Xét xử vụ gian lận thi cử tại Hà Giang: Đâu là động cơ thực?

GD&TĐ - Cơ quan bảo vệ pháp luật Hà Giang vẫn chưa tìm, chứng minh được có vụ lợi về vật chất, tiền bạc trong việc nâng, sửa điểm thi. Các bị cáo đều cho rằng giúp vì quan hệ, tình cảm và chỉ nhận lại sự cảm ơn bằng những cân hoa quả, để phúc về sau. Tuy nhiên, những lý do đó không đủ sức thuyết phục để các bị cáo dám đánh đổi sinh mạng chính trị, sinh mạng pháp lý...

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Đâu là động cơ thực?

Sau hai ngày xét xử vụ án nâng, sửa điểm cho hàng trăm thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang do HĐXX TAND tỉnh Hà Giang tiến hành cho thấy, bước đầu các bị cáo đã khai nhận khá thành khẩn về hành vi của mình.

Nhưng động cơ thực sự dẫn đến việc các bị cáo như Nguyễn Thanh Hoài - cựu Trưởng phòng Khảo thí, Vũ Trọng Lương - cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, Lê Thị Dung - cựu Phó Đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang đánh đổi sinh mạng chính trị, vị trí công tác, sinh mạng pháp lý để vi phạm pháp luật vẫn là câu hỏi còn để mở.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, bị cáo Vũ Trọng Lương đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng khi khai báo về việc có hay không việc nhận tài sản vật chất, tiền bạc thì những bị cáo này đều một mực từ chối, phủ nhận. Họ đều khẳng định vì quan hệ bạn bè, tình cảm, quen biết nên giúp, có chăng chỉ nhận cảm ơn bằng mấy cân hoa quả.

Bị cáo Lê Thị Dung - cựu Phó Đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang khi gọi lên xét hỏi cũng thừa nhận cung cấp thông tin 20 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài để nâng điểm. Về động cơ, nữ bị cáo này khẳng định vì quan hệ quen biết, vì nợ ân tình được nhờ và vì bản thân bị nhiều bệnh tật hành hạ nên giúp để tích phúc(?).

Ghi nhận của Báo GD&TĐ cho thấy, dư luận, người dân hoài nghi về động cơ thực, trong lời khai của các bị cáo này. “Động cơ thực thôi thúc các bị cáo như Lương, Hoài, Dung là những công chức tại cơ quan Nhà nước, có hiểu biết về pháp luật, nắm rõ quy định của pháp luật, biết rằng nếu bị phát hiện sẽ phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật nhưng họ vẫn cố tình vi phạm pháp luật có lẽ là vì một cái gì đó lớn hơn, mà cụ thể có thể là quà tặng vật chất, hoặc tiền bạc chứ không đơn giản chỉ là vì tình cảm, vì quan hệ nhờ vả đơn thuần.

Những lời khai như trên của các bị cáo khiến người dân, công luận nghi ngờ về tính trung thực là có căn cứ. Các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Hà Giang cần phải tiếp tục làm rõ động cơ thực sự của các bị cáo trên để có câu trả lời thỏa đáng cho người dân”, Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nêu quan điểm.

Diễn biến vụ án cho thấy, ngoài con em của các lãnh đạo cốt cán tỉnh Hà Giang được nâng điểm còn có con em của nhiều gia đình là dân thường, có cả những thí sinh từ tỉnh khác về thi tại Hà Giang. Vậy, ngoài quan hệ cấp trên cấp dưới, nể nang lãnh đạo, nể nang tình cảm bạn bè, các bị cáo như Hoài, Lương, Dung có đủ lòng bao dung, sự hào hiệp để đánh đổi cuộc đời khi họ cố tình vi phạm pháp luật? “Góc khuất” này cần được các cơ quan bảo vệ pháp luật, tiến hành tố tụng của tỉnh Hà Giang tiếp tục làm rõ, có câu trả lời thỏa đáng cho công luận.

Phía sau phát ngôn của Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Đứng trước bục xét hỏi, khi được chất vấn về tin nhắn mang mật danh “Q”, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài khẳng định người tên “Q” là ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Tin nhắn có nội dung: “Em báo cáo anh 2 việc. Một, em vừa đổi danh sách dữ liệu thi xong, kết quả dữ liệu trên phần mềm quản lý ghi của Bộ trùng khít với dữ liệu trong đĩa CD anh Sử (Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) giữ. Hai, việc Lương (Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT) chuyển bài thi trắc nghiệm và thiết bị xử lý bài thi về Sở là theo Điều 296 quy chế thi và được sự đồng ý của em với nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng thi và Trưởng ban Thư ký.

Song thầy Bình, thầy Sử, cô Chính đang nâng cao quan điểm quá, có gì anh xem giúp em”. Trả lời tin nhắn trên, người tên “Q” nhắn lại: “Ok, có gì anh bàn với anh Sử”.

Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang có vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi.

Sau khi vụ gian lận thi cử bị vỡ lở, ông Trần Đức Quý đã trả lời báo chí rằng: Đã rà soát và nhận thấy những vấn đề bất thường về điểm thi nên đã báo cáo Bộ GD&ĐT nhờ hỗ trợ.

Địa phương phải làm nghiêm túc, đến nơi đến chốn và quyết tâm triển khai để tạo lòng tin cho người dân Hà Giang. Sai đến đâu phải làm, kể cả có vấn đề hình sự. Cũng theo ông Quý, về quy trình, địa phương này rà soát tất cả khâu song song và đồng bộ nhưng sẽ chọn khâu then chốt nhất, có thể xảy ra tiêu cực. Thấy ở đâu bất thường thì phải rà soát.

Tháng 6/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã cảnh cáo ông Trần Đức Quý do vi phạm trong việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ