Xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Chung vụ sai phạm tại Sở KH&ĐT

GD&TĐ -Ngày 11/7, Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở KH&ĐT cùng một số đơn vị liên quan.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung và hai đồng phạm có mặt tại phiên phúc thẩm.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung và hai đồng phạm có mặt tại phiên phúc thẩm.

Trước đó, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gửi đơn kháng cáo kêu oan. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày, do thẩm phán Nguyễn Hải Thanh làm chủ tọa.

Trong đơn kháng cáo, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.

Hai bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến - cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội và Phạm Thị Thu Hường - cựu Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội - cũng có đơn đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Sáng 11/7, cả ba bị cáo có đơn kháng cáo là Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Thị Kim Tuyến và Phạm Thị Thu Hường đều có mặt đầy đủ, biểu hiện sức khỏe bình thường. Bốn bị cáo còn lại trong vụ án đã chấp nhận án sơ thẩm, nhà chức trách không trích xuất đến tham gia tố tụng.

Trong phần thủ tục, HĐXX cho biết, phiên tòa vắng mặt một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nhân chứng, giám định viên. Tuy nhiên, họ đã có lời khai trong quá trình điều tra và phiên tòa sơ thẩm. Ngoài ra, một số người có đơn xin xử vắng mặt. Điều này không làm ảnh hưởng đến phiên phúc thẩm.

Trước khi diễn ra phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Chung có “bản giải trình đơn kháng cáo” viết tay, dài gần 60 trang, cho rằng bản án sơ thẩm đã “tuyên án oan” đối với mình. Đồng thời, bị cáo Chung thông qua luật sư nộp HĐXX tổng cộng 85 bằng khen, giấy khen trong quá trình công tác.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung trình bày nhiều tình tiết để chứng minh hành vi của mình không vi phạm như cấp sơ thẩm cáo buộc, mong tòa phúc thẩm ra quyết định “thấu tình đạt lý”.

Trước đó, ngày 31/12/2021, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung mức án 3 năm tù vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Về dân sự, HĐXX cấp sơ thẩm đưa ra phán quyết cho tiếp tục thực hiện gói thầu số hóa, các bên tự giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ông Nguyễn Đức Chung, các bị cáo Nguyễn Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội) và Phạm Thị Thu Hường (cựu Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội) cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Hai bị cáo này lần lượt nhận mức án 4 năm 6 tháng tù và 3 năm 6 tháng tù vì tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bản án sơ thẩm xác định, gói thầu của Sở KH&ĐT Hà Nội có nhiều vi phạm, các bị cáo đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.

Việc đấu thầu trái quy định của pháp luật, đúng ra là phải tổ chức đấu thầu lại nhưng các bị cáo vẫn thực hiện đấu thầu. Hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.

Trong vụ án này, ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy là người giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo Lê Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh) và Võ Việt Hùng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh) gian lận thầu, chuyển nhượng thầu trái phép. Riêng bị cáo Bùi Quang Huy (cựu Giám đốc Nhật Cường) đã bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.