Vì vậy, tòa án cần yêu cầu UBND TPHCM thu hồi khu đất này. Bởi các bị cáo cũng không đủ tiền để đền bù 2.713 tỷ đồng.
Yêu cầu luật sư đọc lại luật
Ngày 26/4, tại TAND TP Hà Nội, đại diện viện kiểm sát thực hành quyền công tố đã đối đáp quan điểm của các luật sư trong phiên tòa xét xử vụ án thất thoát 2.713 tỷ đồng tại khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (TPHCM).
Theo truy tố, khu đất này rộng 6.080m2, do Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) quản lý nhưng doanh nghiệp này đã mang đất đi góp vốn vào liên doanh Sabeco Pearl.
Năm 2016, khi mảnh đất được đứng tên Sabeco Pearl, các nhà đầu tư tư nhân yêu cầu Sabeco thoái vốn tại liên doanh này. Bộ Công Thương cũng đồng ý nên mảnh đất số 2 - 4 - 6 bị chuyển từ tay Nhà nước sang tư nhân với giá rẻ, gây thiệt hại 2.713 tỷ đồng.
Vì vậy, kiểm sát viên đề nghị tòa phạt bị cáo Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương án từ 10 – 11 năm tù; 9 bị cáo khác từ 2 - 9 năm tù. Tuy nhiên, các bị cáo không bị yêu cầu bồi thường dân sự.
Phía công tố giải thích: “Thiệt hại trong vụ án là quyền sử dụng đất bị giao trái pháp luật. Do đó, chúng tôi đã đề nghị tòa án yêu cầu UBND TPHCM thu hồi các quyết định giao đất trái pháp luật. Như vậy, thiệt hại đã cơ bản được khắc phục”.
Về ý kiến của một số luật sư cho rằng mảnh đất được chuyển nhượng ngay tình cho bên thứ ba, kiểm sát viên bác bỏ và đặt câu hỏi: “Nếu như vậy, các bị cáo ở đây liệu có đủ 2.713 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án?”.
Trước đó, một luật sư nêu quan điểm, Sabeco không phải là công ty Nhà nước nên cần xem xét lại vụ án. Đối đáp vấn đề này, kiểm sát viên 2 lần đề nghị: “Luật sư về học lại luật”.
Người giữ quyền công tố phân tích: “Luật Doanh nghiệp 2005 ghi rõ, doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước là doanh nghiệp Nhà nước trong khi Sabeco có 89% vốn Nhà nước, đương nhiên là doanh nghiệp Nhà nước đến ngày 30/6/2015.
Đây là thời điểm cuối cùng thực hiện luật năm 2005. Sau thời điểm này, phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và như vậy, Sabeco là doanh nghiệp có vốn Nhà nước”.
“Luật sư nói vậy không biết cố tình hay vô ý, cố tình thì sai còn vô ý do chưa đọc luật thì về đọc lại. Công ty Nhà nước chúng tôi ghi rõ trong trang đầu cáo trạng một cách chính xác, đúng pháp luật vì liên quan quyền, trách nhiệm quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” – kiểm sát viên nói.
Trước quan điểm về việc phía truy tố không đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung với các bị cáo, đại diện viện kiểm sát nói: “Viện kiểm sát không đề nghị nhưng luật sư lại đề nghị hình phạt bổ sung. Đây là thẩm quyền của Hội đồng xét xử, đề nghị xem xét nhưng chúng tôi đánh giá đề nghị của luật sư làm xấu đi tình trạng của bị cáo”.
Sai phạm trong thời gian dài
Cũng theo kiểm sát viên, việc cho thuê khu đất số 2 - 4 - 6 một cách trái pháp luật chỉ là một mắt xích trong việc vi phạm quy định gây thất thoát, lãng phí.
“Thiệt hại là cả một quá trình khi bị cáo Vũ Huy Hoàng, Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ) thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý khu đất số 2 - 4 - 6.
Quá trình này từ khi góp tới khi thoái vốn, không dừng lại ở việc cho thuê. Thủ đoạn thoái vốn là thủ đoạn cuối cùng dẫn tới hậu quả” – lời kiểm sát viên.
Phía truy tố cũng nêu quan điểm, hành vi quan trọng dẫn tới hậu quả vụ án là việc bị cáo Vũ Huy Hoàng duyệt giá bán cổ phần của Sabeco tại Sabeco Pearl chỉ hơn 13.000 đồng/cổ phần.
Trong khi đó, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng Trung ương xác định giá đúng phải là hơn 31.000 đồng/cổ phần nên với 14 triệu cổ phần, Sabeco bị thiệt hại nghiêm trọng. Kiểm sát viên nói: “Bị cáo Vũ Huy Hoàng đã chủ trì cuộc họp về giá như trên vào ngày 29/3/2016, khi chỉ còn 10 ngày nữa là bị cáo nghỉ hưu…
Tuy nhiên, bị cáo vẫn chủ trì, quyết định giá thấp hơn thực tế và đây là điểm mấu chốt xác minh thiệt hại chứ không phải như luật sư nói bị cáo không quản lý, không trực tiếp gây thiệt hại”.
Kiểm sát viên cho rằng, Chính phủ có quy định, cơ quan chủ sở hữu phải quyết định trong trường hợp thoái vốn, chuyển nhượng vốn đầu tư một cách công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Tuy nhiên, bị cáo Hoàng lại kết luận để cho Sabeco tự quyết định thoái vốn; bị cáo Phan Chí Dũng đề xuất giá bán cổ phần chỉ hơn 13.000 đồng/cổ phần. Tiếp đến, bị can Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương (đang bỏ trốn) ra thông báo về mức giá trên dẫn tới Sabeco bán cổ phần giá thấp và đơn vị tư nhân sau chỉ mua ở mức hơn giá ban đầu 100 đồng/cổ phần.
Về cách tính thiệt hại vụ án, kiểm sát viên dẫn Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và cho rằng, thiệt hại vụ án được xác định ở thời điểm khởi tố vụ án năm 2018 và thiệt hại ở đây là quyền sử dụng khu đất số 2 - 4 - 6 bị bán rẻ.
Hội đồng định giá Trung ương đã xác định năm 2018, khu đất này trị giá 3.816 tỷ đồng nhưng trước đó, các doanh nghiệp tư nhân đã nộp tiền sử dụng đất và tiền mua cổ phần cho Sabeco khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Do đó, các cơ quan tố tụng xác định thiệt hại vụ án là 2.713 tỷ đồng là có căn cứ, đúng pháp luật.