Không ít thầy cô giáo phải chấp nhận ngày 2 lần “vượt cạn” hơn 40km đường rừng để về với… nước.
“Thèm” nước hơn cơm…
Cô giáo Hoàng Thị Ngọc, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở (THCS) Trung Thu, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên). Cô cho biết, hai mẹ con mất chừng 8 tháng chống chọi với “cơn khát” nước sinh hoạt.
Đầu năm 2020 khi vừa hết thời gian nghỉ chế độ thai sản, đó cũng là lúc con gái đầu lòng tên Nguyễn Ánh Ngân của cô Ngọc vừa tròn 6 tháng tuổi, hai mẹ con bồng bế nhau trở lại trường. Suốt 8 tháng liền, mẹ con cô Ngọc đã trải qua không biết bao nhiêu nỗi vất vả trước tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt.
“Ở đây là xã vùng cao, luôn khan hiếm nước về mùa khô, nhất là những tháng sau Tết. Trong suốt giai đoạn đó, mẹ em mới lên trông con để em còn dạy học. Ngày nào bà cũng dậy sớm, lấy 1 can 20 lít đi bộ chừng hơn 1km, từ nhà ra cái bể duy nhất của xã để hứng. Bà phải đi sớm vì lúc đó vắng người, may ra thì còn hứng được một chút để về nấu ăn”, cô giáo Hoàng Thị Ngọc chia sẻ.
Những hôm may mắn, đi sớm, mẹ đẻ cô Ngọc gánh về được chừng 2 can đầy. Thế là cả ngày hôm đó mấy mẹ con vui lắm vì có thể “xúng xính” nước sài. Nhưng cũng có những hôm lại trở về tay không.
“Vì cháu nhà em còn nhỏ, cháu tè dầm liên tục nên mỗi ngày phải vài chậu quần áo, tã lót… Chẳng có nước, em lại tranh thủ những lúc rảnh rỗi, con ngủ thì lấy xe máy đi đến chỗ có nguồn nước để giặt, rồi mang về phơi. Chỗ nào gần thì cũng cách nhà chừng 6km gì đó. Nói chung là rất khổ vì nước từ đầu nguồn chảy về cứ ti ti, nhỏ giọt nên có muốn lấy cũng chẳng có mà lấy”, cô Ngọc kể.
Con nhỏ chưa đến kỳ cai sữa nên cô Ngọc cũng không thể làm gì khác ngoài chấp nhận đối diện với thực tế. 8 tháng dòng trong tình cảnh như vậy, cô Ngọc đã cai sữa cho con sớm rồi đưa con về ở nhà tại thị trấn Tủa Chùa. Điều này đồng nghĩa với việc cô chấp nhận sáng đi, chiều về, vượt chừng hơn 40km đường rừng mỗi ngày để về với con.
“Nhớ lại giai đoạn đó em vẫn còn sợ. Hôm nào may mắn thì cả nhà có được 1 can 20 lít để dùng. Còn lại chúng em cũng chỉ biết trông chờ vào ông trời. Khi mưa xuống, ai cũng hứng, hứng được bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu thôi”, cô Ngọc kể tiếp.
Suýt “mất mạng” vì lấy nước…
Giống như cô Ngọc, hoàn cảnh của cô Lò Thị Chinh - giáo viên Trường THCS Trung Thu, xã Trung Thu éo le không kém. Khi cháu Cà Thị Quỳnh Hương ra đời cũng là lúc gia đình cô vất vả nhất. Nhà ở thị trấn, trường học nơi cô công tác lại cách nhà hơn 20km. Hết phép là lúc Quỳnh Hương tròn 6 tháng tuổi, cả nhà lại rồng rắn đưa nhau lên trường.
“Công việc của em thì không thể nghỉ được. Vì thế, chồng em phải xin nghỉ tự túc, không hưởng lương để lên trường trông con để em còn đi dạy học. Ở đây muốn thuê người cũng chẳng có. Mà năm ngoái lại còn dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp nên càng khó khăn hơn. Mỗi lúc rảnh rỗi, em trông con thì chồng em lại đi khắp nơi để hứng nước mang về. Mỗi lần như thế lại tranh thủ mang cả đống quần áo của cả gia đình đi để giặt rồi mang về”, cô giáo Lò Thị Chinh nói.
Không riêng gì cô Chinh, cô Ngọc mà hàng nghìn giáo viên, học sinh ở Trung Thu và hơn 1.000 hộ dân ở các bản lân cận trường học đều sử dụng chung một bể nước duy nhất. Nếu muốn có nước dùng dồi dào hơn, họ phải luồn rừng, đi xa hơn, đến một điểm cách xa trung tâm xã chừng hơn 6 km. Đó là mó nước vẫn ngày đêm róc rách từng giọt, chứ nếu muốn nhiều nước hơn, họ lại phải đi xa hơn ngần ấy quãng đường. Cũng có lúc cô Chinh suýt mất mạng bởi đường rừng hiểm trở.
“Chắc chẳng bao giờ em có thể quên được. Có lần đã tranh thủ “trốn” con để đi lấy nước. Luồn đường rừng đã vất vả thì chớ, khi đến lại phải đợi nước chảy từng giọt. Khi đi về, không may vấp phải mô đá, thế là cả người và xe đều đổ xuống, suýt mất mạng. Lúc đó nước lại chảy ra ngoài hết, em chỉ biết ngồi mà khóc thôi! Giờ nghĩ lại cảnh đó cũng thấy sợ…”, cô Lò Thị Chinh tâm sự.