Xóm dớn miền Tây

GD&TĐ - Là một trong những nghề phổ biến của cư dân miền Tây, đặt dớn đánh bắt thủy sản có từ rất lâu đời. Đặc biệt, khi mùa nước nổi về, ở những cánh đồng mênh mông vùng biên giới còn hình thành cả những xóm dớn, tập trung nhiều người ở các địa phương khác tìm tới mưu sinh.

Một xóm dớn nhỏ bé ở Tân Công Chí
Một xóm dớn nhỏ bé ở Tân Công Chí

Xóm ghe trên đồng nước

Gần tuyến đường nhỏ dẫn lên vùng biên giới Tân Công Chí, Thông Bình (tỉnh Đồng Tháp) những ngày này có hàng chục chiếc ghe nhỏ với mái che luôn đậu nơi mênh mông đồng nước. Và để tránh sóng và gió làm trôi giạt, chúng được buộc lại với nhau, rồi neo vào mấy cây cừ tràm. Thế là hình thành một xóm ghe nho nhỏ làm nghề đóng dớn ở vùng biên giới hẻo lánh này. Đây là hình ảnh quen thuộc của miệt đồng bằng châu thổ sông Cửu Long suốt hàng trăm năm qua.

Anh Nguyễn Văn Phương, 41 tuổi, chủ một ghe ở đây cho biết, cả xóm có 11 ghe đều là dân ở dưới Tam Nông, Tràm Chim lên. “Chúng tôi đều là dân đóng dớn. Nếu như ngày xưa, mùa nước nổi về thì ở miền Tây, nơi nào đóng dớn cũng được nhưng bây giờ, người ta đắp đê, ngăn nước khiến nhiều cánh đồng không có nước, chứ đừng nói nước nổi.

Để đóng dớn, chúng tôi phải tìm tới những cánh đồng vùng biên giới xa xôi này. Cách đây gần một tháng, mấy anh em đã gọi điện thoại, hẹn nhau lên đây. Mỗi ghe chuẩn bị từ 10 đến 15 bộ dớn rồi chia nhau ra trên đồng nước mênh mông, mỗi người một khoảnh. Mặc dù ghe thì neo cạnh nhau để tiện sinh hoạt ăn uống và bán sản phẩm nhưng dớn thì có người đóng ở Tân Công Chí, có người chạy về Sa Rài hay Bình Phú, cách nhau cả chục cây số. Vậy nên lâu lâu người trong xóm mới chạm mặt nhau”, anh cười kể.

Bước xuống chiếc ghe nhỏ có tấm lợp nhưng che chắn khá tạm bợ, là nơi sinh hoạt của gia đình anh Phương trong chừng 3-4 tháng mùa nước nổi, chúng tôi thấy mọi thứ như chênh vênh mỗi khi có con sóng vỗ vào. Như hiểu tâm trạng chúng tôi, anh Phương bảo, với người lạ, sống trên ghe thì khó khăn chứ như anh, mùa nước mà không ở trên ghe, không đi đóng dớn là không chịu được.

“Như ghe phía cuối xóm là của ông Lập, người bên Trường Xuân (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp). Ông năm nay đã hơn 50 tuổi, thường đi làm hồ trên Cai Lậy, Cái Bè nhưng cứ nghe tin con nước về là ổng bỏ việc, vá lưới đi đóng dớn. Mà cái nghề đóng dớn cực lắm, lại bấp bênh, hôm có hôm không, nhưng nhiều người vẫn mê, vẫn thích như vậy đó”, anh cười kể thêm.

Đóng dớn trên đồng nước

Đóng dớn trên đồng nước

Cánh chim phiêu bạt

Tôi đã đi nhiều lần, qua nhiều cung đường, vùng đất của châu thổ sông Cửu Long vào mùa nước nổi và thấy rằng, hầu như ở đâu có nước là người dân miền Tây có đóng dớn. Dớn là loại ngư cụ rất phổ biến, chỉ cần một cái túi lưới dài chừng vài mét, tùy theo địa điểm mà đặt để “định hướng” đàn cá bơi vào. Túi thiết kế sao cho cá bơi vào nhưng không bơi ra được và thường khoảng 1-2 ngày, người ta chèo ghe tới chỗ đặt túi để gỡ dớn, lấy sản phẩm. Do đóng cố định ở mặt nước nên dớn hầu hết là của các cư dân sinh sống gần đó.

Tuy nhiên, những xóm dớn nhỏ bé mà tôi gặp ở những cánh đồng vùng biên giới hiện nay là những người đóng dớn “chuyên nghiệp”. Những cánh đồng, mặt nước gần nhà không đủ mang đến sinh kế nên họ phải tìm tới những nơi xa xôi, có nhiều thủy sản hơn. Nhất là khi mùa nước nổi tràn về, đâu đâu cũng có thể đóng dớn là nguyên nhân khiến nhiều xóm dớn mọc lên. Những cư dân ở xóm dớn thường tâm sự, cuộc sống của họ lênh đênh như những cánh chim di trú vậy. Có khi tuần này ở vùng Sa Rài, Tân Hồng nhưng tuần sau đã xuôi về Khánh Hưng, Thái Trị, rồi lại xuôi tiếp về Long Khốt, Bà Dài hay vòng xuống Tân Hưng, Vĩnh Đại, Láng Sen… Cứ nơi nào có đồng nước mênh mông là họ tới, bởi ở lâu một chỗ thì sẽ không đánh bắt được nhiều.

Nhìn những cánh đồng nước nổi ở vùng biên giới với những hàng cọc tràm tua tủa vươn lên, những tấm lưới màu xanh cùng mấy chiếc ghe mỏng manh là chúng tôi biết đó là thế giới của những người đóng dớn. Đồng nước mênh mông vậy nhưng sản phẩm của họ chỉ là những sản vật khá nhỏ bé, thường là cá linh, cá tạp, cá lăng…

 “Bây giờ nước mới về, ngư dân đã đổ xô đi đóng dớn, đặt lờ, giăng lưới hay kích điện… thì làm sao có cá to được. Biết là đánh bắt cá nhỏ như vậy sẽ không có hiệu quả kinh tế, làm cạn kiệt nguồn lợi nhưng không ai đủ kiên nhẫn đợi thêm một hai tháng nữa chờ chúng lớn. Phần vì ngư dân toàn người nghèo, cả năm trông mong con nước từng ngày để mưu sinh, phần vì nhiều người đánh bắt quá, nếu mình không đóng dớn thì người khác họ cũng đóng”, ông Lễ 65 tuổi, đang gỡ dớn ở xã Tân Công Sính (Tam Nông, Đồng Tháp) cười buồn kể.

Ông Lễ bảo, ông làm nghề đóng dớn đã hơn 50 năm nay trên những cánh đồng ở Hòa Bình, Phú Cường, Vĩnh Châu, Tân Công Sính… này. Vì quá mê nghề đóng dớn nên cứ mùa nước về, ông lại sắm sửa lưới, cọc đi tìm những nơi thuận lợi để thả. “Mình neo ghe, ăn ngủ hoài trên đồng nước mấy ngày mới về nhà một lần. Mặc dù chỉ bắt được cá nhỏ nhưng cá tôm khi đổ dớn không bị ngộp, bị chết như nghề đánh bắt khác, đổ tất cả vào khoang ghe, mấy ngày đem về cho vợ với con dâu đi bán. Cá linh, cá rô thì bán cho thương lái, cá khoai, cá trạch thì phơi khô, cá tạp thì làm mắm, cho cá lóc ăn… Mấy bữa này nước lớn lắm, cũng nhiều cá hơn chút đỉnh. Chỉ hai hôm mà tôi đổ được hơn bốn chục ký lô cá. Khoảng 5-7 năm rồi mới có năm nhiều cá như hiện nay”, ông kể thêm.

Đi đổ dớn ở Sa Rài

Đi đổ dớn ở Sa Rài

Trong những tháng ngày lang thang vùng biên giới mùa nước nổi, điều làm tôi cảm thấy ấn tượng nhất không chỉ là khung cảnh bao la êm đềm sông nước, mà còn là những xóm nhỏ tạm bợ, chênh vênh, nhỏ bé của những cư dân đóng dớn. Nghề dớn, đến bây giờ vẫn bị coi là một trong những nghề dành cho người nghèo, huống hồ những cư dân đóng dớn thường lang bạt, bất định. Cuộc sống của họ, trên đồng nước luôn bấp bênh và mong manh đến tội nghiệp. Nhưng cũng thật kỳ lạ, bao năm qua những xóm dớn đâu đó nơi vùng biên giới này vẫn tồn tại, vẫn có một sức sống mãnh liệt. Chỉ có điều, vì họ cứ mải mê đi tìm những cánh đồng xa xôi hẻo lánh nên nhiều khi người ta dường như quên mất những mảnh đời đóng dớn ấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ