Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” (Nghị quyết 43).
Phát biểu tại phiên làm việc, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho biết, Nghị quyết số 43 được kỳ vọng bố trí 145 dự án, tổng số vốn đầu tư gần 13,5 nghìn tỷ đồng để đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Tuy nhiên, qua báo cáo giám sát cho thấy, tổng số giải ngân chỉ đạt khoảng 6,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 48% với nhiều nguyên nhân đã được nêu ra trong Báo cáo giám sát; trong đó có nguyên nhân là do các cơ quan chức năng chưa kịp thời ban hành các tiêu chuẩn, định mức liên quan đến đầu tư công, nhất là tiêu chuẩn định mức đầu tư các dự án về y tế, không có cấu phần xây dựng, liên quan đến các gói đầu tư trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, trung tâm y tế…. gây khó khăn cho các địa phương.
Mặc dù đại biểu đã kiến nghị tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị, Chính phủ tổng kết, sửa đổi Luật Đầu tư công và các văn bản thi hành, xóa bỏ thủ tục không cần thiết để thực hiện đầu tư công ở nước ta nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Đại biểu cũng kiến nghị trong các dự thảo Nghị quyết lần này cần có phương án, thời gian cụ thể để giải quyết khó khăn cho từng lĩnh vực; trong đó có lĩnh vực y tế và nghiên cứu hoàn thiện chế tài trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ổn định, hoàn thiện môi trường sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Đề nghị giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8%. |
Quá trình thực hiện Nghị quyết 43 cho thấy sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt quan trọng, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) nhìn nhận.
Đại biểu lấy ví dụ, việc giảm thuế xăng dầu, chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8%, nhưng lại “cứng nhắc” phụ thuộc vào Quốc hội và phụ thuộc vào Nghị quyết 43.
Đối với chính sách giảm nộp thuế đến cuối năm 2024, nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm vài tháng sang năm 2025, đây là thời điểm “giáp hạt” đối với doanh nghiệp.
Đại biểu cho rằng, bài học rút ra sau khi thực hiện Nghị quyết 43 là tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm, một chính sách đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác.
Do đó, nếu trong tương lai chúng ta lại có các chương trình gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống.
Theo đại biểu, nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế mức lớn hơn và cần tập trung vào một số ngành rất cụ thể.
Ví dụ vào thời điểm mới bắt đầu hết giãn cách, khôi phục các đường bay nên tính đến việc giảm VAT hàng không về 0 hoặc giảm các loại phí và thuế khác, điều này có thể giúp cho ngành hàng không và các ngành khác phục hồi phát triển kinh tế nhanh hơn…