Xin hãy lắng nghe và định hướng

GD&TĐ - Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, mạng xã hội rất phát triển và tốc độ lan truyền thông tin thì vô cùng nhanh chóng. Đó là thành tựu của khoa học công nghệ nhưng mặt trái của nó cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.

Xin hãy lắng nghe và định hướng

Băn khoăn, quan ngại của thầy cô giáo và cha mẹ học sinh

Khi thông tin được lan truyền nhanh chóng, ồ ạt, tránh sao khỏi những thông tin thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng, tránh sao khỏi những tin đồn nhảm nhí chen vào những thông tin trung thực hữu ích. Điều đáng nói là, những thông tin thất thiệt, những bàn luận vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội đã và đang tạo “bão dư luận” gây không ít những hoang mang, dao động cho mọi người trong đó có cả trẻ em – lứa tuổi học sinh vốn dĩ kinh nghiệm sống chưa nhiều, nhận thức và lập trường chưa vững vàng.

Tác hại dễ nhận thấy trước tiên là trẻ em lứa tuổi học sinh cũng tập tành bày tỏ thái độ trước những hiện tượng xã hội bằng những câu chửi thề, những bình luận tiêu cực, những bàn luận a dua hội nhóm… Lo lắng tâm hồn trong sáng của con trẻ bị ô nhiễm, các bậc phụ huynh học sinh chỉ ước có được một bầu không khí vô trùng để con em mình vui sống, học tập và rèn luyện. Trong “ bầu không khí vô trùng” ấy, sẽ không hề xuất hiện những sự kiện tiêu cực, những vấn nạn nhức nhối, những nguồn tin thất thiệt.

Cách giải quyết có phần chưa đúng

Thật dễ dàng để tìm thấy trong điều khoản nội quy của các nhà trường luôn có những “lệnh cấm” với học sinh nhưng nhận được sự đồng thuận lớn của PHHS và giáo viên như: Không điện thoại, không máy nghe nhạc, không Internet. Nghĩ rằng chỉ như thế mới bảo vệ được con em và học sinh mình khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội. Cấm như vậy để chúng chỉ còn tập trung tiếp nhận bài học văn hóa trên lớp, sẽ chỉ bàn luận về cách giải bài toán, bài vật lí, cách mở đầu bài văn sao cho lôi cuốn…

Thực tế lại không được như mong muốn, bởi lứa tuổi học sinh luôn mong muốn và có quyền tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra trong cuộc sống này. Vì bị cấm nên chúng im lặng nín nhịn trước mặt thầy cô và cha mẹ nhưng không thôi bàn luận, mà bàn luận rất hăng bằng bàn phím điện thoại giấu dưới hộc bàn, hoặc ở nơi không có ánh nhìn kiểm soát của người lớn. Những cấm đoán của cha mẹ, thầy cô đã vô tình tạo dựng nên một hàng rào ngăn cách trong tâm hồn với trẻ em.

Giữ khoảng cách, lảng tránh trò chuyện với người lớn, chui vào thế giới ảo của tuổi mình - tuổi teen - để hăng hái bày tỏ chính kiến, chém gió chém bão, hỉ xả tâm tư…đó là hành vi thường thấy của các em học sinh hiện nay. Nhiều phụ huynh học sinh không khỏi bức xúc, nhiều giáo viên không khỏi lo lắng khi biết về sự thật này.

Đâu là cách làm đúng?

Trăn trở trước thực tế này, cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên chủ nhiệm trường THPT Trần Phú – Vĩnh Phúc, bằng kiến thức và phương pháp giáo dục có được qua các đợt tập huấn đã đổi mới giờ sinh hoạt lớp thành những buổi trao đổi thảo luận theo chuyên đề. Ở mỗi buổi sinh hoạt lớp thứ Bảy hàng tuần, thay vì lớp trưởng, bí thư đem sổ đầu bài, sổ cờ đỏ để báo cáo với GVCN và luận tội các bạn, cả lớp hào hứng lắng nghe các nhóm thuyết trình về một vấn đề xã hội nổi bật trong thời gian gần đây và tham gia thảo luận sôi nổi.

Trong thời gian gần đây, nhiều giáo viên đã tỏ ra chán nản, thất vọng, đau khổ khi xảy ra những việc đáng buồn như: phụ huynh phạt cô giáo quỳ; cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau bảng; cô giáo vào lớp nhưng không nói suốt cả học kỳ; thầy giáo bị học sinh đâm thủng bụng… Nhiều giáo viên chỉ mong sao học sinh mình đừng đọc, đừng biết đến những tin tức đáng xấu hổ về nghề dạy học và người đứng lớp. Giáo viên lo lắng, buồn chán cũng phải, bởi “con sâu làm rầu nồi canh”, chẳng gì thì những tin tức trên kia cũng làm cho hình ảnh thầy cô không còn thiêng liêng trong tâm trí học trò. Dù không muốn nhưng học trò vẫn biết và ai cấm được các em góp lời bàn luận thể hiện sự phẫn nộ trên mạng xã hội ?

Cô Phương chia sẻ: Cái việc ai cũng nghe, ai cũng biết thì phải đối diện không nên lảng tránh. Thầy cô hãy mở ra thái độ tôn trọng, lắng nghe các em nói để có những uốn nắn kịp thời những suy nghĩ chưa đúng mực.

Ai cũng nghĩ, vết thương thì nên bọc kĩ để khỏi nhiễm trùng, nhưng có lúc cần để mở vết thương cho thông thoáng và cần nhất là sát trùng để vi khuẩn không khu trú trong lớp băng gạc buộc quanh vết thương. Hãy mở ra những cơ hội để các em được bày tỏ suy nghĩ về các vấn đề xảy ra trong bầu không khí mà các em đang hít thở hàng ngày. Thầy cô hãy lắng nghe, khơi thông ý nghĩ như bác sĩ làm thông thoáng vết thương, không để các em học sinh tích tụ bức xúc trong lòng rồi sinh ra những phản ứng tiêu cực.

Thầy cô giáo phải lắng nghe học sinh, đó cũng là cách để rèn cho học sinh thái độ tranh biện lịch sự có văn hóa, rèn tư duy phản biện khoa học, trí tuệ và đúng mực. Theo như nhận xét của cô Phương, từ khi áp dụng đổi mới giờ sinh lớp theo chuyên đề thảo luận, học sinh lớp cô chủ nhiệm, các em đã thể hiện sự chín chắn trong suy nghĩ, phong thái chững chạc và tự tin, hiểu biết xã hội ngày càng phong phú, nỗ lực học tập, đúng mực trong quan hệ giao tiếp.

Trong những tấm thiệp tự làm mà các em học sinh lớp cô Phương chủ nhiệm gửi tới cha mẹ, có nhiều tâm thư khiến các bậc làm cha mẹ phải lưu tâm suy nghĩ: “Điều con muốn nói với bố là, con yêu bố. Nhưng con làm sao đủ tự tin đến gần khi bố luôn coi con là ngu dốt ?! Xin đường so sánh con với anh nữa được không!!!”; “Con thấy mình không có ý nghĩa gì vì bố mẹ chỉ thích công việc và thích tiền!”; “Con cảm ơn bố mẹ đã sinh ra con”; … Nghĩa là ngoài những tâm thư bày tỏ niềm hạnh phúc, tự hào, biết ơn với cha mẹ, có không ít những tâm thư thể hiện tâm trạng buồn rầu, đau đớn, tự ti vì thấy mình như bị bỏ rơi, mình kém cỏi không bằng anh chị em trong nhà, thấy cô đơn vì cha mẹ mải mê kiếm tiền…

Giáo viên chủ nhiệm lúc này như người dẫn nối hai đầu cầu đang xa cách nhau là cha mẹ và các con. Không khí gia đình trở nên hòa thuận, đầm ấm. Những đứa con trở lại ngoan ngoãn, siêng năng, lanh lợi và vui vẻ như xưa. Những ông bố bà mẹ trở nên đáng yêu, dễ chia sẻ, thân thiết như người bạn lớn của các con. Không gì khác, đó chính là kết quả của lắng nghe và định hướng, một nhiệm vụ trọng yếu của công tác giáo viên chủ nhiệm lớp trong thời đại cách mạng Công nghiệp 4.0.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ