Xét xử vụ gian lận thi cử tại Hà Giang: Giật mình với những mối quan hệ chằng chịt

GD&TĐ - Sáng 14/10, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Hà Giang bắt đầu phiên xử sơ thẩm vụ án gian lận thi cử, nâng điểm thi tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Vụ án liên quan đến một loạt cán bộ cốt cán của ngành Giáo dục và nhiều cán bộ, đảng viên ở Hà Giang có con em, người thân được nâng điểm. Diễn biến ngày đầu xét xử cho thấy các mối quan hệ chằng chịt...

Các bị cáo trước tòa
Các bị cáo trước tòa

Nhiều nhân vật cốt cán vắng mặt

Từ đầu giờ sáng, các bị cáo trong vụ án được lực lượng công an đưa đến tòa. Đó là các bị cáo Nguyễn Thanh Hoài - cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, Vũ Trọng Lương - cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí cùng bị VKSND đồng cấp truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Phạm Văn Khuông - cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang và Lê Thị Dung - cựu Phó Đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang cùng bị truy tố tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Bị cáo còn lại là Triệu Thị Chính - cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Ngoài 5 bị cáo này, TAND tỉnh Hà Giang đã triệu tập 187 người tới tòa. Nhưng thực tế chỉ có 86 người có mặt, 82 người có đơn xin vắng mặt và 19 người vắng mặt không có lý do. Đáng chú ý, trong số những người được triệu tập tới tòa với tư cách là người làm chứng có bà Phạm Thị Hà - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang.

Bà Hà là vợ ông Triệu Tài Vinh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và hiện là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương). Bà Hà có đơn xin được vắng mặt tại phiên tòa. Bà Triệu Thị Giang - Sở KH&ĐT tỉnh Hà Giang là em gái ông Triệu Tài Vinh cũng có đơn xin vắng mặt khi được triệu tập.

Do số lượng người tham dự phiên tòa lớn trong khi hội trường xét xử có diện tích hạn hẹp, TAND tỉnh Hà Giang phải bố trí các phòng để phóng viên báo chí, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo dõi phiên xử qua màn hình.

Cáo trạng của cơ quan công tố thể hiện: Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Nguyễn Thanh Hoài là Trưởng phòng Khảo thí của Sở GD&ĐT Hà Giang đã bàn bạc, thống nhất với Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí) việc sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh.

Hoài đã lập danh sách và chuyển cho Lương xử lý bài thi trắc nghiệm, nhằm nâng điểm cho 93 thí sinh. Vũ Trọng Lương đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, trực tiếp nâng điểm cho 107 thí sinh với tổng số 309 bài thi.

Bị cáo Triệu Thị Chính - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng ban Chấm thi không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, đã chuyển danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài nhờ nâng và xem điểm thi.

Phạm Văn Khuông - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cũng là người nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh, trong đó có con trai của Khuông để đỗ vào Đại học Y Thái Bình.

Nhưng trong vụ án này, Cơ quan điều tra không thu thập, chứng minh được có vụ lợi vật chất, tiền bạc, mua bán điểm thi. Cơ quan nắm quyền công tố nhận định hành vi của các bị cáo đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gian lận trong thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, không còn sự công bằng trong xã hội.

Cơ quan tiến hành tố tụng tại Hà Giang xác định có 210 người là cha mẹ của hơn 100 thí sinh được nâng điểm. Bị cáo Vũ Trọng Lương là người đã sửa kết quả bài làm của 309 bài thi trắc nghiệm các môn/249 phiếu trả lời trắc nghiệm của 107 thí sinh.

Lời khai của “mắt xích” trọng yếu Vũ Trọng Lương

HĐXX tập trung xét hỏi đối với bị cáo Vũ Trọng Lương. Tại tòa, bị cáo Lương khai ngoài 93 thí sinh được “sếp” Nguyễn Thanh Hoài chỉ đạo, bản thân Lương còn tự ý sửa bài thi, nâng điểm cho 14 thí sinh khác. Lương khai với 14 trường hợp nâng điểm này là xuất phát từ tình cảm bạn bè, người thân không có vụ lợi về tiền bạc, vật chất khác. Với 93 thí sinh được Nguyễn Thanh Hoài chỉ đạo, bị cáo Vũ Trọng Lương cũng cho rằng xuất phát từ tình cảm.

Về việc vì sao có thể vào được phòng chứa bài thi trong khi phòng này có 2 ổ khóa, Vũ Trọng Lương khai rằng được Nguyễn Thanh Hoài đưa cho 1 chìa khóa, còn ổ khóa còn lại không được khóa. Lương khai, chỉ mất thời gian rất ngắn để xử lý xong một bài thi.

Cụ thể, trong một bài thi có 40 câu, mỗi câu hỏi có 4 đáp án, nhưng chỉ mất khoảng 6 giây để sửa một bài thi và 2 giây để sửa điểm. Việc này đã được thực nghiệm hiện trường từ thao tác cắt bài thi cho đến niêm phong bài thi.

Trước tòa, đôi lúc bị cáo Vũ Trọng Lương tỏ ra ân hận về những việc bị cáo đã làm và biết rằng, cái giá mà bản thân bị cáo phải trả là rất đắt. Tại tòa, Vũ Trọng Lương thừa nhận, bản thân anh ta đã không suy nghĩ đắn đo gì khi nhận lời hay không nhận lời lúc được “sếp” Nguyễn Thanh Hoài giao việc.

Bị cáo Vũ Trọng Lương đã khai danh sách những người nhờ Lương nâng điểm cho con cháu. Theo đó, có trường hợp đến tận nhà, có trường hợp gửi tin nhắn.

Đó là bà Hoàng Thị Hồng Nhẫn, công tác tại Công an tỉnh Hà Giang; Bùi Văn Thuyết, công tác tại Công ty In Hà Giang; Nguyễn Mạnh Tuấn, công tác tại Trường THPT Vị Xuyên; Nguyễn Thanh Cảnh, Hiệu phó Trường THCS và THPT xã Ninh Hồ, huyện Vị Xuyên; Trần Bách Tùng, Trường THPT Mèo Vạc (nhờ hai thí sinh); Trần Duy Ninh, công tác tại Trường THPT Việt Lâm (nhờ 5 thí sinh); Tống Thị Phương, cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đã nghỉ hưu; Tống Văn Lợi, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp tỉnh Hà Giang.

“Những người này chỉ nhờ bị cáo giúp đỡ nâng điểm cho con, cháu của họ chứ không có thỏa thuận cho bị cáo bất cứ thứ gì” - Vũ Trọng Lương khai.

Cũng theo lời khai của Vũ Trọng Lương thì đầu tháng 6/2018, Nguyễn Thanh Hoài gọi Lương sang phòng và chỉ cho Lương danh sách những thí sinh cần nâng điểm và đưa cho Lương USB có danh sách thí sinh. Lương copy nội dung ra máy tính và tạo ra một file exel riêng, tiếp sau đó Hoài gửi hai lần, qua tin nhắn và email danh sách thí sinh cần nâng điểm.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án các môn thi, Lương đã tải về và thực hiện nâng điểm. Trong quá trình chấm thi, Lương copy đáp án chuẩn bị sẵn và dán vào file bài làm của từng thí sinh trong file exel.

“Sự việc nâng điểm cho các thí sinh thì anh Hoài là người khởi xướng. Vì anh ấy nói cần phải nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt, cũng chính anh ấy chuyển cho bị cáo danh sách các thí sinh cần nâng điểm” - bị cáo Vũ Trọng Lương khai.

Hôm nay, HĐXX tiếp tục làm việc, xét hỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ