Dạy tiếng Anh cho trẻ em phố núi Kon Tum

GD&TĐ - Bậc mầm non là độ tuổi 'vàng' để học tiếng Anh. Nhiều trường tại Kon Tum đã triển khai dạy học, giờ ngoại khóa để nâng cao vốn từ cho HS.

Giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh cho trẻ Trường Mầm non Hoa Thạch Thảo.
Giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh cho trẻ Trường Mầm non Hoa Thạch Thảo.

Giờ tiếng Anh sôi nổi của trẻ dân tộc thiểu số

15 giờ chiều, tiết học tiếng Anh ở Trường Mầm non Sơn Ca (huyện Đăk Hà) bắt đầu. Với chiếc tivi màu cùng bảng chữ tiếng Anh, cô Đông Thị Hậu (30 tuổi, giáo viên tại Trung tâm tiếng Anh) bắt đầu buổi dạy của mình bằng trò chơi “nhìn hình đoán chữ”.

Tiết học hôm nay, cô Hậu dạy cho trẻ 4 tuổi những biểu cảm thường gặp, như vui, buồn, tức giận… Với những đoạn video sinh động, vui nhộn cùng biểu cảm chân thực, cô Hậu vừa làm vừa hướng dẫn các em thực hiện theo.

Cô đồng thời sử dụng ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm trên gương mặt để trẻ đoán và tìm ra từ tiếng Anh tương ứng. Khi trẻ phát âm chưa chuẩn, cô lại hướng dẫn các em đọc lại. Trẻ nào phát âm tốt được cô khen và cả lớp sẽ tuyên dương bằng những tràng pháo tay.

Cô Hậu thường tổ chức cho các em học thông qua chơi. Bằng những trò chơi, như: Đập bảng, tìm hình biến mất… để luyện cho trẻ đoán và nhớ từ vựng. Bên cạnh đó, với mỗi chủ đề (cảm xúc, trái cây, con vật…) sẽ có 5 - 6 từ vựng phù hợp giúp trẻ tập phát âm. Những từ ngữ này gần gũi, thân thuộc với trẻ mỗi ngày để các em mạnh dạn và năng động hơn khi học.

Vừa học, vừa chơi, em Nông Phúc Lâm (4 tuổi) rất hào hứng và phấn khởi khi làm quen với ngôn ngữ thứ 3. Bởi ngoài tiếng địa phương của mình, em Lâm còn học tiếng phổ thông và tiếp cận tiếng Anh.

Cô Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca, cho hay, toàn trường có 257 trẻ đang theo học tại 2 điểm trường. Việc cho trẻ tiếp cận với tiếng Anh được nhà trường triển khai 5 năm nay. Năm học 2018 - 2019, 4 lớp từ Mầm đến Lá đều được theo học với số lượng 115 cháu. Tuy nhiên, trải qua 4 năm triển khai ở lớp Mầm, nhận thấy độ tuổi quá nhỏ, tiếp thu còn hạn chế nên nhà trường quyết định dừng lại. Năm học 2022 - 2023, toàn trường có 132 trẻ 4 - 5 tuổi làm quen với tiếng Anh, trong đó có 13 em là người dân tộc thiểu số.

“Mỗi tuần 2 tiết/lớp, nhà trường thống nhất với phụ huynh hợp đồng giáo viên tiếng Anh để giúp trẻ làm quen với ngôn ngữ mới. Mặc dù ở độ tuổi thuận lợi để tiếp thu, nhưng khi về nhà phụ huynh ít nói chuyện bằng tiếng Anh với trẻ nên làm hạn chế khả năng ghi nhớ. Do đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép trò chơi rèn luyện kỹ năng về tiếng Anh, như: Tết mùa Xuân, đoán chữ, số và hình ảnh… Qua những hoạt động này giúp trẻ tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp”, cô Hải chia sẻ.

Cô Đông Thị Hậu sử dụng hình ảnh trực quan giảng dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non.

Cô Đông Thị Hậu sử dụng hình ảnh trực quan giảng dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non.

Làm quen với giáo viên bản xứ

Còn tại thành phố Kon Tum, để trẻ mầm non được làm quen tiếng Anh, nhà trường đã hợp đồng giáo viên nước ngoài dạy học. Cô Lê Thị Mai Thơm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Thạch Thảo (phường Thắng Lợi, TP Kon Tum) - cho hay, từ năm học 2021 - 2022, nhà trường đã triển khai thí điểm chương trình cho trẻ 4 - 5 tuổi làm quen với tiếng Anh. Đến năm học này, nhà trường mở rộng chương trình cho 7/11 lớp, với hơn 70% trẻ được phụ huynh đăng ký học và làm quen tiếng Anh.

“Nhu cầu của phụ huynh cho trẻ làm quen với tiếng Anh tăng cao nên nhà trường đã liên kết với Trung tâm Ngoại ngữ tổ chức dạy tiếng Anh 2 buổi/tuần cho trẻ 3 - 5 tuổi. Giáo viên giảng dạy đa số là người nước ngoài giúp trẻ phát âm chuẩn hơn. Ngoài ra, hằng tháng nhà trường tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa để giúp trẻ tiếp cận, nâng cao vốn tiếng Anh”, cô Thơm chia sẻ.

Thông qua những trò chơi, bài hát bằng tiếng Anh, em Nguyễn Ngọc Diệp (lớp mẫu giáo 5 tuổi, Trường Mầm non Hoa Thạch Thảo) đã học và hiểu được một số câu tiếng Anh. Khi lựa chọn cho con làm quen với tiếng Anh từ sớm, chị Nguyễn Thị Phú - phụ huynh em Diệp - nhận thấy nhiều lợi ích. Bởi đây là giai đoạn vàng để con phát triển khả năng ngôn ngữ. Đặc biệt khi giáo viên nước ngoài giảng dạy, bé mạnh dạn, tự tin và hoạt bát hơn trong giao tiếp. Ở nhà, gia đình cũng cho con xem những video, hay bài hát để hình thành thói quen ghi nhớ từ vựng.

Theo ông Thái Khắc Hòa - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum, chương trình cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh theo thông tư của Bộ GD&ĐT được các trường mầm non trên địa bàn hưởng ứng tích cực. Năm học 2021 - 2022, địa phương có 20 trường mầm non đăng ký tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Đến năm học này, với những kết quả tích cực đã có 23/34 trường mầm non triển khai giảng dạy tiếng Anh. Trong đó có 10 trường công lập và 13 trường ngoài công lập.

Cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ bậc mầm non sẽ giúp trẻ tự tin, mạnh dạn hơn khi bước vào chương trình chính thức ở bậc tiểu học. Do đó, thời gian tới, phòng mở rộng thêm chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non ở các trường. Bên cạnh đó đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác tổ chức, quản lý chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo, giúp việc dạy và học đạt hiệu quả cao.

“Dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non sẽ gặp một số khó khăn bởi còn quá nhỏ, hiếu động. Tuy nhiên, ở độ tuổi này trẻ dễ tiếp cận và đây là thời gian vàng để tiếp thu ngôn ngữ. Do đó, thông qua hình ảnh trực quan, màu sắc bắt mắt…, trẻ rất hào hứng học tập. Mỗi khi chuyển sang bài mới, tôi sẽ ôn luyện lại kiến thức cũ để trẻ nhớ lâu”, cô Hậu bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Lộ trình học ielts 8.0