Dự án đã có, chủ đầu tư sốt sắng “đòi” giao mặt bằng sớm để triển khai. Chỉ mất 4 ngày bà con đã tự nguyện nhường mặt bằng sạch. Song gần 4 tháng nay nó bị “treo” mà chẳng rõ lý do…
4 ngày có mặt bằng… 4 tháng “treo” không lời giải thích?
Đưa chúng tôi ghé thăm các gia đình ở bản Huổi Lướng, trưởng bản Huổi Lướng - Hờ Tồng Nếnh đã thẳng thắn bộc bạch về cái sự nghèo với bao khó nhọc của người Mông ở bản!
Bản Huổi Lướng được thành lập từ năm 1979, vì trước đó trên bản cũ ở Ẳng Nưa đông dân quá, đất sản xuất ít nên mấy gia đình đã dắt díu nhau đi tìm đất mới lập bản mới. Ngày ấy, cả thị trấn Mường Ảng (cũ) chỉ có Nông trường Mường Ảng thi thoảng sáng ánh điện từ cái máy phát nhỏ xíu. Thế hệ ông, bà, cụ kị của trưởng bản Hồ Tồng Nếnh chẳng hiểu điện là gì. Vì sao cái bóng đèn treo ngược lại sáng?
Thế rồi, niềm mong đợi của người dân bản Huổi Lướng cũng đến. Đó là quãng đầu tháng 4/2020 khi cán bộ xã đưa đơn vị thi công về bản để thông tin làm đường điện về cho bản thì bà con vui lắm. Không ai bảo ai, gần 200 con người từ 26 mái nhà tề tựu đông đủ ở khoảnh sân giữa bản nghe cán bộ xã phổ biến. Mẹ của trưởng bản Nếnh - cụ bà hơn 80 tuổi cũng bắt con dâu dìu bước ra sân để tận tai nghe lời cán bộ xã nói, rồi bà nhẩm theo đến thuộc làu.
Thời gian trôi đi, tháng 12 cũng đến. Song niềm mong mỏi điện về của người dân bản Huổi Lướng như dài thêm nữa. Vì ngay khi hoàn thành chôn cột ở bản Huổi Lướng, Thẳm Phẩng, Pá Khôm không hiểu sao đơn vị thi công lại dừng thi công… không hạn định.
Theo chủ tịch UBND xã Hà Minh Tiến, mấy tháng trước ở Thẳm Phẩng nghe người già trong bản nói “Có điện thật chứ không phải nằm mơ nữa”. Vậy mà giờ… ông thấy mình như người có lỗi. Bởi chính ông đã thông tin về dự án kéo điện cho năm bản. Chính ông cùng các trưởng bản đi tuyên truyền, vận động bà con hiến đất lấy mặt bằng chôn cột, đặt trạm. Để rồi đến nay, công trình kéo điện dở dang trong khi bà con các bản mong từng ngày có điện.
Dự án cấp điện cho năm bản nói trên do Sở Công Thương làm chủ đầu tư. Công trình cấp điện nông thôn cho năm bản, có đường dây trung áp là 7,847km; đường dây hạ áp là 8,869km. Dự án có ba trạm biến áp, gồm: Thẳm Hóng - Lịch Nưa; Thẳm Phẩng - Pá Khôm và trạm Huổi Lướng.
Trong số ba trạm hiện mới có trạm Thẳm Hóng - Lịch Nưa hoàn thành, Công ty Điện lực Điện Biên đã xuống nghiệm thu. Còn hai trạm Thẳm Phẩng - Pá Khôm và trạm Huổi Lướng mới hoàn thành dựng cột (từ 20/8) rồi dừng thi công từ đó đến bây giờ.
UBND huyện Mường Ảng cho biết, để tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị thi công, ngay từ khi triển khai dự án (tháng 4/2020), UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo Đảng ủy, UBND xã đã quán triệt đến cán bộ, công chức và trưởng năm bản về chủ trương, ý nghĩa dự án. Xã giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, công chức về từng bản hỗ trợ trưởng bản tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất. Hiểu được ý nghĩa dự án, nhân dân các bản đều đồng thuận.
“Ban đầu thì Chủ đầu tư liên tục gọi, giục phải sớm bàn giao mặt bằng. Chúng tôi vận động bà con khoảng 3 - 4 ngày là bà con đã bàn giao ngay. Sau đó cũng chẳng hiểu vì sao mà mấy tháng nay lại chẳng thi công nữa…”, lãnh đạo huyện Mường Ảng chia sẻ.
Tạm dừng thi công vì… cái cống!
Từ Nặm Lịch trở về với nỗi buồn nặng trĩu, tôi rất muốn liên hệ chủ đầu tư hỏi giúp bà con lý do cho tỏ ngọn ngành. Ngày 3/12, liên hệ làm việc với Văn phòng Sở Công Thương nhưng thay vì được cung cấp thông tin chúng tôi lại nhận một yêu cầu: “Viết giấy đề nghị làm việc; nội dung cần việc gì để Văn phòng báo cáo, còn thời gian Sở trao đổi thông tin... chưa biết khi nào”.
Rời Sở Công Thương mà bước chân như người bị buộc đá, nơi tôi đứng cách cửa phòng quyền Giám đốc Sở chỉ chục bước chân vậy mà như khác một bầu trời.
Điện thoại báo cuộc gọi lỡ lúc 16 giờ 50 phút, ngày 3/12, tôi liền gọi lại. Đầu dây bên kia ông Vũ Hồng Sơn, quyền Giám đốc Sở Công Thương dõng dạc: “Em đến ngay thì anh trao đổi thông tin, còn ngày mai anh họp cả ngày không có thời gian tiếp”.
Rồi khi gặp vị quyền Giám đốc Sở rồi, tôi cũng phần nào thấy cái sự bận bịu lắm, để đến nỗi, ông không cần nghe khách hỏi đã thao thao bất tuyệt: “Dự án cấp điện nông thôn không có tiền đền bù GPMB mà thực hiện theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Dự án kéo điện ở Nặm Lịch vẫn đang làm nhưng vướng cái đường, vướng cái cống… Anh trao đổi rồi, nếu không có gì thay đổi thì 5 đến 10 ngày nữa xe vào được”. Ấy vậy nhưng khi tôi hỏi ông Sơn cái cống bị vướng ấy thuộc bản nào thì ông Sơn không nắm được. Ông sang phòng bên gọi cán bộ hỗ trợ.
Khác với cách trao đổi của quyền Giám đốc Vũ Hồng Sơn, ông Nguyễn Cao Thế, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Công Thương, cung cấp thông tin về dự án cấp điện tại Nặm Lịch khá rành mạch.
Theo đó, ông Nguyễn Cao Thế, cho biết, dự án cấp điện cho năm bản tại Nặm Lịch là gói thầu số 26 thuộc Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2014 - 2020. Tổng mức đầu tư của gói thầu số 26 gần 11 tỷ đồng, được chia thành hai gói thầu là số 1 và số 2.
Theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và các nhà thầu, thời hạn thi công gói thầu 26 là 9 tháng (bắt đầu tư 1/4 - 31/12/2020). Đến nay, đã hoàn thành 100% gói thầu số 1, lắp đặt 107 công tơ cho 107 gia đình thuộc hai bản: Thẳm Hóng, Lịch Nưa.
Còn gói thầu số 2, nhà thầu mới thi công được khoảng 60% khối lượng công việc. Ông Thế thẳng thắn: “Tiến độ của nhà thầu số 2 chậm”. Ông Thế nêu lý do: “Do ảnh hưởng Covid-19, do mưa nhiều cùng với hiện tại do làm cống không thi công được”!
“Thời hạn thi công đến 31/12. Hiện nay, thời hạn thi công chưa hết. Sau đó nếu chưa xong do khách quan vì làm cống thì sẽ gia hạn. Cái này luật cho phép mà!”, ông Vũ Hồng Sơn nói.
Nghe từng lời của vị quyền Giám đốc Sở Công Thương, tôi thầm nghĩ vị lãnh đạo Sở thật là người thượng tôn luật, bởi mỗi câu ông nói đều khẳng định “Làm theo luật”, “Luật quy định”. Nhưng có điều luật cũng quy định rõ “Chủ đầu tư phải có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả”, thì không thấy ông nhắc tới.
Mà trong trường hợp cụ thể này, với dự án cấp điện cho năm bản ở Nặm Lịch thì hơn ai hết ông Vũ Hồng Sơn nên hiểu, dự án hoàn thành sớm ngày nào để người dân được sử dụng điện sớm ngày đó mới là hiệu quả, chứ đâu phải như cách ông nói “chậm thì gia hạn là đúng luật”.
Trước lúc ra về, tôi định nói về thực tế cái cống ở Nặm Lịch để vị quyền Giám đốc Sở Công Thương được rõ: Có một cái cống ở bản Thẳm Phẩng, nhưng cái cống ấy đã được hoàn thành lâu rồi chứ không phải 5 hay 10 ngày nữa mới hoàn thành như điều ông cung cấp, nhưng tôi lại thôi vì e rằng ông sẽ nhắc lại rành rọt: “Luật không cấm”…