Nguồn gốc của phong tục xin chữ
Từ đời xưa, khi muốn xin chữ, người ta chuẩn bị một lễ nhỏ (cau trầu, chè thuốc) đến nhà thầy đồ (học vị Tú tài được vua ban, hoặc nho sĩ hay chữ trong vùng được kính trọng).
Người xin chữ được thầy đồ xem xét tâm tư nguyện vọng mà cho chữ thích hợp. Mỗi chữ viết ra bằng cả Trí-Thần-Lực của thầy đồ nên ngoài ý nghĩa, còn là tác phẩm nghệ thuật thư pháp. Gia chủ xin được chữ như xin được may mắn, phúc, lộc cho năm mới.
Có lời đồn là ai không đi xin chữ, nhưng được thầy đồ gọi vào cho chữ mới thật là có "lộc chữ", cả năm sẽ đạt được nhiều điều tốt lành, như ý.
Ngày nay khi văn hóa thư pháp đã trở nên phổ biến hơn, người xin chữ không cần phải đến nhà thầy đồ, chỉ cần đến phố ông đồ, chọn một trong số các ki ốt trong “phố ông đồ” để xin chữ.
Bên cạnh các ông đồ già uyên thâm giàu kinh nghiệm, giờ đây còn có những ông đồ trẻ với những con chữ sáng tạo bay bổng, hiện đại. Không chỉ cho được chữ Hán, các ông đồ có thể cho chữ quốc ngữ (chữ viết theo lối thư pháp)…
Những ông đồ trẻ với những con chữ sáng tạo bay bổng.
Cùng với việc cho chữ, ông đồ cũng giảng giải ý nghĩa của từng nét cho người xin chữ để họ có thể hiểu được hết những ý nghĩa sâu sắc của từng chữ, qua đó thấu hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Ý nghĩa của từng con chữ
Một mặt trái của việc văn hóa thư pháp trở nên phổ thông là người người đổ xô đi xin chữ mà không hề biết nên xin chữ gì, xin như thế nào cho phù hợp.
Ông Phạm Hải - Câu lạc bộ Thư pháp UNESCO Hà Nội, cho biết, từ nhiều năm nay, khách hàng chỉ xin chữ quanh 4 chữ kinh điển gồm: Tâm, Phúc, Đức, Nhẫn.
Tuy nhiên, tục cho chữ không phải người muốn chữ nào cho chữ ấy mà hầu hết, các ông đồ đều nhìn thấy thần sắc của từng người để cho chữ.
Ông đồ nhìn thần sắc của từng người để cho chữ.
Thầy đồ Như Phách (Hội viên câu lạc bộ UNESCO Thư pháp Việt Nam, chuyên thư pháp Hán - Nôm) cho biết, những chữ Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Đức, Nhẫn, Tâm, Tài, Đăng Khoa, Hoà, An, Lạc, Nhân, Học, Gia, Quý, Hành, Hòa, Duyên, Hỷ, Minh, Vinh... được xin nhiều nhất.
Người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Nhẫn... Người buôn bán, kinh doanh xin chữ Lộc, chữ Tín, chữ Phát Tài... Người đi làm xin chữ Danh. Xin cho gia đình thường là chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tâm, An. Người già thích xin chữ Phúc, chữ Thọ với mong muốn giữ phúc cho con cháu, sống khỏe để được nhìn con cháu trưởng thành. Chữ Tâm lứa tuổi nào cũng cần. Các bạn thanh thiếu niên đang phấn đấu, thích chữ "Việt", chữ "Thành", chữ "Đạt", chữ "Đắc"
Nhiều người thích xin chữ Nhẫn (nhẫn nại, nhẫn chịu...) nhưng không phải ai cũng hợp với chữ này. Chẳng hạn, một người mới lớn đừng nên vội vàng nhận vào mình chữ Nhẫn, bởi nó là con dao hai lưỡi.
Người thành đạt treo chữ Nhẫn trước mặt để cầu luôn tỉnh táo. Người mới có việc làm cũng xin chữ Nhẫn. Nhưng trẻ mẫu giáo, học sinh thì chữ Nhẫn không hợp. Cơ quan mà treo chữ Nhẫn dễ bị hiểu nhầm là thủ tiêu đấu tranh phê bình…
Nhiều người thích xin chữ Nhẫn nhưng không phải ai cũng hợp.
Theo ông đồ Nguyễn Học (Ba Đình, Hà Nội), người thành đạt xin chữ Nhẫn để cầu tỉnh táo. Người trung niên xin chữ Tâm, chữ Đức, chữ Nhẫn. Thanh niên nam nữ xin chữ: Danh, Duyên, Hiếu, Trung. Tặng bố mẹ xin chữ: Tâm, An Khang, Bình An.
Ngoài ra, nếu ông đồ thấy người đến xin chữ thực cần đến may mắn, họ sẽ cho chữ “May mắn”; Hoặc sau một hồi trò chuyện, ông đồ nhận thấy người này cần hơn cả là phải biết chăm sóc mẹ mình nhiều hơn để thực sự được an lòng, ông sẽ cho chữ Hiếu.
Vì thế, đối với các ông đồ ở phố, việc tư vấn cho khách chọn chữ rất quan trọng, tùy lứa tuổi, thành phần xã hội, già hay trẻ, gái hay trai mà cho chữ phù hợp.
Một số thầy đồ khi cho chữ thường hay bình chú thêm câu thơ hay, hoặc cả bài thơ cho trọn nghĩa để tránh những chữ đơn bị xỏ xiên, xuyên tạc.
Ví dụ như chữ "Phúc" dễ bị "xỏ xiên" thành "Phúc bất trùng lai", vì "vô phúc" nên phải cầu phúc; chữ "Nhẫn" - thành tàn nhẫn, nhẫn tâm. Hay chữ "Việt" có thể là vượt mọi khó khăn, cũng có thể là "leo tường khoét vách", bỏ nhà theo tiếng gọi tình yêu; chữ "Lộc" thành "thất lộc", chữ "Thọ" thành ham sống sợ chết, chữ "Tâm" vì lương tâm dằn vặt, pháp luật truy cứu...
Một số thầy đồ khi cho chữ thường hay bình chú thêm câu thơ hay, hoặc cả bài thơ cho trọn nghĩa.
Xin chữ là một nét đẹp truyền thống chứ không chỉ là một thông lệ hàng năm. Người đi xin chữ cần phải tìm hiểu kỹ, đầu tiên là tâm tư nguyện vọng của mình rồi tìm cách bộc bạch làm sao cho thật chân thành. Từ đó thì người các thầy đồ mới chọn được chữ phù hợp để cho.
Chơi chữ là một phong tục bình dị nhưng ẩn chứa trong đó bề sâu văn hóa, không phải thứ xô bồ, cẩu thả. Chữ nghĩa, nhất là chữ Hán, những điều ta chưa hiểu kỹ, chưa nắm bắt thấu đáo được nội dung của chúng, tốt nhất là không nên dùng.