Lại vẫn chuyện được mùa, mất giá
Còn nhớ thời điểm cuối năm 2019, khi bà con nông dân tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên bắt tay vào thu hoạch cà phê niên vụ 2019 - 2020. Cơ quan chuyên môn của huyện dự ước cà phê Mường Ảng sẽ cho năng suất cao gấp đôi năm trước. Thế nhưng, theo một số hộ trồng cà phê thì sẽ bị lỗ vốn. Họ tính vậy, bởi cà phê vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn: Được mùa mất giá, được giá, mất mùa.
Cũng tại thời điểm đó, sản lượng chưa nhiều nhưng giá cũng chỉ ở mức 3.000 đồng/kg quả tươi. Chuyện cà phê được mùa, được giá chỉ là hy vọng của người trồng cà phê. Có những hộ, cây cà chín đỏ, rụng đầy gốc, song họ cũng chẳng buồn thu hái vì giá bán không được như mong muốn.
“Nếu giá cà phê cứ như vậy thì Mường Ảng sẽ khó giữ được diện tích cà phê như mong mỏi của người dân” - ông Nguyễn Văn Lập, tổ dân phố 1, thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng hướng ánh mắt lo lắng về vườn cà phê của mình.
Suy nghĩ đó không riêng gì gia đình ông Lập. Bởi nhiều hộ gia đình khác ở huyện Mường Ảng cũng không còn mặn mà với cây cà phê nữa. Theo bà Vũ Thị Ngân ở bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa thì vườn cà phê 1,5ha mà gia đình đang có là nguồn thu chính. Nhưng do mấy vụ trước mất mùa, mất giá, gia đình đã bỏ chăm sóc và sau vụ cà này sẽ chặt bỏ.
Thế nhưng, phá cây cà phê rồi sau đó trồng cây gì cho năng suất mà không lặp phải điệp khúc cũ được mùa mất giá khiến bà Ngân trăn trở. Vì những cây cà phê này đã gắn bó với miếng cơm, manh áo của gia đình bà hàng chục năm nay. Mặc dù không muốn thay đổi nhưng bà chưa có cách nào khác.
Điều lo lắng nhất với người trồng cà phê nơi đây hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Do không có một doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính đứng ra bao tiêu sản phẩm cho những hộ trồng cà phê nên sau mỗi vụ thu hoạch thường bị các tư thương ép giá.
Nguy cơ vỡ quy hoạch vì chuyển đổi ồ ạt
Trước đây với diện tích gần 2ha, gia đình chị Nguyễn Thị Mai Thi ở bản Na Luông, xã Ẳng Nưa, chủ yếu trồng cà phê. Đây cũng là nguồn thu chính cho gia đình chị. Tuy nhiên, phần lớn diện tích cà phê của gia đình chị trồng từ năm 1998 đã già cỗi, kém năng suất.
Để trồng mới và chờ đến ngày thu hoạch phải mất ít nhất là 3 năm. Trong khi đó, nguồn vốn tái canh lại cây cà phê là không nhỏ. Đầu năm 2018, sau khi huyện có chủ trương chuyển đổi một số diện tích cây cà phê kém hiệu quả sang những cây trồng khác. Gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích cà phê sang trồng cây chanh leo và cây ăn quả.
Cũng phá bỏ 1,5 ha cà phê đang cho thu hoạch vào đầu năm 2019 để chuyển đổi sang trồng chanh leo, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ở bản Củ, xã Ẳng Nưa chưa thực sự tin tưởng vào loại cây trồng này. Theo bà Hồng trước kia cà phê không bán được thì để trong kho chờ giá. Nay trồng chanh leo cho thu hoạch thì không biết để vào đâu bởi hầu hết những hộ trồng trước vẫn phải tự tìm đầu ra cho loại quả này. Vì thế, gia đình bà phát triển mô hình theo hướng trồng xen canh chanh leo, bưởi, xoài kết hợp trồng cây lương thực ngắn ngày trên cùng một diện tích đất.
Trên địa bàn huyện Mường Ảng hiện nay có hơn 3.370 ha cà phê, trong đó phần lớn diện tích đang cho thu hoạch. Theo thống kê của chính quyền địa phương đến thời điểm này, bà con nông dân đã phá bỏ 13 ha cây cà phê chuyển sang trồng cây chanh leo và các loại cây ăn quả khác, tập trung chủ yếu tại các xã Ẳng Nưa, Ẳng Cang và Ẳng Tở. Trong đó riêng xã Ẳng Nưa là 10 ha.
Mường Ảng có khoảng 300 ha cây cà phê đã già cỗi, cho năng suất thấp. Theo kế hoạch sẽ chuyển đổi những diện tích này sang trồng cây ăn quả. Mường Ảng là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây ăn quả. Tuy nhiên, địa phương khuyến cáo người dân chỉ nên chuyển đổi những diện tích cà phê đã thoái hóa, năng suất thấp. Những diện tích cà phê giống mới cần được tập trung đầu tư, chăm sóc…
Giá cả bấp bênh, cùng hàng loạt những khó khăn khác như thiếu vốn, kỹ thuật, sâu bệnh, cơ sở chế biến, thương hiệu… đang khiến cho cây cà phê ở Mường Ảng chưa khẳng định được chỗ đứng và tiềm năng phát triển của mình.
Ông Hoàng Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: “Rõ ràng những năm qua cây cà phê đã khẳng định được vị thế trong phát triển kinh tế của huyện Mường Ảng. Vì thế, việc người dân chặt bỏ cà phê để chuyển sang cây trồng khác phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch của địa phương. Nếu phá bỏ cà phê để chuyển đổi cây trồng một cách ồ ạt, không có kiểm soát sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương và tiềm ẩn những hệ lụy khó lường”.
Mục tiêu, định hướng, quy hoạch cho cây cà phê đã được huyện Mường Ảng xác định từ lâu nhưng có lẽ để cây cà phê Mường Ảng phát triển bền vững, trước mắt các địa phương trên địa bàn huyện cần phải giải xong bài toán về liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) và thị trường bền vững.