Xóa “bản trắng” trên cao nguyên đá xám

GD&TĐ - Đã vài lần gia đình tìm cách xin cho cô Phương về thành phố sau mỗi bước ngoặt và biến cố xảy đến trong cuộc sống.

Thường xuyên phải xa con, nên sự chăm sóc, yêu thương mỗi ngày cô Phương dành hết cho bọn trẻ vùng cao.
Thường xuyên phải xa con, nên sự chăm sóc, yêu thương mỗi ngày cô Phương dành hết cho bọn trẻ vùng cao.

Song nỗi da diết về ánh mắt trong veo của bọn trẻ sau những phiến đá tai mèo xám xịt khiến cô không đành lòng…

“Bản trắng” mầm non

Trong kí ức của ông Thào A Páo, người có uy tín ở thôn Tà Chinh, xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên), hình ảnh về cô giáo Trần Thị Phương cho đến giờ vẫn đầy thân thương và cảm mến.

“Cô giáo Phương là người đầu tiên gây dựng lên lớp học mầm non ở đây. Cũng là người đầu tiên giúp bà con Tà Chinh thay đổi tư duy cho con đến lớp. Cô giáo ăn cơm ngô với đồng bào, nói tiếng nói của đồng bào nên là con của bản rồi” – ông Páo nói.

Rồi ông Kể, ở bản Tà Chinh – nơi đa phần diện tích đất là những triền đá tai mèo xám xịt. Bởi vậy mà, bà con người Mông sinh sống ở đây bao đời chỉ biết “chọc lỗ tra hạt”. Bọn trẻ như cây thông ở rừng, sinh ra rồi thì tự chơi, tự ngủ, đói tự tìm cái ăn mà lớn lên. Ông bảo, gia đình nào tiến bộ lắm thì cũng chỉ cho con tầm 6, 7 tuổi vào học lớp 1, chứ bọn nhỏ học hành gì mà cho đến lớp.

Từ ngày cô Phương về, lớp học đơn sơ dựng lên giữa bản luôn là nơi thu hút bọn trẻ trong vùng. Những ngày đầu chỉ có vỏn vẹn 20 trẻ 5 tuổi, dần thêm vài đứa 3 tuổi. Rồi đến giữa năm học thì trong nhà có anh, có em cứ dưới 5 tuổi là chúng kéo nhau đến lớp cô Phương. Kể từ đó đến nay, tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp đúng độ tuổi ở Tà Chinh luôn đảm bảo. Điểm trường cũng đã được đầu tư khang trang hơn.

“Ngày tôi đến Tà Chinh nhận nhiệm vụ là năm 2003, khi vừa ra trường. Biết lên vùng cao sẽ vất vả, nhưng vào đến nơi, tận mắt chứng kiến thì tôi vẫn thật sự sốc. Cơ sở lớp học không có bất cứ thứ gì. Cả bản nhìn quanh chỉ thấy rải rác vài nóc nhà hoang hoải giữa mênh mông đá tai mèo. Chỉ một thân gái, lại còn quá trẻ, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu nữa” – cô giáo Trần Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tủa Thàng số 2 (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) nhớ lại.

Vì đi theo chương trình xóa “bản trắng”, nên một mình cô Phương được giao phụ trách một bản. Dù quyết định chính thức từ 1/9, nhưng cô phải vào trước mấy ngày để có sự chuẩn bị.

“Lớp học được bố trí mượn tạm từ gian bếp của trường tiểu học có sẵn. Khi tôi vừa bước vào, cả phòng đen kịt vì màn hóng bám khắp trần và vách nhà. Để đồ gọn 1 góc, tôi bắt tay ngay vào lau dọn, rồi xin vôi về quét tường. Phải quét tới 3 lần, tường mới sáng lên được” – cô Phương kể.

Có lớp học, cô Phương bắt đầu cuộc hành trình đi tìm học sinh. Không thuộc địa bàn, không biết tiếng, cô nhờ cậu học sinh tiểu học đi cùng để kết nối. Đến từng nhà rà soát xem có con em trong độ tuổi thì vận động ra lớp. Cô Phương cũng tranh thủ nhặt vỏ, nắp chai nhựa, lon nước ngọt, hoặc thanh tre, gỗ vụn… để về tự làm đồ dùng dạy học.

Những đứa trẻ đầu tiên tới lớp với “mắt tròn mắt dẹt”. Chúng chăm chú, rồi hứng thú nhìn đồ chơi, vật dụng, hình thù mà cô Phương trang trí trong lớp. Cứ thế qua mỗi ngày, học sinh đông dần lên. Cho tới khi được 30 trẻ thì cô không dám nhận, để đảm bảo công tác giảng dạy, chăm sóc các con được chu đáo.

Cho đến tận bây giờ, khi đã giữ vai trò là một nhà quản lý, song đôi lúc cô Phương vẫn “xin” giáo viên “đổi vai” để tận tay chăm sóc cho bọn trẻ.
Cho đến tận bây giờ, khi đã giữ vai trò là một nhà quản lý, song đôi lúc cô Phương vẫn “xin” giáo viên “đổi vai” để tận tay chăm sóc cho bọn trẻ.

6 lần mang thai, chỉ 2 lần được làm mẹ

Gần 20 năm công tác tại vùng đất cao nguyên đá Tủa Chùa, cô Phương không nhớ hết những kỉ niệm ghi dấu khắp các địa bàn khó khăn, như: Tả Sìn Thàng, Xá Nhè, Tủa Thàng. Có những kỉ niệm, mãi trở thành nỗi khắc khoải mang theo suốt hành trình.

“Sau 3 năm công tác thì tôi lập gia đình. Anh dạy cùng địa bàn với tôi, nhưng ở cấp THCS nên ở trung tâm. Chúng tôi nhận tin vui có bầu bé đầu lòng chỉ sau ngày cưới một thời gian ngắn. 5 tháng sau 2 vợ chồng lại khóc hết nước mắt vì tôi bị “dọa” sảy. Cơ địa tôi yếu, mà trên này đi lại thì cực quá” – cô Phương tâm sự.

Rồi cô kể, lần “dọa” đó, cô phải về TP Điện Biên Phủ điều trị hơn 1 tháng. Suốt thời gian ở viện, cô phải nằm “treo chân”, uống không biết bao nhiêu thứ thuốc vào người để giữ con. Yêu cầu công việc không thể nghỉ lâu, cô Phương phải quay lại trường với sự hỗ trợ của gia đình.

Vừa đi dạy, vừa lo nơm nớp. Cố gắng gìn giữ, đến tháng thứ 8 em bé chào đời. Cũng vì sinh non, em bé có sức đề kháng yếu nên thường xuyên đau ốm khiến cô giáo trẻ lần đầu làm mẹ hết sức vất vả.

“Trên này thời tiết khắc nghiệt lắm. Mùa đông lạnh thấu xương, người lớn như tôi còn phải khó khăn lắm mới làm quen được nữa là trẻ con. Bà nội thương cháu nên đón về nuôi cho tới năm cháu 10 tuổi. Rồi tôi cũng chuyển công tác, kể từ đó nhà 3 người thì sống cảnh mỗi người một nơi” – cô Phương cho hay.

Rồi như có thứ gì đó ứ nghẹn, cô Phương tạm dừng câu chuyện trong vài phút rồi mới tiếp lời: “Sau khi sinh cháu đầu, tôi có bầu thêm 5 lần nữa, mà tới 4 lần không có duyên để giữ con lại với mình. Hai lần giữ được con thì cũng vất vả lên xuống. Người ta mang bầu 9 tháng 10 ngày, còn tôi cả 2 đứa chỉ được 8 tháng 10 ngày, nên yếu và thiệt thòi đủ thứ” – cô Phương xót xa.

Từ “bản trắng” mầm non, giờ đây tỷ lệ trẻ đúng độ tuổi ra lớp ở Tà Chinh đã được bảo đảm.
Từ “bản trắng” mầm non, giờ đây tỷ lệ trẻ đúng độ tuổi ra lớp ở Tà Chinh đã được bảo đảm.

Ở lại vì nỗi nhớ “đặc biệt”

Thương cô Phương vất vả, lại khó khăn chuyện con cái, đã vài lần gia đình tìm cách xin cho về thành phố sau mỗi bước ngoặt và biến cố xảy đến trong cuộc sống. Song nỗi da diết về ánh mắt trong veo của bọn trẻ sau những phiến đá tai mèo xám xịt khiến cô giáo Phương không đành lòng rời xa.

“Nhà tôi từ bố mẹ, cô, chú và các bác ai cũng khuyên về gần. Lần cao điểm nhất là khi tôi về Điện Biên học. Mọi người bảo học xong thì đừng quay lại đó nữa. Nhưng tôi một mực phải quay lại. Bố mẹ tôi bảo, thế thì đừng hối hận. Và cho đến giờ tôi vẫn không hề hối hận” – cô Phương bộc bạch.

Cô Phương bảo, suốt 3 tháng đầu tiên đi làm, ngày nào cô cũng đau đáu nỗi nhớ nhà, bố mẹ và mọi người. Trong những ngày đó, không ít lần có ý định bỏ về. Nhưng khi đã trải qua thời điểm đó, thì không còn ý định bỏ nghề nữa. Giờ đây trong cô luôn có một nỗi nhớ đặc biệt với bọn trẻ vùng cao.

“Cũng đúng thời gian tôi đi học ở Điện Biên, có một điều thật lạ là tôi không thấy nhớ nhà hay người thân nữa. Trong tâm trí lúc nào cũng khắc khoải ánh mắt trong veo của bọn trẻ ở bản. Nhớ mùi ngai ngái của bọn chúng. Có lẽ đó là động lực thôi thúc tôi quay lại” – cô Phương giãi bày.

Kể từ đó, cứ mỗi lần cô gặp chuyện buồn, nhất là về con cái, cả gia đình lại khuyên can với đủ lý do. Nhưng nỗi nhớ “đặc biệt” về những đứa trẻ nơi cao nguyên “đá xám” cứ đeo bám, khiến cô mãi khắc khoải. Không đành lòng rời xa, cô bảo “Giờ thì vợ chồng tôi đã làm nhà, đón các con lên đây học tập, nghĩa là xác định ở lại, gắn bó với nơi này luôn rồi”.

Cho đến tận bây giờ, khi đã giữ vai trò là một nhà quản lý, song đôi lúc cô Phương vẫn “xin” giáo viên để được “đổi vai” làm cô giáo. Tận tay chăm sóc cho bọn trẻ, từ việc cho ăn, vệ sinh tay chân, tổ chức hoạt động vui chơi, trải nghiệm... “Chính những lúc đó là thời điểm tôi hạnh phúc nhất, có thể quên hết mọi vướng bận trong lòng” – cô Phương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Từ phải qua: Đạo diễn Việt Linh, tác giả Hải Anh và họa sĩ Pauline Guitton giao lưu tại buổi ra mắt sách ở Việt Nam do Nxb Kim Đồng tổ chức. Ảnh: Bình Thanh.

Thuở ấy, mẹ đã 'Sống'!

GD&TĐ - Thuở ấy – những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ - mẹ đã sống như thế và hôm nay được thế hệ gen Y lớn lên ở Pháp ghi lại bằng lăng kính mới lạ.