Nắm bắt được nhu cầu sử dụng ma túy tổng hợp trong nước tăng cao, thời gian gần đây, không ít đối tượng tìm kiếm công thức trên mạng internet để nghiên cứu, tách chiết, điều chế ma túy tổng hợp từ các loại tiền chất, thuốc tân dược bán rộng rãi trên thị trường.
Sau khi hàng loạt các xưởng sản xuất ma túy tổng hợp từ thuốc cảm cúm Ameflu, Tiffy, thuốc chống viêm mũi dị ứng hay từ tinh dầu xá xị… bị triệt phá, mới đây, các đối tượng lại tìm cách sản xuất ra loại hàng quốc cấm này từ thuốc thú y. Và các loại thuốc dùng để điều trị cho chó cảnh, mèo cảnh này hiện đang bị săn lùng với mức giá bị đẩy lên gấp 10 lần, thậm chí tới 30 lần vẫn không dễ để mua.
Những ổ sản xuất ma túy giữa lòng thành phố
“Xưởng” sản xuất ma túy tổng hợp đầu tiên từ thuốc thú y hình thành rất tình cờ. Tại một cơ sở nuôi, nhận chăm sóc chó cảnh có một đối tượng chuyên phẫu thuật chó. Trong một lần phẫu thuật, dung dịch gây mê bị đổ quá tay nên anh ta để vào chiếc đĩa ngoài ban công. Ít ngày sau, anh ta vô tình phát hiện, chất kết tủa trên đĩa chính là loại ma túy Ketamine.
Lòng tham nổi lên, đối tượng này đã đem số ma túy vô tình thu gom được bán cho đám con nghiện lấy tiền. Sự việc bại lộ, ngày 24/6/2017, đối tượng là Phùng Quang Anh (SN 1990, ngụ P.Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) bị Công an TP.Hà Nội bắt giữ về tội mua bán trái phép chất ma túy Ketamine. Tiến hành giám định, số ma túy được đối tượng tách chiết từ thuốc thú y nhập khẩu này có hàm lượng tới 57,1% Ketamine.
Những dụng cụ các đối tượng dùng tách chiết ma túy |
Chỉ vài tháng sau, một vụ sản xuất ma túy tổng hợp từ thuốc thú y với quy mô lớn hơn nhiều lần đã bị phát hiện. Các trinh sát Phòng 7-Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phát hiện một nhóm đối tượng cũng đi mua thuốc gây mê cho chó mèo để đem về chưng cất thành ma túy tổng hợp dạng Ketamine đem bán cho con nghiện.
Lập án đấu tranh, đến ngày 25/11/2017, lực lượng Phòng 7 phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - CATP Hà Nội đã đồng loạt phát hiện tại 4 địa điểm, gồm 2 căn hộ ở khu chung cư Green Star (số 286 Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và 2 ngôi nhà trong ngõ 250 Nguyễn Xiển có một nhóm đối tượng đang tiến hành tách chiết Ketamine tinh chất từ 2 hoạt chất là Ketamil Injection và Ket A-100.
Cơ quan điều tra đã bắt giữ 3 đối tượng: Chu Việt Long (SN 1980, ngụ số 10, ngách 12, ngõ 34, Âu Cơ, P.Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội); Chu Hải Xuân (SN 1982, ở số 9, ngách 65/20, P.Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) và Trương Thị Thảo Nguyên (SN 1993, vợ Chu Việt Long).
Đối tượng Long và Xuân tại cơ quan điều tra |
Tiến hành khám xét nơi ở của các đối tượng, Cơ quan Công an phát hiện, thu giữ nhiều loại ma túy, dung dịch, hóa chất và dụng cụ để điều chế sản xuất ma túy, gồm: 538 viên ma túy tổng hợp, 72 gram Ketamine thành phẩm; 4.300 ml dung dịch chưa thành phẩm chứa trong các lọ thủy tinh màu nâu loại 50ml dán nhãn Ketamil Injection; 12.400 dung dịch chứa thành phẩm đựng trong 248 lọ thủy tinh dán nhãn Xyla Holland; 292 lọ thủy tinh màu nâu, bên ngoài dán nhãn Ket-A-100, 2 máy dập viên cùng nhiều đồ vật liên quan đến vụ án.
Đặc biệt, thu tại nhà đối tượng 7 ghế đôn tự chế có khóa điện điều khiển từ xa để giấu ma túy bên trong. Tập trung đấu tranh, khai thác, mở rộng vụ án, cơ quan điều tra đã bắt giữ thêm một số đối tượng là cán bộ cơ quan nhà nước có liên quan.
Không chỉ tại Hà Nội, mới đây, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy-Công an TPHCM cũng phát hiện, bắt giữ một số “xưởng” sản xuất ma túy tổng hợp từ thuốc thú y.
Nhiều bất cập trong quản lý
Ketamil Injection là thuốc dùng để gây mê trên trâu, bò, ngựa, heo, dê, chó, mèo...; thuốc có hoạt chất chính là Ketamine HCL, nhập khẩu từ Australia. Các loại thuốc được số đối tượng trên sử dụng để tách chiết, sản xuất Ketamine cũng đều là các loại thuốc được phép nhập khẩu, mua bán, sử dụng rộng rãi trên thị trường.
Ketamil Injection được các đối tượng sử dụng để tách chiết ma túy |
Theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an, khi tiến hành điều tra nguồn gốc số thuốc thú y này đã xác định, thuốc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nhập khẩu, lưu hành rộng rãi và hầu hết các Chi cục Thú y các địa phương đều được phân bổ. Trước đây, giá mỗi lọ thuốc thông thường khoảng 100.000 đồng/lọ 50ml. Tuy nhiên hiện nay, giá thuốc đã bị đẩy lên tới trên 1 triệu đồng/lọ mà vẫn không có hàng để mua.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã thử liên hệ tìm mua loại thuốc rất phổ biến này trên mạng, tuy nhiên, giá đã bị đẩy tới 2,9 triệu đồng/lọ 50ml nhưng vẫn bị từ chối vì hết hàng…
Theo các tài liệu chuyên ngành, ở dạng tinh thể, Ketamine có màu trắng, kết tinh thành dạng que nhỏ hơn tinh thể mì chính. Ketamine được sử dụng trong y tế như một loại thuốc gây mê đơn giản, dễ sử dụng, thậm chí ở dạng thuốc viên, không đòi hỏi phải có thêm thiết bị hay nhân viên y tế được đào tạo.
Tuy nhiên, do thuốc được sử dụng chủ yếu trong gây mê nên chỉ được phép sử dụng trong các bệnh viện và dưới sự hướng dẫn của các thầy thuốc gây mê có kinh nghiệm. Bởi vì, tác dụng phụ của thuốc là làm tăng-hạ huyết áp, loạn nhịp tim, gây teo bàng quang, tiểu ra máu, tăng trương lực cơ, gây co cứng, rung giật như động kinh, mê sảng, ảo tưởng, lú lẫn và hành vi kích động, ảo thị giác, nặng có thể dẫn tới suy hô hấp và ngừng thở, dẫn tới tử vong.
Do đó, ngoài việc bị lệ thuộc, suy nhược cơ thể, người sử dụng Ketamine còn bị rối loạn hành vi, nhân cách, tâm thần hoang tưởng, dễ dẫn đến hành động bột phát, không kiểm soát, thậm chí gây hại bản thân và người xung quanh…
Đặc biệt, Ketamine thường được đám dân chơi sử dụng chung với nhiều loại ma túy khác và đương nhiên, tác hại cũng như mức độ nguy hiểm sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Từ nhu cầu sử dụng thuốc trong y tế khiến việc cấm sử dụng Ketamine rất khó khăn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt Ketamine nằm trong danh sách các loại thuốc thiết yếu-những chất có sẵn cho bệnh nhân tại bất kì hệ thống y tế nào. Ketamine còn dùng phối hợp với các chất gây mê khác trong thú y, khi mổ cho chó mèo và các động vật khác.
Do vậy, để ngăn chặn xu hướng sản xuất, tách chiết loại ma túy tổng hợp nguy hiểm này từ các loại thuốc phổ biến trên thị trường, các lực lượng chức năng cần có biện pháp phối hợp quản lý hữu hiệu.
Đại tá Nguyễn Địch Nam, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy(C47)-Bộ Công an khẳng định, đây là một sơ hở trong công tác quản lý thuốc thú y mà trách nhiệm thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, đại tá Nam cũng cho biết, hiện tại, kể cả Luật Phòng chống ma túy và Nghị định 82 của Chính phủ cũng chưa có quy định cụ thể đối với trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong việc quản lý thuốc thú y có hàm lượng ma túy, tiền chất ma túy.
Trước tình hình đó, Cục C47 đã báo cáo lên Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an và Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình trạng này.
Giữa tháng 1/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNT và Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/CP theo hướng Bộ NN&PTNT quản lý thuốc thú y chứa tiền chất và chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất ma túy theo cơ chế quản lý chuyên ngành như Bộ Y tế, Bộ Công thương, tức là việc nhập khẩu, phân phối, sản xuất… đều phải theo quy định nghiêm ngặt, việc mua bán phải có đơn, có ghi chép, quản lý…