Một cây đại thụ trong làng Toán học đã ra đi

GD&TĐ - Một tin buồn với giáo giới Việt Nam và những người yêu Toán: GS.NGND Ngô Thúc Lanh do tuổi cao, sức yếu qua đời sáng ngày 26/3/2019, tức ngày 21/2 năm Kỷ Hợi, hưởng thọ 97 tuổi. 

Một cây đại thụ trong làng Toán học đã ra đi

Lễ viếng GS.NGND Ngô Thúc Lanh sẽ được cử hành từ 9 giờ 30 - 10 giờ 45 ngày 28/3, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Linh cữu GS Ngô Thúc Lanh được hỏa táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ, Văn Điển; an táng tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, tỉnh Hoà Bình.

Sinh trưởng trong một dòng họ có truyền thống làm nghề dạy học ở Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), GS.NGND Ngô Thúc Lanh là con cháu họ Ngô, thân sinh GS Lanh là cụ Ngô Đình Nhã cùng em trai là Ngô Huy Tân (ông nội của giáo sư Ngô Bảo Châu) đều làm nghề “gõ đầu trẻ” (giáo viên tiểu học).

Theo học Toán từ thời Pháp thuộc, năm 1941 khi Pháp mở Trường Cao đẳng Khoa học Đông Dương, GS Lanh học khoá 3 trường này. Cách mạng tháng Tám thành công, thầy Lanh trở thành một trong những giáo viên đầu tiên của trường trung học kháng chiến Chu Văn An - bậc học cao nhất ở chiến khu lúc bấy giờ.

Hoà bình lập lại ở miền Bắc (1954), cùng với các GS Lê Văn Thuân, Nguyễn Thúc Hào, Hoàng Tuy, Nguyễn Cảnh Toàn..., Giáo sư Ngô Thúc Lanh đã tham gia xây dựng chương trình, viết giáo trình và giảng dạy môn Toán. Năm 1956, GS Ngô Thúc Lanh là một trong những người được giao nhiệm vụ xây dựng khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Những năm tháng lao động không ngừng nghỉ dưới làn bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, nơi sơ tán, thầy Lanh luôn là tấm gương tận tuỵ vượt lên những khó khăn về cả việc công và việc gia đình, đã dìu dắt bao thế hệ học trò trưởng thành.

Năm 2003, diễn đàn Toán học sinh viên từng có bài viết về GS.NGND Ngô Thúc Lanh và có nhận định rằng: Từ rất nhiều năm nay, thầy là cây đại thụ, người thầy lớn của khoa Toán - Tin, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Tâm sự về nghề, sinh thời GS Lanh từng kể lại với những bồi hồi: “Khi Trường Sư phạm Cao cấp được thành lập, người dạy toán hồi đó chỉ có Giáo sư Lê Văn Thiêm, GS Nguyễn Xiển và trợ lý cho họ là anh Nguyễn Cảnh Toàn. Về sau có thêm tôi, anh Nguyễn Thúc Hào, anh Khúc Ngọc Khảm... Lớp sau nữa có thêm anh Hoàng Tuỵ. Trong đội ngũ trên, anh Nguyễn Cảnh Toàn và anh Hoàng Tuỵ là những người đặc biệt có khả năng về Toán, chỉ tiếc anh Toàn về sau làm lãnh đạo nên không còn nhiều thời gian dành cho Toán”.

Còn GS Đoàn Quỳnh, một đồng nghiệp và thế hệ đàn em của GS Ngô Thúc Lanh, nhớ lại: “Tuy anh Lanh là lãnh đạo nhưng chúng tôi cảm giác rất dễ dàng chia sẻ các vấn đề với anh. Thời đó, người ta đánh giá con người thiên về thành phần xuất thân, nhưng anh Lanh lại rất rộng lượng. Ai cứ có tài, ham học hỏi là được anh ghi nhận, khuyến khích. Anh tạo nên không khí hăng say tìm tòi cái mới trong khoa”.

Những đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục nói chung và Toán học nói riêng của GS.NGND Ngô Thúc Lanh là vô cùng lớn lao. Giáo sư Ngô Thúc Lanh đã đào tạo nhiều lớp cán bộ giảng dạy và nghiên cứu Toán học làm nòng cốt cho các trường đại học và các viện nghiên cứu ngày nay. Giáo sư cũng chính là người viết cuốn sách Đại số đầu tiên ở Việt Nam. Những năm tháng sau này, khi tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhưng GS.NGND Ngô Thúc Lanh vẫn có những đóng góp quý báu, chỉ giáo cho các thế hệ kế tiếp. Cả cuộc đời nghiên cứu thầy đã dành hết tâm huyết cho Toán học và cho sự nghiệp GD-ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.