Xóa mù ở bản Pá Khoang

GD&TĐ - Các lớp học xóa mù do Đồn Biên phòng Mường Lèo (Bộ đội Biên phòng Sơn La) tổ chức giúp người dân thay đổi cuộc sống.

Lớp học xóa mù tại bản Pá Khoang, xã Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La) do Đại úy Hờ A Thành giảng dạy. Ảnh: Đồn BP Mường Lèo cung cấp
Lớp học xóa mù tại bản Pá Khoang, xã Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La) do Đại úy Hờ A Thành giảng dạy. Ảnh: Đồn BP Mường Lèo cung cấp

Các lớp học xóa mù do Đồn Biên phòng Mường Lèo (Bộ đội Biên phòng Sơn La) tổ chức không chỉ giúp bà con xã Mường Lèo biết đọc, viết, mà còn tiếp cận kiến thức về sản xuất, nuôi trồng, phát triển kinh tế. Từ đây, người dân dần thoát nghèo, cuộc sống bớt vất vả, bấp bênh…

Đến nhà “kéo” dân ra lớp

Mường Lèo - một trong những xã khó khăn nhất huyện Sốp Cộp (Sơn La) là nơi sinh sống của bà con người Mông, Khơ Mú và Thái. Số học sinh học hết THCS không nhiều, có những em lớp 8, lớp 9 đã bỏ học để lấy vợ, lấy chồng. Mặt khác, do điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội còn lạc hậu nên tình trạng mù chữ, tái mù của người dân tại 13 bản của Mường Lèo vẫn diễn ra. Trước thực trạng này, nhiều năm qua cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo đã tổ chức các lớp học xóa mù nhằm hỗ trợ người dân tăng cường kiến thức, kỹ năng cơ bản…

Thiếu tá Mai Thế Cảnh, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Mường Lèo, cho biết: Tháng 5, Đồn khai giảng lớp xóa mù tại bản Pá Khoang. Ban Chỉ huy Đồn giao nhiệm vụ đứng lớp giảng dạy trực tiếp cho Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Hờ A Thành, nhân viên Đội Vận động quần chúng. Lớp học mở tại nhà văn hóa xã Mường Lèo.

Hiện, lớp có 34 thành viên, 100% là người Mông. Người lớn tuổi nhất là anh Sồng A Tủa (hơn 50 tuổi); Ít tuổi nhất là Giàng Thị Mẩy (18 tuổi). Các buổi học diễn ra từ 7 giờ 30 phút – 9 giờ 30 phút, tối thứ 2 - 6 trong tuần. Tuy nhiên, thể theo đề nghị được học thêm cả tối thứ 7 của học viên, Đại úy Hờ A Thành đã sắp xếp công việc của Đồn và cá nhân để dạy người dân.

Đại úy Hờ A Thành chia sẻ: Ngay khi Đồn có chủ trường mở lớp và điều tra số dân mù chữ, tái mù của bản, phụ trách lớp phải đi từng ngõ gõ từng nhà “kéo” dân đi học. Bên cạnh một số bà con chủ động tham gia lớp, không ít người mặc cảm “tuổi cao”, quá tuổi đi học, xấu hổ với con cháu, người thân nên khá rụt rè, thậm chí không tham gia.

“Những lúc đó, một mặt tôi phải thuyết phục, vận động giúp dân hiểu lợi ích khi biết đọc, viết. Mặt khác, chỉ ra nếu tham gia dù tuổi cao sẽ làm gương cho con cháu về tinh thần học tập, bản thân có kiến thức để áp dụng vào cuộc sống. Khi đã hiểu, dân tới lớp và học tập đầy đủ…”, Đại úy Hờ A Thành cho biết.

“Bà con đi học chưa đều sẽ khó khăn trong việc tiếp thu bài học, thậm chí người dạy phải dành thời gian hỗ trợ để kiến thức đồng đều. Song cần thông cảm, nhẫn nại với bà con bởi lao động kiếm sống vẫn đè nặng lên mỗi gia đình. Chỉ mong người dân sắp xếp hợp lý nhất để đến lớp đều hơn, hoặc chịu khó ôn bài tại nhà vào lúc rảnh…”, Đại úy Hờ A Thành trao đổi.

Lớp học có 34 học viên đăng ký, ý thức học tập tăng lên, song số buổi duy trì được 100% học viên không nhiều bởi bà con bận bịu với lao động, sản xuất. Đặc biệt, vào vụ mùa, khi thời tiết mưa gió lớp chỉ duy trì từ 15 - 20 học viên/buổi.

Thiếu tá Mai Thế Cảnh cho biết thêm, hiện các lớp học xóa mù do Đồn tổ chức còn khó khăn về địa điểm triển khai, cơ sở vật chất… Làm sao để lớp học ở trung tâm, thuận lợi cho đa số người dân tới lớp luôn là trăn trở của người lính biên phòng. Và để khuyến khích bà con đi học đầy đủ, không phải đóng góp bất kỳ khoản nào, cán bộ chiến sĩ Đồn đang nỗ lực huy động sách, bút, vở, các phần thưởng trao tặng.

Chị Giàng Thị Mẩy đăng ký tham gia lớp học khi có bầu. Học vài tháng chị đến ngày sinh nở. Song chỉ 1 tháng sau sinh, vào các buổi tối chị Mẩy gửi con để tới lớp. Nhiều hôm không nhờ được người trông, chị địu cả con đến lớp. Mẹ học, con ngủ trong tiếng ê a của lớp xóa mù.

“Trước đây vì hoàn cảnh em không được học tập. Khi lớp xóa mù mở ở bản và được các chú bộ đội vận động, bản thân thấy việc học cần cho cuộc sống và sau này có thể nuôi dạy con cái nên quyết tâm theo học. Em đã đọc được tiếng Việt và đang cố gắng đọc câu dài hơn. Biết chữ ra đường em thấy tự tin hơn; đi chợ, không phải nhờ người “phiên dịch”. Em sẽ cố gắng học cho tới khi lớp kết thúc…”, chị Mẩy chia sẻ.

Lớp học xóa mù với nhiều độ tuổi, có cả những bà mẹ bế con tới lớp. Ảnh: Đồn Biên phòng Mường Lèo cung cấp

Lớp học xóa mù với nhiều độ tuổi, có cả những bà mẹ bế con tới lớp. Ảnh: Đồn Biên phòng Mường Lèo cung cấp

Dạy chữ dạy cả kỹ năng

Lớp học xóa mù của Đại úy Hờ A Thành sẽ trang bị kiến thức từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó trọng tâm giúp học viên cách đọc hiểu, viết, phép tính đơn giản để sử dụng vào cuộc sống. Do lớp đa dạng độ tuổi, trình độ, tiếp thu… nên mỗi buổi dạy Đại úy Thành phải linh hoạt phương pháp. Anh chia lớp làm 2 nhóm, nhóm chưa biết ngồi bên trái, nhóm đã được học và biết chút ít bên phải. Khi dạy chia bảng làm đôi, một bên học Toán, một bên tiếng Việt.

Không chỉ dạy đọc, viết, Đại úy Hờ A Thành còn lồng ghép một số kỹ năng vào quá trình học tập của học viên. Ví như, với nhóm đã biết chữ và có tuổi, sẽ lồng ghép cách chăm sóc con cái, phát triển kinh tế; với học viên trẻ tuổi lồng ghép nội dung vệ sinh ăn ở, sinh hoạt… Đặc biệt, anh còn mạnh dạn đưa người dân thăm đường biên, cột mốc. Tại địa điểm này sẽ giới thiệu, tuyên truyền chủ quyền biên giới; giúp người dân hiểu ý nghĩa lịch sử; sự phối hợp với Đồn trong bảo vệ đường biên cột mốc.

“Lớp học với 100% bà con dân tộc Mông nên chỉ nói tiếng dân tộc. Quá trình dạy học, bản thân phải hết sức kiên nhẫn để giải thích. Dùng lợi thế bản thân là người Mông, quá trình dạy học khi cần giải thích sâu một vấn đề, tôi đều cố gắng dịch sang tiếng Mông giúp người học dễ hiểu. Mặt khác, thường xuyên động viên, tránh quát mắng khiến người học xấu hổ, tự ái mà bỏ học…”, Đại úy Hờ A Thành chia sẻ.

Anh Sồng A Tủa, nhiều tuổi nhất lớp trao đổi: Thầy Thành dạy dễ hiểu, kiên nhẫn giảng lại khi bà con chưa hiểu hoặc chậm tiếp thu. Thầy còn dạy nhiều kỹ năng để áp dụng vào lao động, sản xuất. Được thầy Thành dạy bảo chúng tôi tự tin hơn với chính mình và người thân. Xem tivi, nghe đài hiểu hơn, biết xem giá, nhìn cân, biết tính tiền lúc đi chợ…”.

Xóa mù chữ chỉ là một trong những nhiệm vụ của người lính biên phòng, tuy nhiên được giúp người dân mở mang phát triển, chúng tôi luôn sẵn sàng và xem như trách nhiệm. Mặt khác, hoạt động này cũng góp phần thắt chặt hơn tình cảm quân dân nơi biên giới, từ đó phát huy tốt nhất vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước… - Thiếu tá Mai Thế Cảnh (Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Mường Lèo)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.