Viết về mưa Huế có cả một dàn “đồng ca” đa điệu: chân quê, buồn chán như Nguyễn Bính; mơ màng, man mác như Đoàn Phú Tứ, Lưu Trọng Lư; da diết, ngậm ngùi như Tố Hữu; sâu lắng, mãnh liệt như Hải Bằng, Phùng Quán; đau đáu, khắc khoải như Thu Bồn; ai hoài, tha thiết như Nguyễn Duy... Tất cả đã làm nên một giai điệu mưa buồn mà đẹp đến nao lòng làm xao xuyến trái tim người đọc bao thế hệ.
Khi thi sĩ “rung lên khúc nhạc” lòng cũng là lúc họ đã truyền lửa cho người đọc cùng tấu lên “bản hợp xướng” đồng sáng tạo với thi sĩ. Nói cách khác người đọc hưởng thụ và nhà thơ “truyền lan sinh lực” ấy. Thơ giống như như tình yêu, thi sĩ là cung nữ thả bài thơ “lá thắm”, người vớt lá là đệ tử-bạn đọc...
Nguyễn Bính không phải là người khai sinh ra dòng thơ mưa Huế nhưng lại là người viết về mưa Huế ấn tượng nhất và được nhiều người biết đến nhất.
“Giời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày
Thềm cũ nao nao đàn kiến đói
Giời mờ ngao ngán một loài mây
...
Giời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày”
Điệp khúc “giời mưa ở Huế” vừa diễn tả cơn mưa dai dẳng, triền miên, lê thê vừa bộc lộ nỗi buồn chán ngán trước một không gian tù đọng, ẩm ướt, quẩn quanh của một thi sĩ tha hương khao khát xê dịch phải “nằm mốc” ở Huế.
Huế vốn đã buồn, những lúc mưa lại càng buồn hơn! Mưa trắng trời trắng đất, mưa quây kín lối về, mưa rả rích dầm dề “ngày qua ngày lại qua ngày”.
“Buồn sao da diết thế Huế ơi
Mây xám giăng giăng phủ kín trời
Vĩ Dạ sụt sùi thân chiếc bóng
Kim Long rầu rỉ phận đơn côi”
(Phạm Văn Dương)
Hai câu cuối đối nhau rất chuẩn: sụt sùi - rầu rỉ/ thân chiếc bóng- phận đơn côi, cực tả nỗi đau xé lòng... Những cơn mưa như thể không bao giờ dứt. Nỗi buồn trong lòng cứ thấm dần, thấm lặng lẽ trong u buồn như mưa Huế. Như tình yêu vốn vậy. Hễ “hứng lấy là tràn ra nỗi buồn”. Cảm nhận của nhà thơ Bạch Diệp thật thấm thía:
“Ở đây những ngày mưa quá dài
Nên kỷ niệm cứ như mưa quanh quẩn
Theo ta không dứt
Phố nhỏ như bàn tay nhỏ
Hứng lấy là tràn ra nỗi buồn”
Nhìn mưa rơi mà buồn, nhìn phố vắng mà buồn. Mưa chạm vào nỗi nhớ, mưa cứa sâu vào nỗi đau thân phận, mưa xáo trộn nhịp sống của người dân gánh nặng mưu sinh...Thấu cảm nỗi niềm này, Trần Đăng Kiến đã thốt lên:
“Mùa này thương lắm cố đô ơi!...
Thành nội rêu buồn mưa vẫn rơi...”
Rêu buồn hay người buồn? Nỗi buồn từ lòng người chảy tràn ra cảnh vật. Câu thơ giàu sức nén nội tâm.
Điều đáng nói là mưa Huế buồn nhưng không bi luỵ mà đã làm nên sự bình yên và thần thái Huế. Với Trịnh Công Sơn, chính mưa đã làm nên những ca khúc ngọt ngào: Diễm xưa, Hạ trắng, Ướt mi… để đời.
Có lúc chỉ “một ngày mưa” mà Từ Đức Khoát đã tạo hình được một ngọn núi tuyết trắng xoá tuyệt đẹp:
“Nhớ mãi trong lòng xứ Huế ơi!
Mưa giăng núi Ngự trắng khung trời”
Mưa như khói toả lan thành Huế. Mưa tuôn sợi thương sợi nhớ xuống dòng Hương. Mưa theo gió cuốn “trời trôi”:
“Tràng Tiền đẹp lắm Huế thương ơi
Núi Ngự sông Hương bụi trắng trời
Bỗng chốc mây kia bay khắp nẻo
Để rồi mưa gió cuốn trời trôi”
(Phạm Đình Nhân)
Nhiều lúc mưa chỉ là cái cớ để thi sĩ giãi bày niềm đau, nỗi âu lo và cả chút hy vọng mong manh:
“Vẫn biết em không còn ở Huế
Trái tim anh vẫn vỗ về
Lời thề mỏng như sương khói
Lòng mưa xứ Huế trắng trời”
(Cù Tiến Tuất)
Giai điệu mưa “trắng trời” một lần nữa lại hiện về trong “Nước non ngàn dặm” của nhà thơ Tố Hữu:
“Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”
Điệp phụ âm (m, x, t) ở câu cuối vừa diễn tả những cơn mưa dữ dội, triền miên vừa nói lên tâm trạng day dứt, ngậm ngùi của nhà thơ.
Mưa Huế còn khơi gợi niềm trắc ẩn, yêu thương cháy khát. Phùng Quán muốn mỗi cơn mưa phải “xối xả những nơi nào em đã đặt chân” và khát khao được “tan thành những cơn mưa Huế”. Nguyễn Duy - người thổi hồn cho rơm rạ lại tìm em trong Huế chiều mưa
“Tôi về xứ Huế mưa sa
Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa
Tôi về xứ Huế chiều mưa
Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu”
Điệp ngữ “em ơi...” sao mà yêu thương mà trìu mến, sao mà thiết tha đến vậy. Em ở đâu ở đâu trong mênh mông xứ Huế chiều mưa. Âm hưởng bâng khuâng, nuối tiếc, tội nghiệp khiến ta nghĩ đến câu thơ tuyệt bút của Xuân Diệu - ông hoàng của tình yêu: “Em đã giết hồn non trên trang giấy/Mưa đầy trời hôm ấy phủ sơn khê”.
Lời yêu chưa kịp ngỏ đâu dám trách ai, chỉ tự dằn vặt mình trong âm thầm lặng lẽ. Giờ đây tất cả đã thành quá khứ thành hoài niệm “ngày xưa”... Bùi Thị Chi mỗi lần ngắm mưa rơi là mỗi lần “chạm vào kí ức lòng nhớ”, để rồi “em hứng mưa không nắm được hạt nào”, thôi đành để “giọt mưa rơi ướt mi-ngỡ ai về thủ thỉ”.
Cù Tiến Tuất không là người Huế nhưng lại là một người có tình yêu sâu nặng với Huế và luôn da diết, đau một nỗi niềm:
“Huế ngoài này mưa vẫn cũ
Chỉ có tình yêu chẳng chịu già”
Mưa thì muôn đời vẫn thế mà tình yêu thì trẻ mãi không già bởi được nuôi dưỡng bằng những rung động vi diệu của tâm hồn , bằng “rượu nơi mắt và gấm ở trong lòng” nên:
“Em tôi ngày ấy
Bây giờ vẫn xưa
Những cơn mưa hạ
Ve kêu cháy trời”
Thi sĩ làm xiếc về ngôn từ. “Ngày ấy-bây giờ-vẫn xưa”, em vẫn là mùa hạ thủa khai nguyên, vẫn là hằng số không đổi... Cho dù “mưa Huế có bẫy giăng ngoài phố xá” thì lòng anh vẫn “nhớ em tím đẫm hạt mưa già”. “Nhớ tím đẫm, “hạt mưa già” là cách nói lệch chuẩn mở ra nhiều tầng nghĩa: yêu là nhớ, là khát khao thuỷ chung, là phải gần, phải nói, để “nỗi nhớ xa vẫn rất mới mỗi ngày”. Cũng với nỗi niềm ấy Trịnh Công Sơn đã mỏi mòn chờ đợi một bóng dáng dấu yêu mà chẳng bao giờ tới sân ga hạnh phúc:
“Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau hằn lên nỗi đau”
Thu Bồn cũng bộc bạch một “nỗi đau ngọt ngào”:
“Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ trong mơ
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng nhầm em với cố đô”
Có một sự khác biệt giữa “em” và “cố đô”. Cố đô mưa nhiều, độ ẩm cao nên không gian mờ ảo, bàng bạc trong sương khói thời gian. Còn “em” là “thực”, là hiện hữu, luôn là nỗi ám ảnh, khắc khoải để “anh trở về hoá đá phía bên kia”...