong đó dấu ấn bao thăng trầm lịch sử.

Với ông, sông Hương là người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở; là tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya; là người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại; là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc.

Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về sông Hương bằng tất cả tâm cảm, trí tuệ và niềm say mê của mình. Với những câu văn mềm mại, giàu chất thơ, chất trữ tình dịu ngọt, bằng sự quan sát tinh nhạy, sự liên tưởng phong phú, lãng mạn, tài hoa… nhà văn đã thật sự dẫn người đọc không rời mắt khi đi từ thượng nguồn đến hạ lưu dòng sông ấy.

Theo thủy trình đó, ta được nghe những lời tự sự ấm áp, ngọt ngào về hình hài, cốt cách và cả những trầm tích văn hóa Huế của dòng sông. Đó là lời tự tình của một dòng sông hay những yêu thương gửi lại cho Huế theo tháng theo năm.

Ông viết về sông Hương bằng cái tôi đầy nội cảm với một thái độ trân trọng và một tình yêu thiết tha, mê đắm.

Viết về dòng sông ấy đoạn chảy ngang qua lòng thành phố, những câu văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường thật sự xuất thần, thăng hoa, níu giữ thật sâu tâm hồn bạn đọc: “Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của những vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non.

Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Và như vậy, giống như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét; sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình; Huế trong tổng thể vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ, trải dọc hai bờ sông. Đầu và cuối ngõ thành phố, những nhánh sông đào mang nước sông Hương toả đi khắp phố thị, với những cây đa, cây cừa cổ thụ toả vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được”.

Đọc “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, nhà thơ, nhà phê bình văn học Mai Văn Hoan khẳng định: “Sông Hương như một cô gái đẹp được nhiều người say mê. Một trong những người tình tri kỷ và thuỷ chung với sông Hương chính là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Có thể xem thiên bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là “tiếng lòng” của nhà văn dâng tặng cho Huế. Với những trang văn rất tài hoa này, nhà văn đã khái quát khá đầy đủ vẻ đẹp thiên nhiên Huế, văn hoá Huế, con người Huế một cách sinh động; vừa giàu chất trí tuệ, vừa giàu chất thơ”.

Huế là nơi nhà văn đã “sống một đời công dân và một cuộc đời riêng tư”. Vì lẽ đó, trong lời đề từ tập sách cuối cùng mang tên “Lời tạ từ gửi một dòng sông”, ra mắt năm 2016, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Cuốn sách nhỏ này có thể xem là lời tạ từ của tác giả gửi một dòng sông và dòng chảy của nó xuyên qua mọi bờ bến. Quả là tập bút ký này có hay có dở nhưng cuối cùng cũng là tâm huyết của tôi gửi lại cho bạn đọc”.

Giờ, nhà văn yêu Huế thiết tha đã về ngủ dưới khung trời cỏ hoa. Trước khi đi về miền cỏ hoa, ông vẫn hằng tâm nguyện được trở về an nghỉ ở Huế. Theo ước nguyện, mộ của vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ được đặt tại Nghĩa trang phía Bắc thành phố Huế, cách dòng Hương khoảng 2 km.

Vậy là từ đây, “người ham chơi” đã trở về cùng hoa trái quanh tôi để mãi mãi tự tình, thì thầm với linh hồn sông nước quê hương mà ông chung thủy suốt một đời.

Quê gốc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, song nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ra và lớn lên ở thành phố Huế. Ông học tại Huế hết bậc trung học, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1960 và Trường Đại học Huế năm 1966, từng dạy ở Trường Quốc Học Huế 4 năm. Sau khi về hưu, vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ sống ở Huế…

Với ông, Huế đã trở thành vùng đất gắn bó nặng sâu, miền đất thiêng, nơi để thương để nhớ trong tâm hồn da diết yêu thương. Vì lẽ đó, Huế trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ