Trước đây, gia đình chị Cầm Thị Thanh, trú tại bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng cũng được thụ hưởng dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 1. Bây giờ chuyển sang giai đoạn 2, chị được hội viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dự án ở bản. Chị Thanh thấy, mô hình hỗ trợ lợn giống sinh sản, rồi nuôi theo hình thức luân chuyển như hiện nay sẽ giúp cho nhiều hội viên có thêm điều kiện để tăng gia, sản xuất, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, giúp nhau cùng làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
“Trước đây gia đình tôi khó khăn, chẳng có tiền mua lợn giống. Khi được lựa chọn tham gia dự án, từ cặp lợn giống được hỗ trợ đã sinh sản ra nhiều lợn con để nuôi lấy thịt. Lợn mẹ thì lại được chuyển sang các gia đình khác nuôi kế tiếp theo thứ tự ưu tiên. Bà con rất vui vì đã có điều kiện để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình”, chị Cầm Thị Thanh chia sẻ.
Các dự án giảm nghèo góp phần ổn định đời sống của người Khơ Mú ở Ảng Tở |
Đi trên con đường bê tông mới được đầu tư từ dự án giảm nghèo (nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới), trải dài ra khu sản xuất cà phê của bà con bản Củ, xã Ẳng Nưa, ít ai còn nhớ trước đây gần 2 cây số đường đất mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt, mùa khô thì bụi mù. Học sinh đến trường, đến lớp khó khăn. Bà con dân bản vận chuyển nông sản vất vả. Giờ được đi trên con đường mới, ai ai cũng thấy phấn khởi.
Ông Lò Văn Thiện, Trưởng bản Củ hồ hởi: “Quá trình triển khai thi công dự án này cũng như các công trình khác đều được nhóm thợ thi công của xã thực hiện, với sự tham gia của người dân chúng tôi trong quá trình hỗ trợ tư vấn thiết kế. Người dân tại các thôn bản thi công và trực tiếp vận hành. Bà con đã xây dựng hương ước để bảo vệ. Con đường này đã giúp bà con đi lại thuận lợi hơn và cũng thuận lợi cho các tiểu thương đến mua bán hàng hóa”.
Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa Lò Văn Hòa cho biết, Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 được thưc hiện vào năm 2015, xã Ẳng Nưa được phân bổ đầu tư gần 1,7 tỷ đồng. Vai trò làm chủ đầu tư của UBND xã đã góp phần nâng cao chất lượng, quản lý, hiệu quả đầu tư. Sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của người dân từ khâu lập kế hoạch, lựa chọn các tiểu dự án phù hợp với điều kiện gia đình, địa phương; giám sát cộng đồng; trực tiếp tham gia thực hiện các tiểu dự án để có thêm thu nhập nâng cao cuộc sống; tham gia các nhóm sở thích….
Tiểu dự án nuôi lợn sinh kế tại xã Mường Lạn giúp người dân tăng thu nhập (Ảnh: Gia Linh) |
Gia đình chị Nguyễn Thị Dinh ở bản Quyết Tiến 1, xã Búng Lao trước cũng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2015, gia đình chị nhận được sự hỗ trợ lợn nái sinh sản từ dự án, sẵn tính chịu thương, chịu khó, chị Dinh mạnh dạn huy động thêm kinh phí mở rộng phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Chị Dinh còn nhận khoán thêm số diện tích bãi bồi ven suối sau nhà còn hoang hóa để trồng mía và rau màu. Đến nay gia đình chị Dinh đã hoàn trả được toàn bộ số nợ. Vợ chồng chị cũng xây dựng được ngôi nhà mới khang trang hơn trước. Riêng vườn mía, mỗi năm gia đình chị thu được hơn 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ông Đặng Văn Năm - Phó Giám đốc BQL Dự án Giảm nghèo huyện Mường Ảng cho biết thêm: Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn II khoản vay bổ sung giai đoạn 2015-2018 huyện Mường Ảng được thực hiện trên địa bàn của 8 xã vùng dự án là: Mường Lạn, Xuân Lao, Nặm Lịch, Búng Lao, Ẳng Tở, Ẳng Nưa, Mường Đăng, Ngối Cáy. Nhìn chung, sau thời gian triển khai, chương trình này đã mang lại những kết quả nhất định.
“Nâng cao mức sống của người hưởng lợi trong vùng dự án thông qua cải thiện việc tiếp cận cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, tăng cường năng lực thể chế của chính quyền cơ sở và năng lực sản xuất của cộng đồng địa phương, tăng cường liên kết thị trường và sáng kiến kinh doanh là mục tiêu chính của dự án này. Qua hai giai đoạn thực hiện, cơ bản huyện Mường Ảng đã quán triệt thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Bởi vậy đã phát huy hiệu quả của dự án. Các mục tiêu dự án đề ra đều đảm bảo. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để bà con có điểm tựa vững chắc, vươn lên xoá đói, giảm nghèo”, ông Đặng Văn Năm nhấn mạnh.