Thầy là thầy Huỳnh Ngô Thanh Dũng - giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Hiền và Trường THPT Lê Minh Xuân, TP.HCM. Khi nghe tin thầy đã rời xa cõi tạm, nhiều thế hệ học sinh đã bật khóc "xin được làm học trò của thầy mãi mãi...".
Vì "Tôi là thầy giáo..."
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM, thầy Dũng về giảng dạy tại Trường THPT Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Những năm 1990, con đường Bà Hom - tỉnh lộ 10 nối các quận nội thành với Trường Lê Minh Xuân đầy những ổ gà, ổ voi, trời nắng thì bụi mịt mù, trời mưa thì trơn trượt.
Vậy mà ngày ngày thầy Dũng và nhiều thầy cô khác ở nội thành vẫn cần mẫn vượt qua đoạn đường gần 20km để đến với bục giảng. Tôi may mắn được học với thầy vào năm lớp 12 (niên khóa 1993-1994).
Ấn tượng lớn nhất của tôi khi lần đầu học với thầy là: thầy khó quá! Thầy yêu cầu chúng tôi phải soạn bài trước khi học bài mới với lý lẽ: "Phải soạn bài mới dễ hiểu bài và có thể thuộc bài ngay tại lớp".
Thầy cho học sinh ghi bài rất ít, chỉ là vài gạch đầu dòng với những ý chính. Thầy đặt câu hỏi, gợi mở cho cả lớp suy nghĩ, phát biểu, tranh luận... rồi cuối cùng thầy sẽ "gút" lại vấn đề.
Thầy khó tính thật, lớp nào không soạn bài thầy bắt cả lớp đứng cho hết tiết rồi yêu cầu về nhà soạn lại, hôm sau thầy mới giảng bài. Thầy rất nguyên tắc, khi phát hiện trong lớp có học sinh chép bài từ sách văn mẫu, thầy đã chấm 2 điểm vì đó là "văn của người ta, không phải của em. Học văn thì phải cảm thụ được văn, dù nông hay sâu cũng là của mình".
Thầy khó vậy nhưng chúng tôi vẫn mong chờ đến tiết của thầy, mong chờ được học với thầy. Bởi thầy có chất giọng truyền cảm, bởi thầy hay liên hệ với thực tế trong những giờ dạy, thầy hay pha trò, thầy lý giải mọi việc một cách nhẹ nhàng và dễ hiểu... Giờ dạy của thầy đã kéo chúng tôi đến những "vùng đất mới" đầy mộng mơ, rất tươi đẹp và cực kỳ thú vị.
Cách đây hơn 10 năm, thầy Dũng phát hiện mình bị ung thư, lúc này thầy đã chuyển công tác về Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11. Vừa chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, thầy Dũng vẫn miệt mài soạn giáo án, giảng dạy và đau đáu với nỗi niềm: "Phải tạo điều kiện tối đa cho học sinh trải nghiệm với cuộc sống đời thường. Có thế các em mới học văn tốt được".
Những lần phẫu thuật rồi nằm bệnh viện, học sinh cũ, học sinh mới ra vô thăm thầy nườm nượp. Trong đó có cả những người thành đạt, áo quần bảnh bao; có cả những người lam lũ với mái tóc khét nắng... Những người nằm cùng phòng bệnh với thầy thắc mắc: "Anh làm chức gì mà nhiều người đến thăm thế?". Thầy đã rất hãnh diện trả lời: "Tôi là thầy giáo dạy văn...".
Người truyền cảm hứng
Những ngày này, Facebook tràn ngập những status của học trò viết về thầy Dũng. Đỗ Ngọc Như Quỳnh, học sinh lớp 12A4 Trường THPT Nguyễn Hiền, viết: "Em vốn rất sợ phải học những bài thơ về cách mạng. Ấy vậy mà với Tây Tiến, thầy đã vẽ lại chân dung người lính vô cùng lãng mạn, tài hoa mà không hề khô khan, khó nhằn một tí nào.
Em ít khi nói những trăn trở của mình về việc bất đồng quan điểm với gia đình cho người khác biết. Thầy là người tạo cơ hội cho em có thể nói lên suy nghĩ bấy lâu của mình, cho em lời khuyên sáng suốt từ một người từng trải.
Có một điều mà em chắc chắn sẽ mãi học tập ở thầy bên cạnh những trang sách trên lớp, đó là tinh thần lạc quan và sự mạnh mẽ, kiên cường. Thầy của em lạc quan lắm. Thầy luôn muốn truyền năng lượng tích cực của mình cho người khác. Có lẽ vì vậy mà những cơn đau, những đêm mất ngủ sẽ không bao giờ được nhắc đến trong cuộc đối thoại giữa thầy với mọi người.
Thầy của em cũng mạnh mẽ lắm. Cùng với những viên thuốc, thầy âm thầm chống chọi với bệnh tật để có thể lên lớp đều đều, chỉ vì sợ bọn học trò non nớt mất bài vở, không thể thi cử tốt. Vậy mà tụi em khờ, tụi em không hiểu, tụi em làm thầy buồn nhiều.
Mong thầy an lòng, bọn trẻ nông nổi đó giờ đã hiểu lòng thầy, sẽ không làm thầy thất vọng nữa đâu. Nếu có luân hồi chuyển kiếp, em vẫn mong sẽ lại là học trò của thầy, cùng thầy bình Tây Tiến, cùng thầy ngẫm những dòng thơ Sóng còn dang dở...".
Trần Quỳnh Như, học sinh Trường Nguyễn Hiền khóa 2008-2011, cũng cho biết: "Suốt khoảng thời gian học cấp III, có lẽ thầy Dũng là giáo viên dạy văn gây ấn tượng nhất cho học sinh. Cách thầy giảng mộc mạc nhưng lại rất cuốn hút. Tiết văn của thầy chưa bao giờ buồn chán. Thầy không những dạy văn mà còn dạy chúng em cách đối nhân xử thế.
Em nghe bảo thầy hay hát bài Quỳnh hương, em thì thấy thầy đẹp tựa đóa quỳnh vậy. Hoa quỳnh chỉ nở về đêm, làm đẹp cho đời khi vạn vật yên giấc và bắt đầu tỏa hương. Thầy cũng vậy, bao nhiêu thế hệ học trò được thầy dìu dắt, trong đó có em.
Thầy bệnh, em biết nó đau lắm, vậy mà thầy một mặt chống chọi với cơn đau, một mặt vẫn âm thầm lặng lẽ soạn bài, soạn giáo án, chấm bài... khi đêm về. Thầy ơi, kiếp người này thầy đã là đóa quỳnh đẹp tinh khiết nhất. Em tự hào và biết ơn thầy nhiều, nhiều lắm.
Nhìn sự cố gắng trong đau đớn của thầy, mãnh liệt tựa như loài hoa đẹp lặng lẽ ấy. Bao đau đớn cũng đã qua rồi, giờ thầy không đau nữa, không còn phải ra vào bệnh viện truyền thuốc nữa.
10 năm chống chọi, 10 năm đau, 10 năm gồng gánh giữa bệnh tật và công việc, giờ là lúc nghỉ ngơi rồi phải không thầy? Em tin thầy đã sống một kiếp người hạnh phúc, và khiến nhiều người chung quanh hạnh phúc".
"Thầy Huỳnh Ngô Thanh Dũng không những có chuyên môn giỏi mà còn có một sức hút đặc biệt đối với học sinh. Người ta gọi đó là cái duyên của nghề. Tất cả những thế hệ học sinh được học với thầy đều rất yêu quý và kính trọng thầy. Tiết dạy của thầy rất hấp dẫn. Thầy rất nghiêm trên bục giảng nhưng sau bục giảng thì gần gũi, quan tâm, yêu thương học sinh hết mực. Bữa thầy mất, khi nhà trường thông báo, các học sinh đã từng học với thầy ngồi khóc như mưa..."
Cô Phan Thanh Phương (phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền)
Tấm lòng nhân hậu
Suốt 10 năm trời, ngoài những ngày nằm viện thì thầy Dũng điều trị bệnh theo diện ngoại trú. Cứ vài tuần thầy lại đi tái khám và lấy thuốc. Sau khi hoàn tất thủ tục ở Bệnh viện Ung bướu, thầy lại ghé phòng tiếp bạn đọc của báo Tuổi Trẻ để gửi tiền từ thiện cho những mảnh đời khốn khó.
Có lần, nhân viên phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ thắc mắc rằng: "Thầy đi dạy, lương không bao nhiêu, lại còn lo thuốc thang...". Thầy đã tâm sự: "Tôi bệnh nhưng còn may mắn hơn nhiều người lắm. Tôi còn được nhiều học trò thương nữa. Gửi một chút ít gọi là chia sẻ với những người bất hạnh, chứ tôi cũng không có nhiều...".
Dịp Tết Nguyên đán năm 2019, thầy phải đi cấp cứu tại bệnh viện, ở đó có một điều dưỡng là học trò của thầy ở Trường THPT Lê Minh Xuân. Hôm ấy, không phải ca trực của học trò nhưng thầy đã được các y bác sĩ ở đó chăm sóc, cứu chữa nhiệt tình.
Khi chúng tôi đến thăm, tuy thầy thở rất khó nhọc nhưng vẫn cố kể chuyện với ánh mắt đầy hi vọng: "Chắc thằng T. (tên người điều dưỡng là học trò cũ của thầy Dũng - NV) nó được lòng mọi người trong bệnh viện nên thầy mới được quý như thế. Thầy có dạy họ ngày nào đâu mà cứ một điều kêu thầy, hai điều kêu thầy... Cuộc đời người thầy giáo đã mang lại cho thầy nhiều hạnh phúc..." - nói rồi thầy cười mãn nguyện.