Xóa nỗi sợ tiếng Anh bằng công nghệ

GD&TĐ - Trong thời đại bùng nổ công nghệ, việc dạy Tiếng Anh cho học sinh phổ thông ở vùng khó khăn như Hà Giang gặp phải những rào cản nhất định.

Với nhiều đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, cô Liên được nhiều học trò quý mến. Ảnh: TG
Với nhiều đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, cô Liên được nhiều học trò quý mến. Ảnh: TG

Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, cô Phạm Thị Liên, Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang) đã có nhiều cách làm sáng tạo để thu hút học trò vào bài giảng.

Tận dụng tiến bộ công nghệ

Thầy Trần Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Vị Xuyên, nhận xét, cô Phạm Thị Liên là đảng viên, tổ trưởng chuyên môn gương mẫu, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cô ham học những điều mới để nâng cao chất lượng giảng dạy cho mình, sau đó lan tỏa tới đồng nghiệp trong và ngoài trường. Ngoài tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn về tiếng Anh và tiếng Trung, cô đã hoàn thành khóa cao học bằng chi phí của cá nhân khiến nhiều người nể phục. Những cống hiến của cô Liên luôn được cấp trên cũng như phụ huynh, học sinh ghi nhận và đánh giá cao.

Chia sẻ về công việc, cô Phạm Thị Liên thẳng thắn nhìn nhận, trong thời đại bùng nổ công nghệ, việc dạy Tiếng Anh cho học sinh phổ thông ở vùng khó khăn như Hà Giang gặp phải những rào cản nhất định.

Đó là khó khăn về tài nguyên giáo dục, thiếu sách học ngoại ngữ, thiết bị và tài liệu chất lượng; thiếu nguồn nhân lực để giảng dạy cho học sinh. Học sinh thiếu động lực học tiếng Anh, môi trường học tập cũng ít có cơ hội tiếp xúc và giao tiếp với người bản ngữ; ít hoạt động giáo dục ngoại khóa để trải nghiệm ngôn ngữ thực tế.

Khắc phục hạn chế trên, cô đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau như dạy học tích cực; linh hoạt hình thức học tập như hoạt động cá nhân, cặp đôi và hoạt động nhóm, cả lớp.

Tăng cường liên kết, phối hợp học tập cá thể với hợp tác, lớp học trở thành môi trường giao tiếp giáo viên - học sinh và học sinh - học sinh nhằm vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân, tập thể trong giải quyết nhiệm vụ học tập chung. Thay vì thụ động tiếp thu tri thức được sắp đặt sẵn, học sinh tự khám phá những điều chưa biết.

Đam mê công nghệ và thấy các công cụ dạy học sẽ hỗ trợ công việc rất nhiều nếu biết khai thác và tận dụng tối đa, cô đã sử dụng nhiều phần mềm miễn phí: Kahoot, Google Classroom, Flip, Bamboozle, Liveworksheet…; hay các phần mềm trả phí (Microsoft 365, Quizizz, Quizlet, Blooket, Classpoint, Grammarly, Canva…).

Để nâng cao chất lượng, cô Liên cho học sinh học tập kết hợp với trải nghiệm thực tế; học qua hoạt động ngoại khóa, dự án; kết nối học sinh với các lớp học xuyên biên giới; sử dụng tài nguyên địa phương, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.

Để có được những phương pháp hiệu quả trên, cô Liên thường xuyên tham gia các lớp học tự bồi dưỡng chuyên môn, liên tục cập nhật các phương pháp dạy học tích cực học hỏi từ đồng nghiệp. Điều này không những giúp bản thân phát triển chuyên môn, hỗ trợ và phát huy khả năng của học trò.

Truyền động lực cho trò

Cô Phạm Thị Liên luôn quan tâm sát sao tới từng học sinh. Ảnh: TG

Cô Phạm Thị Liên luôn quan tâm sát sao tới từng học sinh. Ảnh: TG

Đối với học sinh khối 12 của trường dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào đại học năm 2023, cô Phạm Thị Liên đã xây dựng chiến lược ôn tập ngay từ đầu năm học. Sau khi rà soát chất lượng, cô lập nhóm Zalo hỗ trợ miễn phí cho học trò làm các chuyên đề ôn thi tốt nghiệp từ tháng 10/2022.

Mỗi tuần học hai buổi tối vào thứ 3, 5, mỗi tối học 1,5 tiếng để các em cùng nhau làm bài tập online. Cô giáo hỗ trợ giải đáp các câu hỏi của học sinh ngay trên nhóm.

Cô đã photo đề thi trên trang Dự án Giáo viên Tiếng Anh - Nhóm các thầy, cô giáo Tiếng Anh giỏi của cả nước soạn đề bám sát theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Cô nhắc nhở các em thường xuyên luyện chuyên đề, luyện đề, vào học Zoom miễn phí, làm đề trên Azota, Quizizz, Blooket, Quizlet…

Bên cạnh đó, cô Phạm Thị Liên cũng chủ động tham gia các lớp tập huấn về luyện đề thi tốt nghiệp THPT để kết nối, trao đổi với đồng nghiệp giỏi. Với quan điểm chia sẻ để học hỏi, cô chú trọng công tác tư tưởng, động viên và truyền động lực cho học sinh bằng việc làm cụ thể, giúp các em có cảm hứng trong học tập. Cô đã giúp học sinh thiết lập mục tiêu thông minh (SMART GOALS), từ đó phấn đấu đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới.

Là phụ huynh có con học lớp 12, chị Đặng Thị Hoàng Anh tâm sự: “Qua 3 năm học THPT, cháu đã thay đổi rõ rệt và mạnh dạn hơn, ý thức học tập nâng cao hơn trước một phần nhờ công của cô Liên. Cô luôn tâm huyết, sáng tạo và thương học trò. Không chỉ giỏi chuyên môn, cô còn khéo léo và tinh tế trong việc nắm bắt tâm lý cũng như tăng cường sự gắn kết học trò với gia đình.

Năm học vừa qua, trước khi họp phụ huynh, cô cho học sinh viết suy nghĩ của mình. Những bức thư ngắn được cô gửi tới phụ huynh tại cuộc họp đầu năm. Cha mẹ đọc và viết câu trả lời của mình vào bức thư. Có người đã xúc động và nhận ra mình chưa thực sự quan tâm đến con”.

Với cô Phạm Thị Liên, Vị Xuyên là mảnh đất có nhiều kỷ niệm. Ở đây, cô đã may mắn gặp những thầy cô truyền cảm hứng cho mình trong cuộc sống cũng như chuyên môn. Cô nhận được sự tin tưởng, yêu quý của phụ huynh và học sinh, được đồng nghiệp tôn trọng.

Cô luôn cảm thấy hạnh phúc và vui mừng vì đã góp phần mang lại cho học sinh địa phương những trải nghiệm mới mẻ, tích cực về bộ môn luôn được cho là khó với các em. Với kiến thức, kỹ năng được học, cô tin rằng, học sinh không quá bỡ ngỡ với môi trường mới.

Các em có đủ năng lực và thái độ học tập đáp ứng yêu cầu của bậc đại học. Với những em không đi học tiếp sẽ nhớ và luôn tự hào về thời học sinh để tự tin hơn khi bước vào cuộc sống, trở thành người tốt trong xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ