- Phóng viên: Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động rất lớn đến kinh tế xã hội cũng như văn hóa truyền thống của người Việt. Ông đánh giá sao về việc này?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Chúng ta có thể thấy điều này rất rõ ràng bởi cách mạng khoa học công nghệ là xu thế tất yếu của lịch sử, không thể nào cưỡng lại và không nên cưỡng lại.
Phong tục, tập quán cũng là sản phẩm của từng thời kỳ phát triển của xã hội. Nó phản ánh trình độ phát triển của nền sản xuất thời kỳ đó. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ đến kinh tế xã hội cũng như ảnh hưởng đến phong tục, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam chúng ta.
Trước đây đi chúc Tết chưa có điện thoại di động, chưa có máy móc công nghệ hoặc là chưa có mạng Internet thì thường là con cháu phải trực tiếp đến nhà ông bà, cha mẹ, họ hàng để thăm hỏi, chúc tết. Đó chính là một nét sinh hoạt văn hóa rất đẹp mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Bây giờ mọi chuyện đã thay đổi, con cháu những dịp lễ Tết nên đến thăm hỏi, chúc tết ông bà, cha mẹ thì cứ ỷ lại gọi một cuộc điện thoại hoặc nhắn tin, sử dụng mạng xã hội cho xong nghĩa vụ.
Thậm chí cả việc thờ cúng ông bà, tổ tiên cũng không còn như trước nữa bởi tại một số nghĩa trang hiện đại họ còn có cả dịch vụ "thờ cúng online". Tôi thấy có những gia đình ở nước ngoài mà có ông bà, cha mẹ quá cố, họ có nhu cầu đặt hàng thờ cúng bao nhiêu ngày, nghi thức lễ vật như thế nào, cầu khấn ra làm sao... và nhân viên tại nghĩa trang sau khi thực hiện xong sẽ chụp ảnh, quay phim lại rồi gửi cho khách hàng.
Có thể nhiều người cho rằng việc đó là bình thường nhưng theo quan niệm truyền thống, mỗi dịp Tết đến xuân về mỗi chúng ta dù làm ăn, sinh sống ở đâu cũng nên về thăm quê hương bản quán, về tảo mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, về gặp gỡ anh em họ hàng thì sẽ thân mật hơn, ý nghĩa hơn. Việc làm này sẽ tiếp cho con người năng lượng, tình cảm để phấn đấu cho những năm tới.
Chính vì vậy, đứng trước những thành tựu đó, chúng ta nên tiếp nhận một cách chừng mực trong những trường hợp nhất định vào đời sống xã hội, phải có sự hài hòa tùy theo từng điều kiện hoàn cảnh để phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc.
PGS.TS văn hóa học Phạm Ngọc Trung - Nguyên Trưởng khoa Văn hóa - Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
- Vậy chúng ta nên làm gì để gìn giữ văn hóa truyền thống và gắn kết đời sống gia đình trước những tác động của cuộc sống nay?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Tôi cho rằng đây chính là một bài toán mà mỗi người trong chúng ta phải tự tìm cho mình lời giải, cách vận dụng cụ thể với hoàn cảnh và điều kiện của gia đình mình.
Cần tận dụng những thành tựu, những thành quả của khoa học công nghệ vào cuộc sống hàng ngày một cách thiết thực, ý nghĩa. Chẳng hạn nếu mọi thành viên trong gia đình, dòng tộc do ở quá xa không gặp nhau thường xuyên có thể qua các phương tiện thông tin liên lạc, trao đổi nhưng vẫn phải cố gắng tranh thủ một năm gặp nhau một lần vào các dịp lễ tết còn nếu cứ ỷ lại vào công nghệ thì khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình ngày càng xa nhau ra.
Bên cạnh đó, chúng ta phải cố gắng giữ lấy những thứ tinh hoa, những phong tục tập quán tốt đẹp của người Việt Nam. Như truyền thống biết ơn ông bà, tổ tiên, nhớ về quê hương, đất nước.
Ở đâu mỗi dịp Tết đến Xuân về cũng nên có mâm ngũ quả để thờ cúng tổ tiên và cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, gia đình hạnh phúc, mọi người mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng. Đó chính là những truyền thống tốt đẹp dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới thì người Việt Nam ta cũng không quên hướng về cội nguồn.
Để làm được những việc đó, tôi cho rằng vai trò của ông bà, cha mẹ và những thế hệ đi trước là rất quan trọng. Họ phải dạy bảo cho con cháu những giá trị văn hóa truyền thống và vận dụng ngay vào trong cuộc sống hàng ngày.
Những giá trị truyền thống có thể được dạy bảo rất đơn giản như khi mua hoặc gói một chiếc bánh chưng trong dịp Tết thì ông bà, cha mẹ có thể kể cho con cháu mình nghe về sự tích bánh chưng là như thế nào, tại sao lại bày mâm ngũ quả trên bàn thờ vào dịp Tết, tại sao lại làm lễ cúng ông Công, ông Táo và những nghi lễ đấy có ý nghĩa gì?
Chính những thế hệ ông bà, cha mẹ, những người đi trước đó sẽ có nhiệm vụ rất quan trọng khi trao truyền cho con cháu, các thế hệ đi sau những giá trị văn hóa truyền thống đó thông qua suy nghĩ, tình cảm của các thế hệ của người Việt Nam và bản sắc văn hóa của người Việt sẽ không bị mai một đi. Bởi nếu chúng ta quên đi cội nguồn, quên đi phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc thì đó là sự mất mát rất lớn, không thể nào lấy lại được.
Dù có thể rất giàu có, thành đạt nhưng nếu không có gốc tích, nguồn cội, bản sắc văn hóa thì sự thành đạt, giàu có đó là rất mong manh và dễ bị đổ vỡ, lụi tàn.
Phóng viên:Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Ngọc Trung! Nhân dịp năm mới, xin chúc ông và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!