Tọa đàm "Lập kế hoạch du học và xin việc ở Mỹ theo diện lao động chuyên môn” diễn ra vào 27/1 tại Hà Nội đã giúp học sinh Việt Nam, du học sinh, nghiên cứu sinh và phụ huynh có một cái nhìn tổng quan về thị trường tuyển dụng ở Mỹ và cần chuẩn bị những gì để tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc thời điểm phù hợp học tiếp lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ.
“Giấc mơ Mỹ” - liệu có xa vời?
Khi xã hội phát triển, đời sống người dân cũng từ đó được nâng cao, con người không chỉ có nhu cầu ăn ngon mặc đẹp mà còn muốn có thêm lối sống mới cho gia đình trong một xã hội tiên tiến.
Trong xu thế đó, hiện rất nhiều gia đình muốn cho con cái và thế hệ kế cận trở thành công dân toàn cầu. Một trong những lựa chọn được các gia đình quan tâm hàng đầu là Mỹ - quốc gia thịnh vượng, nơi hội tụ các cơ hội tốt nhất.
Tuy nhiên, xin việc, làm thẻ xanh và định cư Mỹ không phải là điều dễ dàng. Theo một thống kê không chính thức, cứ 100 du học sinh đang học Mỹ chỉ có khoảng 2-3 người (muốn hoặc có thể) ở lại làm việc theo con đường khoa bảng.
Tiến sĩ Đinh Công Bằng (chuyên gia chính phủ điện tử ở Florida, có hơn 20 năm làm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam và Hoa Kỳ, hiện là nhà hoạt động cộng đồng du học – chuyên hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ) cho biết, về cơ bản có 7 mốc sự kiện quan trọng để sinh viên quốc tế nhận thẻ xanh sau thời gian du học tại Mỹ.
Đó là nhận visa du học (visa F-1/ J-1), thực tập trước tốt nghiệp tại Mỹ, nhận thẻ lao động từ Sơ Di trú Mỹ - cùng lúc đó có thẻ an sinh xã hội, thực tập sau khi tốt nghiệp (OPT), những ứng cử viên có triển vọng được công ty mời ở lại làm việc - được cấp visa làm việc H1B, sau thời gian tiếp theo được công ty/ trường đại học bảo lãnh thẻ định cư tại Mỹ.
Thị trường việc làm ở Mỹ đang có xu hướng tuyển sinh viên quốc tế chủ yếu ở các lĩnh vực nước Mỹ thiếu lao động chất lượng cao.
Ông Công Bằng nói: “Mỗi năm nước Mỹ chỉ cấp 65.000 visa H1B một năm dành cho người đã có bằng đại học. Trong hơn 10 năm nay, họ ưu tiên dành thêm hơn 20.000 visa H1B một năm dành cho người có bằng trên đại học ở Mỹ (bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ).
Một điểm lưu ý, luật và thị trường Mỹ đều ưu tiên các ngành STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học); do đó mỗi sinh viên quốc tế tốt nghiệp đại học, cao học, tiến sĩ ngành này được cho phép thực tập tối đa 36 tháng, các ngành còn lại tối đa 12 tháng”.
Visa cho du học sinh và lao động nước ngoài
Cũng trong buổi tọa đàm, diễn giả cung cấp cho người tham dự các loại visa chính dành cho sinh viên du học quốc tế và các loại visa chính cho người lao động quốc tế có chuyên môn cao.
- Các loại visa chính dành cho sinh viên du học quốc tế gồm: F – 1, J – 1, H – 4 và M – 1.
- Các loại visa chính cho người lao động quốc tế có chuyên môn gồm F – 1 CPT, F – 1 OTP, J – 1 AT, H – 1B, L – 1, O -1, EB1/EB2.
Ngoài ra, diễn giả giải thích các cụm từ liên quan như CPT, OTP, H – 1B.
+ Thực tập trước tốt nghiệp F – 1 CPT:
- Đã hoàn thành ít nhất 1 năm học
- Tối đa 12 tháng
+ Thực tập sau tốt nghiệp F -1 OTP:
- Chỉ dành cho bằng ĐH trở lên
Ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 vào dịch chuyển xu hướng nghề nghiệp
Với thắc mắc của phụ huynh về những ngành nghề nào sẽ mất đi trong cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), TS. Đinh Công Bằng dẫn chứng câu nói của một diễn giả nổi tiếng người Do Thái rằng chưa bao giờ loài người phải đối diện với một câu hỏi khó đoán như thế.
“Không ai có thể biết trước được những nghề gì sẽ mất và còn trong vòng 10 – 20 năm tới. Nền công nghiệp 4.0 và sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo làm việc tiên đoán vấn đề này trở nên khó khăn hơn.
Nhưng một số ngành có thể đoán được một chút sẽ mất xu thế như nghề luật sư. Bởi vì nghề đó phải xử lý, biên soạn rất nhiều giấy tờ, hồ sơ,.. thì bây giờ đã có phần mềm AI giúp những việc đó.
Một nghề khác đang rất “hot” hiện nay là bác sĩ. Tuy vậy, trong tương lai, nghề này sẽ không thịnh hành như bây giờ. Do bác sĩ phải thực hiện nhiều việc chẩn đoán, đo lường thông số… và đôi khi nó sẽ bị chi phối bởi cảm xúc dẫn đến sai lệch. Chính vì thế, đã có các máy móc, công nghệ hiện đại hỗ trợ đắc lực cho nghề y”, ông Đinh Công Bằng dẫn chứng thêm.
Bởi vậy, lời khuyên của TS. Đinh Công Bằng cho người Việt muốn gia tăng cơ hội làm việc sau khi du học Mỹ là chú trọng đến các yếu tố gồm:
Thứ nhất, chọn đúng ngành mà nước Mỹ đang cần (chỉ những ngành thiếu nhân lực họ mới tuyển sinh viên nước ngoài), ví dụ: Khoa học máy tính, Lập trình, Thống kê, Toán ứng dụng, Toán tài chính, Toán bảo hiểm; Kỹ thuật y sinh, Kế toán, tài chính, phân tích kinh tế...
Thứ hai, bằng cao học (trở lên) là điều kiện lợi thế xin việc cho sinh viên quốc tế xin việc tại Mỹ sau tốt nghiệp. Hai điều kiện tiếp theo là những dấu chỉ rõ ràng của những người sẽ xin được việc tại Mỹ sau khi tốt nghiệp là: thực tập trước và sau tốt nghiệp tại Mỹ.
“Yếu tố quan trọng để chọn ngành học và đi vào làm việc ở một nghề cụ thể là hiểu mình muốn gì, mong mình trở thành người như thế nào và mạnh ở điểm nào. Hơn nữa, mỗi người cần rèn cho mình khả năng tái tạo bản thân.
Có như vậy, các bạn trẻ Việt mới tìm ra được con đường lập nghiệp tại một thị trường khắt khe với lao động quốc tế như Mỹ”, tiến sĩ Bằng nhấn mạnh.