Đây là những quả xoài đầu tiên ra đời với sự liên kết chặt chẽ của “3 nhà” ở địa phương này.
“3 nhà” liên kết trồng xoài
Năm 2018, huyện Mường Ảng bắt đầu thực hiện Dự án Liên kết sản xuất trong trồng và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới với 2 loại cây: Xoài Đài Loan và bưởi da xanh.
Ông Lù Văn Cường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: Dự án hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc cây trong 3 năm đầu và bao tiêu trong 5 năm. Tham gia dự án, các hộ dân được tập huấn đầy đủ, cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn, giám sát theo từng giai đoạn phát triển của cây theo phương thức cầm tay chỉ việc.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tâm, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa có 5.000m2 (tương đương 250 gốc xoài) trồng theo dự án. Theo ông Tâm, số diện tích này trước kia gia đình trồng cà phê nhưng năng suất kém, nên khi có dự án xoài Đài Loan đã chuyển sang trồng.
Nhà ông Tâm được doanh nghiệp hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm. Chính quyền địa phương tạo điều kiện về cơ chế, chính sách nên hoàn toàn thuận lợi.
“Sau hơn 3 năm vun trồng, chăm sóc, số diện tích xoài nhà tôi cho thu hoạch hơn 3 tấn. Mặc dù cây còn bé, thấp nhưng đều trĩu quả. Cân nặng trung bình đạt từ 0,8 - 1,3kg/quả. Chất lượng quả được đánh giá là ngon, ngọt và nhiều thịt” – ông Tâm cho biết.
Cũng tham gia dự án và được hỗ trợ tương tự, anh Nguyễn Đức Thành, bản Na Luông, xã Ẳng Nưa cho hay: “Trước nay, điều nông dân chúng tôi lo nhất là đầu ra cho sản phẩm. Vì tự trồng, tự tìm đầu ra nên gặp nhiều khó khăn.
Cứ loay hoay mãi với chuyện được mùa, mất giá. Nhưng khi tham gia dự án này, được huyện hỗ trợ, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chúng tôi hoàn toàn yên tâm trồng”.
Cuối tháng 6 vừa qua, đúng theo cam kết, Công ty Cổ phần Rau hoa quả Trung ương (đơn vị ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài với người dân) đã đến Mường Ảng thu mua xoài đợt 1.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá xoài không cao như mong đợi. Tùy vào cân nặng, mẫu mã mà xoài được phân loại và áp các mức giá từ 5.000 – 10.000 đồng/kg.
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương, mức giá trên vẫn đảm bảo theo mặt bằng chung và cam kết với người dân. “Trên hết, việc phát triển cây ăn quả theo mô hình liên kết tiêu thụ đã nâng cao nhận thức và làm thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người dân địa phương” – ông Cường nói.
Chuyên nghiệp mới đi được đường dài
Chỉ tính riêng cây xoài, toàn huyện Mường Ảng hiện có 125,13ha phát triển theo mô hình liên kết sản xuất. Vụ năm nay, hơn 20ha xoài đầu tiên đã đồng loạt cho quả, chủ yếu tại các xã: Búng Lao, Mường Lạn và Ẳng Nưa.
Do là năm đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai nên xoài Mường Ảng chủ yếu đạt loại 2, 3, với mức giá 5.000, 7.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Tâm bộc bạch: Mặc dù được hướng dẫn rồi, nhưng năm nay tôi không bọc quả nên mẫu mã chưa được đẹp lắm. Vì thế đợt vừa rồi doanh nghiệp về thu mua tôi đã không bán.
Cũng theo ông Tâm, gia đình ông giữ lại bán lẻ, cơ bản được giá 8.000 – 10.000 đồng/kg. Mặc dù có vất vả hơn đôi chút, nhưng vì được giá hơn so với doanh nghiệp trả nên gia đình ông đành “phá” cam kết ở vụ đầu.
Còn đối với gia đình anh Nguyễn Đức Thành, vụ đầu thu hoạch được khoảng 1,2 tấn xoài. Tuy nhiên, do không thực hiện tỉa bớt như hướng dẫn nên quả có kích thước nhỏ, không đồng đều và không đạt trọng lượng như mong muốn.
“Gia đình tôi chỉ cắt bán cho doanh nghiệp hơn 1 tạ, với giá 7.000 đồng/kg. Số còn lại tôi để bán ngoài. Quả to được 10.000/kg, nhưng có quả chỉ 3.000 – 5.000 đồng/kg” – anh Thành cho biết.
Ở vụ đầu tiên, nhiều hộ đã không bán cho doanh nghiệp mà giữ lại bán lẻ cho các mối quen biết và chợ trên địa bàn. Thống kê từ phòng NN&PTNT huyện, từ đầu vụ đến mới có 5 tấn xoài được bán cho doanh nghiệp. Vì người dân chưa gom đủ chuyến nên doanh nghiệp không thể bố trí xe lên thu mua.
Năm tới sẽ có thêm hàng chục héc ta xoài cho thu hoạch lần đầu, tổng sản lượng có thế gấp nhiều lần năm nay. Vì vậy, việc bảo đảm chất lượng và thực hiện đúng cam kết tiêu thụ vô cùng quan trọng để không “vỡ trận” khi đến mùa thu hoạch.
Theo ông Cường, dân đã nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cơ bản. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn để quả có chất lượng, giá thành cao nhất. Huyện đang hướng đến tuyên truyền, hướng dẫn người dân thành lập hợp tác xã.
Đặc biệt là việc huy động sự tham gia của các nông dân trẻ, có trình độ, để các hộ trồng cây ăn quả liên kết, hỗ trợ nhau trong trồng trọt, nâng cao chất lượng, năng suất quả và bảo đảm đầu ra cho nông sản.