Xét xử vụ cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Viện kiểm sát đề nghị mức án cho các bị cáo

GD&TĐ - Bị xác định có trách nhiệm trong việc tư nhân thâu tóm 6.000m2 đất công tại TP.HCM và đối diện mức án 11 năm tù, ông Vũ Huy Hoàng sợ sức khỏe không cho phép mình “ở tù” lâu như vậy.

Đề nghị phạt tù cựu Bộ trưởng

Ngày 24/4, tại TAND TP Hà Nội, phiên xét xử 10 bị cáo trong vụ án thất thoát 2.713 tỷ đồng tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM) được tiếp tục phần tranh luận. Mở đầu, đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm, Tổng công ty Bia rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) từng là doanh nghiệp nhà nước và được sử dụng khu đất số 2-4-6. Sabeco đã dùng chính khu đất Doanh nghiệp này được sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM). Sabeco đã thành lập liên doanh nhằm xây dựng tòa nhà khách sạn, văn phòng tại khu đất này.

Năm 2012, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Tuy nhiên, bị cáo Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương và cấp dưới bỏ qua yêu cầu này, cho Sabeco mang khu đất số 2-4-6 đi góp vốn lập liên doanh Sabeco Pearl. Đến năm 2016, các công ty tư nhận lại kiến nghị Sabeco thoái toàn bộ vốn tại Sabeco Pearl. Bộ Công Thương đồng ý việc này nên Sabeco bán toàn bộ cổ phần tại liên doanh với giá 196 tỷ đồng. Do đó, khu đất số 2-4-6 từ tài sản nhà nước do Sabeco quản lý bị chuyển sang sở hữu tư nhân, gây thiệt hại 2.713 tỷ đồng.

Đại diện viện kiểm sát trình bày quan điểm tại tòa
Đại diện viện kiểm sát trình bày quan điểm tại tòa

Nêu quan điểm về vụ án, kiểm sát viên giữ quyền công tố cho rằng các bị cáo là những người giữ vị trí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở Bộ Công thương hoặc TP.HCM và có trình độ, hiểu biết trong lĩnh vực công tác. Vì động những cơ khác nhau, các bị cáo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài; cố ý vi phạm quy định về quản lý tài sản, đất đai của nhà nước dẫn tới hậu quả vụ án. Hành vi của 10 bị cáo còn gây bức xúc trong xã hội và suy giảm niềm tin của nhân dân.

Người giữ quyền công tố xác định, các bị cáo dùng thủ đoạn lấy đất nhà nước góp vốn liên doanh rồi lại thoái vốn và quá trình này không minh bạch; vi phạm pháp luật dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cần xử lý bị cáo một cách nghiêm minh. Ngược lại, kiểm sát viên cũng đề nghị tòa án khi lượng hình cần xem xét tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Do đó, phía truy tố đề nghị tòa phạt bị cáo Vũ Huy Hoàng từ 10 – 11 năm tù; Phan Chí Dũng – nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ từ 7 – 8 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Với tội danh tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, kiểm sát viên đề nghị phạt Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM từ 5 – 6 năm tù về; 7 cấp dưới của ông Tín bị đề nghị nhận từ 2 đến 5 năm tù.

Còn ai phải chịu trách nhiệm?

Được quyền tranh luận, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay rất bất ngờ trước cáo buộc của đại diện viện kiểm sát khi xác định ông phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Bị cáo Hoàng đề nghị đại diện viện kiểm sát lý giải: “Viện kiểm sát luôn nhắc đến cụm từ tôi chỉ đạo toàn bộ quá trình liên quan đến thực hiện dự án tại Sabeco. Thế nào là chỉ đạo?”. Cựu Bộ trưởng khẳng định không can thiệp quá trình Sabeco thực hiện dự án tại khu đất số 2-4-6 và phân tích: “Với sự đề xuất của Sabeco, sự tham mưu của các bộ phận chức năng mà đầu mối là Vụ Công nghiệp nhẹ, ý kiến của Thứ tưởng phụ trách lĩnh vực, suốt từ 2007 khi Sabeco Land được thành lập đến năm 2012, tôi không có bất cứ thông tin nào liên quan đến việc triển khai dự án này”.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng tại tòa
Bị cáo Vũ Huy Hoàng tại tòa

Tiếp tục trình bày, bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng năm 2012, ông mới được Sacebo báo cáo khó khăn trong triển khai dự án, các nhà đầu tư không đủ khả năng tài chính. Bản thân ông đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và đồng ý tìm biện pháp tháo gỡ nên: “Nếu tôi có lỗi sẽ là lỗi quá quan tâm, quá nhiệt tình chia sẻ khó khăn của Sabeco. Tôi có phải là người cố ý làm sai Nghị quyết hay không, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.”.

Trước cáo buộc là người chỉ đạo xuyên suốt vụ án, bị cáo Vũ Huy Hoàng khẳng định các hoạt động tại dự án do Sabeco đề xuất, Vụ Công nghiệp nhẹ soạn văn bản trả lời. Bị cáo này nói: “Thứ trưởng đề nghị hỏi ý kiến của tôi, tôi tham gia ý kiến chỉ thêm 1 câu là việc chọn nhà đầu tư phải báo cáo Bộ. Việc này để đảm bảo Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco phải chọn nhà đầu tư xứng đáng, đủ năng lực thực hiện dự án… Tôi không tham gia vào bất cứ hành vi nào liên quan đến quá trình này. Nguyên lãnh đạo Sabeco và cả bị cáo Phan Chí Dũng ngày hôm qua đều khẳng định tôi không chỉ đạo gì”.

Cựu Bộ trưởng cũng phủ nhận quy kết ông chỉ đạo Sabeco chuyển giao quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl và sau đó lại thoái vốn. Ông Hoàng nêu quan điểm: “Việc thực hiện thoái vốn là theo chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là đề xuất của Sabeco, không phải lãnh đạo Bộ chỉ đạo. Vấn đề thoái vốn, từ phương án, phê duyệt, quyết toán xảy ra sau khi tôi bị miễn nhiệm. Lúc đó, tôi làm gì có tư cách, ai nghe tôi chỉ đạo?”. Bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng, tội danh và khung hình phạt phía công tố đề nghị đối với ông quá nặng nề, không phù hợp. Cựu Bộ trưởng cũng băn khoăn bởi với tình trạng sức khỏe hiện tại, ông không biết đủ thời gian chấp hành án hay không.

Bào chữa cho cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng thân chủ của mình không nắm được quá trình chuyển nhượng vốn tại Sabeco và chính Sabeco mới là đơn vị chủ động. Luật sư nêu quan điểm: “Bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco hoàn toàn độc lập, chủ động thỏa thuận chuyển đổi nội dung cơ bản… Ban quản lý vốn cũng không báo cáo, xin ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này. Đây phải coi là sự tự ý và không chấp hành chủ trương, chỉ đạo của Bộ Công Thương. Vì vậy có thể thấy rõ ai phải chịu trách nhiệm về việc để khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ đất công thành đất tư”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ